Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

6/6/14

Hoàn kiếm tước binh quyền


Đêm.

Trăng chênh chếch soi qua song cửa. Người đàn ông trung niên vẫn ngồi lặng lẽ bên bàn viết. Như là từ rất lâu rồi. Ánh sáng của ngọn bạch lạp soi rõ khuôn mặt cương nghị, đôi mày nhíu lại rồi giãn ra. Dường như ông đang suy nghĩ rất lung. Đất nước đã sạch bóng thù nhưng trăm họ qua cơn chiến chinh vẫn còn lầm than. Triều chính còn đấy trăm ngàn mối lo. Ông biết, triều cương chưa yên thì công cuộc kiến thiết quốc gia khó lòng làm nổi. Gương tày liếp của cha con Đinh Tiên hoàng năm xưa hiện rõ trong đầu ông như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Con trai trưởng của ông, Hữu tướng quốc Tư Tề, tuy công lao lừng lẫy, thao lược gồm tài nhưng tính tình nóng nảy lại hơi kiêu ngạo. Nói dại, nhỡ đâu ông có mệnh hệ nào thì Tư Tề liệu có cầm cương được cỗ xe Đại Việt đang còn chệnh choạng? Hoàng tử Nguyên Long thì hẵng còn bé. Các tướng lĩnh như Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn ... cũng đầy công lao hãn mã, binh quyền lại nắm trong tay, ra vào cung cấm vẫn được mang vũ khí. Ông thấy nguy hiểm. Họ thần phục ông. Họ đã từng vì ông, vì trăm họ Đại Việt mà vào sinh ra tử nhưng lòng người khó dò. Mấy ai trên đời vượt qua được sự mê hoặc của quyền lực và danh lợi. Chẳng phải Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn đã lấy ngôi nhà Lê, chẳng phải Lý Sảm đã mất ngôi vào tay anh em Tự Khánh, Thủ Độ đấy sao. Toàn những kẻ nắm binh quyền trong tay, nhân lúc loạn lạc mà đoạt ngôi, tranh vị. Không! Mười năm nếm mật nằm gai mới có được hôm nay. Đất đai là của ông, thần dân là của ông, vương quyền chỉ có thể là của ông. Không thể sơ suất. Đa nghi vốn dĩ là thuộc tính của kẻ làm chúa.

Ông đứng dậy, đi đi lại lại trước bàn viết. Tiếng gà đâu đó trong hoàng thành vẳng lại nhắc ông đêm đã đến canh ba. Ông vẫy tay, sai người gọi Tư Tề sang gặp ông ngay. Hai ngày nữa thủy quân sẽ thao diễn ở hồ Thủy quân. Toàn bộ tướng lĩnh Lam Sơn sẽ tham dự, toàn bộ dân chúng kinh thành sẽ tề tựu để chứng kiến sức mạnh của đoàn quân chiến thắng.

Có tiếng võ phục loạt soạt.

- Áng![1]

- Con vào đây ta có việc cần bàn.

- Thưa, con đã sai người chu toàn mọi việc cho buổi duyệt thủy binh. Áng còn điều chi cần kíp?

- À, không. Con khá biết câu chuyện chén rượu năm xưa của Triệu Khuông Dẫn?

Tư Tề chăm chăm nhìn cha, thoáng rùng mình. Thực ra việc này chàng cũng đã nghĩ nhiều nhưng lòng còn e sợ bị khép vào tội bất nghĩa nên chưa dám bẩm báo. Tuy chàng và nhà vua là tình cha con nhưng các tướng lĩnh nghĩa quân đối với cha con chàng ân nghĩa tày non. Mười năm kề vai sát cánh, chàng chưa thấy cha có điều chi không hài lòng về họ. Giờ cha đã nói thế này có lẽ ý ông đã quyết, chỉ là cần bàn thêm về mưu kế thực thi. Làm không khéo e lại đẩy trăm họ vào cảnh nồi da xáo thịt. Xét cho cùng, ngôi vị đế vương kia, một mai cũng là của chàng.

Tư Tề khẽ gật đầu với cha rồi quay người lệnh cho lính hầu lui ra ngoài. Chàng tự mình cẩn thận khép cửa. Tiếng sấm từ xa nổi lên ầm ì. Có lẽ trời sắp dông.

***

Tranh minh họa của tựa game Thuận Thiên kiếm
Mặt trời đã lên độ chừng một con sào. Cả không gian ánh vàng như mật. Mới đầu hạ nên tiết trời hẵng còn mát mẻ. Nước hồ Thủy quân dềnh lên, chung quanh hồ cờ xí tở mở, chiêng trống rộn ràng. Trên hồ, chiến thuyền xếp dài ngút mắt. Đức vua lẫm liệt đứng trên lâu thuyền, tấm chiến bào nhẹ bay trong gió. Sau lưng ông là khoảng trên chục viên văn quan võ tướng đầu triều. Tất cả đều nai nịt gọn gàng, kiếm đeo trễ bên hông. Cạnh ông, hơi lùi sau một chút là Tư Tề. Nét mặt căng thẳng.

Mặt nước hồ hơi xao động. Đúng lúc buổi diễu binh sắp bắt đầu, trăm quan đang quỳ xuống tung hô thì bỗng tiếng Tư Tề vang lên:

- Cẩn tấu Đức Hoàng thượng! Thần Kim Quy hiển linh!

Chưa ai kịp định thần thì thanh kiếm Thuận Thiên lừng lẫy đã từ tay nhà vua bay xuống mặt hồ.

- Giặc đã tan. Kiếm lệnh từ nay xin hoàn!

Dứt lời, Đức vua Thuận Thiên quỳ phục xuống, dập đầu tạ ơn thần Kim Quy. Quan văn, tướng võ nhìn nhau ngơ ngác. Viên Tả kim ngô vệ Đại tướng quân Phạm Vấn hô lớn:

- Đức Hoàng thượng muôn năm!

- Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!

Tiếng hô vang vọng kéo dài suốt mặt hồ. Tư khấu Lê Sát tiến lên vài bước, quỳ xuống, hai tay nâng thanh kiếm trận lên quá đầu.

- Cẩn tấu Đức Hoàng thượng! Đất nước đã thanh bình. Kẻ tôi tớ này vui mừng vì không còn cần phải xông pha trận mạc. Từ nay, tôi xin được trả lại kiếm trận, trả lại quyền điều động quân đội để rảnh rang giúp Đức Hoàng thượng kiến thiết nước nhà. Cẩn xin Đức Hoàng thượng chuẩn tấu!

- Tư Tề thay ta nhận kiếm. Quan Tư khấu đứng dậy đi.

Không ai bảo ai, lần lượt Đại tướng quân Phạm Vấn, Thái bảo Phạm Văn Xảo, Tư mã Lê Ngân, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú v.v đều tháo gươm dâng trả ngay tại lâu thuyền. Tư Tề chuyên chú vào việc nhận kiếm và xếp thành một hàng trên chiếc kệ vừa được hai chú lính bê từ trong khoang ra. Không ai nhận ra Lê Sát lúc bấy giờ lùi lại sau, liên tục liếc trộm Tư Tề, ánh mắt đầy dò xét.

Ba ngày sau, nhà thuyền chài họ Mạc bắt gặp một con rùa lớn, dài đến bốn, năm thước ta nổi lên giữa hồ. Tin truyền vào cung, Tư Tề chỉ tủm tỉm cười, lẳng lặng thưởng thêm cho viên gia tướng thân tín hai mươi nén bạc. Lê Sát cũng nghe chuyện vào lúc tan buổi chầu. Mặt thoáng chút hồ nghi nhưng lại ngay lập tức nói nói cười cười, rằng vận nước chắc đang hồi hưng vượng nên thần Kim Quy mới hiện thân phò hộ.

Buổi chầu kế tiếp, Khu mật Viện chính thức công bố sắc lệnh của nhà vua về việc cấm võ tướng mang vũ khí vào triều đồng thời thu hồi các lệnh phù điều động quân đội.

Đầu năm Kỷ Dậu (1429), Trần Nguyên Hãn trẫm mình ở bến Sơn Đông.

Tháng … năm … Phạm Văn Xảo bị bức tử trong nhà lao.

Tháng … năm … Nguyễn Chích bị bãi chức.

Tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Tư Tề bị tước bỏ ngôi vị Thái tử, giáng xuống làm Quận vương.

Cuối tháng đó, Đại tư đồ Lê Sát nhận di chiếu, phò Thái tử Nguyên Long 11 tuổi lên ngôi.

Mùa đông, tháng Một[2] năm Thuận Thiên thứ tư, Nguyễn Trãi chép chuyện Đức vua trả gươm cho thần Kim Quy vào sách Lam Sơn thực lục[3]. Cũng từ đó, câu chuyện trả gươm chính thức trở thành huyền thoại có thật.

Hàn Giang





[1] Tiếng gọi cha trong ngôn ngữ Việt cổ.
[2] Xưa, năm âm lịch được tính từ tháng giữa mùa đông; bắt đầu từ Một, Chạp, Giêng, Hai … cho đến tháng Mười là tháng cuối năm.
[3] Theo dịch giả Bảo Thần tại bản dịch Lam Sơn thực lục do NXB Tân Việt ấn hành năm 1956 (in lần thứ ba) thì câu chuyện trả gươm được thêm vào từ lần biên soạn, chỉnh lý năm Vĩnh Trị thứ nhất dưới thời vua Lê Hy tông.


Cách xưng hô của người Việt thế kỷ 15-18



Đây là một chứng cứ khẳng định tính độc lập của tiếng Việt và người Việt trong mối quan hệ với tiếng Hán và người Hán. Bài này đã lưu hành trên mạng thông tin toàn cầu từ rất lâu rồi nhưng Chuyện phố xin được chép lại và lưu giữ để tiện việc học tập, nghiên cứu.


Ðời xưa, đặc biệt từ thế kỷ 17-18 trở về trước, người Việt Nam xưng hô với nhau như thế nào, hiện giờ còn là một vấn đề chưa được nghiên cứu, chưa được biết rõ. Có lẽ chính vì vậy mà trong các tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, phim lịch sử của chúng ta ngày nay... các nhân vật khi đối thoại với nhau, họ xưng hô rất tùy tiện theo chủ quan của nhà văn, nhà biên kịch với những ngôn ngữ không mang dấu ấn lịch sử, dấu ấn dân tộc.

Ðã có không ít bạn bè bảo tôi thử tìm hiểu xem ông bà ta ba, bốn trăm năm trước, khi nói chuyện, trao đổi qua thư từ..., các cụ xưng hô với nhau như thế nào. Và tôi đã thử làm công việc này bằng cách đọc một số tác phẩm Nôm cổ thế kỷ 15, 16 và 17, 18, rồi nhặt ra những từ xưng hô ở các đoạn văn đối thoại trong những tác phẩm Nôm cổ đó. Kết quả hết sức thú vị, vì số lượng từ xưng hô của người xưa rất phong phú. Có những từ xưng hô thời xưa, nay đã mất hẳn trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại, nhưng cũng có những từ bây giờ vẫn dùng, song với nghĩa đã thay đổi. Phương pháp tôi làm để khôi phục những từ xưng hô thời cổ ở nước ta, rất đơn giản, và bảo đảm chính xác, bởi vì chữ Nôm là chữ để ghi tiếng: nói như thế nào, ghi lại đúng như thế. Những tác phẩm Nôm cổ tôi sử dụng ở đây, chủ yếu là các cuốn: "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Nôm thế kỷ 15) do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ giới thiệu, khảo cứu, phiên âm chú giải[1]. Cuốn Tân biên truyện kỳ mạn lục, Tác phẩm Nôm thế kỷ 16, của Nguyễn Thế Nghi, do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hồng Cẩm phiên âm, chú thích[2]. Và một số văn bản Nôm thế kỷ 18 trong sách Ðại Việt quốc thư, trong cuốn Gia phả họ Ðỗ ở Ðông Ngạc (Kẻ Vẽ), Từ Liêm, Hà Nội.

Dưới đây là những từ xưng hô phổ biến trong giao tiếp của người Việt Nam (vùng đồng bằng Bắc Bộ) ở các thế kỷ 15, 16, 17, 18:

- Cha gọi là áng, Bác (là chú, bác như ngôn ngữ hiện đại). Mẹ (như ngôn ngữ hiện nay), nhưng mẹ còn gọi là nạ. Tôi, ta gọi là min, là mỗ, giáp. Nó, hắn gọi là nghĩ. Chúng bay gọi là phô bay. Chúng tôi, chúng ta gọi là phô min giáp. Tôi, tao, mày. Ta. Vợ. Bà phu nhân. Ngươi. Mi, chúng mi. Thiếp, chàng. Tiên sinh. Vua gọi là Ðức hoàng thượng. Chúa gọi là Ðức bề trên...

Qua những từ vừa thống kê trên chúng ta thấy đó là những từ xưng hô phổ biến của người Việt Nam thời cổ trong các tầng lớp xã hội từ vua, chúa, quý tộc đến dân thường, bao gồm các loại đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất (số ít, số nhiều), ngôi thứ hai (số ít, số nhiều), ngôi thứ ba (số ít, số nhiều).

Như ở phần trên chúng tôi có nói, nhiều từ xưng hô phổ biến ở thế kỷ 15-16, nhưng ngày nay chúng đã biến khỏi đời sống ngôn ngữ mà chỉ tồn tại trong các văn bản Nôm cổ, người đọc muốn hiểu nghĩa thì phải nhờ lời chú giải của các nhà khoa học chuyên về văn tự cổ. Thí dụ, người Việt Nam ở thế kỷ 15-16 nói: "Chẳng biết ơn áng nạ" (Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh). Nhờ chú giải của các nhà khoa học, độc giả ngày nay biết áng nạ là cha mẹ. Và câu trên được diễn giải là "Chẳng biết ơn cha mẹ". Hoặc đại từ nhân xưng tôi, ta, người thế kỷ 15-16 gọi là min, mỗ, giáp. Ngày nay từ min, từ giáp đã chết. Từ mỗ vẫn còn gặp trong ngôn ngữ đời sống. (Chẳng hạn, đôi khi trong chúng ta vẫn có người nói "Mỗ không thích uống rượu...")

Nếu thống kê những từ cổ xưng hô của người Việt Nam thế kỷ 15-18 rồi đối chiếu với những từ xưng hô trong giao tiếp ngày nay, chúng ta không thấy số từ người Việt Nam từng xưng hô với nhau ba, bốn thế kỷ trước vẫn đang có mặt trong đời sống ngôn ngữ hiện tại chiếm một tỷ lệ khá nhiều và các nhà văn, các tác giả phim truyện, kịch bản viết về lịch sử có thể khai thác, sử dụng một cách khá thoải mái. Thí dụ các từ xưng hô tao, mày, ta, ngươi, mi, chúng mi, thiếp, chàng, đứa kia, tiên sinh...

Tôi xin giới thiệu vài tư liệu cổ nói về cách xưng hô của một quan đại thần với vua Lê, chúa Trịnh thế kỷ 18 và cách xưng hô giữa Ngô Văn Sở với Ngô Thì Nhậm, hai nhân vật trụ cột của vua Quang Trung.

1. Trong cuốn Gia phả họ Ðỗ ở Ðông Ngạc có ghi lại một số bài khải viết bằng chữ Nôm của Ðỗ Thế Giai (một đại thần) dâng lên vua Lê chúa Trịnh và Ðặng Thị Huệ. Trong đó Ðỗ Thế Giai xưng là tôi và gọi vua Lê chúa Trịnh là Ðức bề trên gọi Ðặng Thị Huệ là Ðức chính phi.

Mỗi lần vua Lê, hoặc chúa Trịnh hỏi Ðỗ Thế Giai về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy, về đạo trị dân... trong các tờ khải điều trần của mình, bao giờ Ðỗ Thế Giai cũng mở đầu bằng câu: "Tôi cẩn khải vâng lậy Ðức bề trên..."

Khi Trịnh Sâm muốn cho Ðặng Thị Huệ (được phong tuyên phi) tham dự chính sự thì Ðỗ Thế Giai đã gửi tờ khải cho Ðặng Thị Huệ đạ can ngăn. Mở đầu tờ khải, Ðỗ Thế Giai viết: "Tôi cẩn khải vâng lậy Ðức chính phi muôn muôn năm..."

2. Trong một bức thư Ngô Văn Sở gửi Ngô Thì Nhậm, viết bằng chữ Nôm, đoạn mở đầu:

"Quan Ðại đô đốc tước Chấn quận công[3], kính gửi đến quan lại bộ Tả thị lang là tước hầu Tình phái[4] rõ: từ khi thiểm chức về triều vong hầu nhà vua, như việc sứ ở nội địa[5], nhiều giấy tờ đưa đi, đưa lại, hiền hầu đã tâu bẩm ngày trước, thời thiểm chức đã tâu về Ðức hoàng thượng[6] ngự lãm rồi...".

Rõ ràng qua những tư liệu như thế này, chúng ta biết chính xác cách xưng hô giữa vua, chúa, quan lại với nhau hồi thế kỷ 18. Ðó là nguồn tài liệu quý giá để chúng ta khai thác, sử dụng, khôi phục hệ thống ngôn ngữ giao tiếp của người xưa - ít nhất là trong các tác phẩm về đề tài lịch sử trên sân khấu, điện ảnh...

Theo Tạ Ngọc Liễn - Văn nghệ trẻ



[1] Nxb Khoa học xã hội, 1999.
[2] Nxb Văn hóa Dân tộc, 2000.
[3] Tức Ngô Văn Sở.
[4] Tức Ngô Thì Nhậm.
[5] Chỉ nước China
[6] Chỉ Quang Trung.


4/6/14

Rượu Sán Lùng


Sán Lùng cạn mãi không say,
Đầy vơi nỗi nhớ những ngày không em.
Một rằng quên.
Hai rằng quên.
Rượu đà trơ đáy mùi men vẫn còn.
Uống rượu ở chợ phiên Đồng Văn
Ảnh: Jeff Phạm
Ai thế nào không rõ, riêng Jeff thích uống Sán Lùng (1) ướp lạnh trong ly cao có chân, miệng ly hơi khum vào trong. Tay cầm chân ly, ngón trỏ hơi tỳ nhẹ lên đáy ly (riêng chị em thì cong ngón út lên tí cho duyên) để hơi ấm ở bàn tay không làm mất độ lạnh của rượu. Trước khi uống, nghiêng ly về phía ánh nến để cảm nhận sự trong vắt, tinh khiết của rượu; một sự thanh khiết mang dáng vẻ thanh tân của gái đồng trinh. Thảng hoặc rượu ánh lên chút xanh dịu nhẹ của cốm, biêng biếc như mắt con gái khi ngắm sương mai đọng hờ hững trên đóa hồng hàm tiếu. Thong thả đưa chén kề môi, lắng lòng thưởng thức hương thơm tinh khiết, thoảng qua như sương, như khói mà cuốn hút, nồng nàn như đắm, như say.

Rượu Sán Lùng vị ngọt dịu và hơi ngậy. Uống vào cảm giác bừng lên ngây ngất; tim đập rộn lên những nhịp nồng nàn, chân thật. Sán Lùng dùng để đối ẩm với bằng hữu thì tình bạn thêm bền chặt; đối ẩm với hồng nhan tri kỷ thì tình yêu thêm thăng hoa. Độc ẩm thì nhớ càng thêm dày, thì kỷ niệm đắng cay cũng thành hoài niệm ngọt ngào.

(1) Xã Sán Lùng thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai - là nơi có thứ rượu ngon nổi tiếng. Nếu như các loại rượu khác đều cất từ gạo, ngô hoặc sắn nấu chín và ủ men thì rượu Sán Lùng được ủ và cất theo một quy trình độc đáo và công phu.

Nguyên liệu là thóc mẩy đều hạt, đem ủ cho nảy mầm, lúc đó tinh bột được chuyển hóa thành đường ở mức cao nhất. Người Dao đỏ đem thóc nảy mầm cho vào chõ đồ chín, tãi ra nong cho nguội, tới nhiệt độ thích hợp mới trộn đều với men, rồi ủ từ năm tới sáu ngày, khi tỏa mùi thơm thì đem cất rượu. Dù quy trình, nguyên liệu như vậy nhưng nếu nấu ở nơi khác, rượu sẽ không ngon bằng ở Sán Lùng. Bởi ngoài những bí quyết truyền đời, có lẽ nguồn nước và tiểu vùng khí hậu là những yếu tố không thể thay thế được đã tạo ra hương vị đặc biệt của rượu Sán Lùng.

Viết sau khi đối ẩm với Trần Nam Ngạn ở một quán rượu đâu đó ở phố Ấu Triệu từ hàng tỷ năm trước. Mới nghe tin bạn trở thành người gìn giữ hòa bình cho thế giới, chúc bạn thành công!

Jeff Phạm


Rượu


Theo truyền thuyết và ghi chép lịch sử của Trung Quốc, Đỗ Khang hay còn gọi Thiếu Khang, là quốc vương thứ năm của triều nhà Hạ.

Phù điêu mô tả người Cơ tu uống rượu cần
Ảnh: Dân trí
Tương truyền, vào khoảng vương triều thứ tư, triều nhà Hạ xảy ra chính biến, tranh giành chém giết lẫn nhau. Khi đó hoàng hậu của quốc vương đương triều đang mang thai đã phải trốn chạy về quê mẹ đẻ và sinh hạ được một cậu con trai. Vì mong muốn cậu bé giỏi giang như ông nội Trọng Khang, nên bà đã đặt tên cho con là Tiểu Khang.

Thuở nhỏ Tiểu Khang sống với nghề chăn thả gia súc, cơm mang theo thường treo lên cành cây, nhiều khi quên ăn. Một vài ngày sau, Tiểu Khang phát hiện túi cơm đã biến mùi, chảy ra những giọt nước trong vắt, ngọt ngào, thơm ngát. Điều đó đã gây hứng thú cho cậu bé. Qua nhiều lần tìm tòi nghiên cứu, cuối cùng cậu đã phát hiện ra nguyên lý lên men, sau đó từng bước mô phỏng, cải tiến để rồi tìm ra một công nghệ ủ và nấu rượu hoàn chỉnh. Từ đó Đỗ Khang được coi là ông tổ của nghề nấu rượu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên dân gian cũng có một câu chuyện vui về việc tìm ra rượu và thưởng thức rượu như sau:

Thứ nước uống do Đỗ Khang mới đầu tìm ra chỉ là một loại nước giải khát thông thường, như Coca Cola hay 7Up của chúng ta hiện nay, không có chất cồn gây cảm giác lâng lâng hay say sưa sau khi uống. Đỗ Khang ngày đêm suy nghĩ, mong muốn cải tiến. Một hôm trong lúc ngủ, có một vị thần hiện về bảo với Đỗ Khang rằng, trong ba ngày tới, mỗi ngày vào giờ Dậu hãy ra cổng thành phía Tây xin một giọt máu của người gặp đầu tiên, sau đó về pha vào thứ nước uống kia sẽ được hiệu quả như ý. Đỗ Khang bèn làm theo. Ngày đầu tiên ngay đầu giờ Dậu ông đã gặp được một thi sĩ, xin được một giọt máu của ông ta. Ngày hôm sau ra chỗ cũ ngồi đợi, quá nửa giờ Dậu mới gặp một tráng sĩ và anh ta cũng vui vẻ cho Đỗ Khang một giọt máu. Ngày thứ ba, đợi mãi đợi mãi, gần hết giờ Dậu vẫn không thấy bóng dáng một ai. Mãi đến cuối giờ Dậu xuất hiện một tên lưu manh, không còn cách nào khác, Đỗ Khang phải xin hắn một giọt máu.

Đã có đủ ba giọt máu xin đúng giờ Dậu, Đỗ Khang pha vào món nước kia uống thử, hiệu quả thật tuyệt vời. Đó cũng chính là thứ rượu mà chúng ta uống hiện nay. Vì vậy trong tiếng Hán, chữ “tửu - rượu” () được cấu tạo gồm bộ chấm thuỷ (3 giọt máu) và chữ dậu (giờ Dậu) đứng sau.

Tửu - Trương Khắc Tư viết
Thú vị hơn là chuyện uống rượu. Khi mới uống, vài ba chén ban đầu chính là chúng ta uống giọt máu của thi sĩ, vậy nên ai cũng ăn nói rất hoa mỹ, bay bướm, giàu ý thơ. Tiếp theo chúng ta uống giọt máu của tráng sĩ, đến lúc này sức khoẻ dường như vô biên, ai mời cũng uống, liên tục “dzô dzô” rồi “trăm phần trăm”. Cuối cùng là giọt máu của kẻ lưu manh, uống xong say xỉn phá phách, làm những điều bậy bạ, vi phạm thuần phong mỹ tục hay phạm pháp cũng là do uống đến giọt máu của kẻ lưu manh này.

Đàn ông Hmoong và rượu ngô
Ảnh: Jeff Phạm
Vậy nên uống rượu ngày nay, không được giống như các thi sĩ ngày xưa “bầu rượu túi thơ, uống xong “xuất khẩu thành chương”, nhưng cũng cố gắng giữ mình chỉ uống hết “giọt máu thứ nhất”. Quá lắm mới uống đến “giọt máu thứ hai” là cũng đỡ tốn tiền hại sức khoẻ rồi. Đừng uống đến “giọt máu thứ ba” mà không giữ được chính mình.

Chuyện phố xin tặng quý vị danh mục các loại vang dùng với hải sản.



 Ngọc Khanh

3/6/14

Chỉ tại con chó


Giám đốc Tống chủ trì tất cả mọi công việc trong sở, chuyện gì không có ông gật đầu thì không thể xuôi được. Mỗi năm vào dịp lễ tết, nhân viên cấp dưới, đối tác làm ăn đến tặng quà đông nườm nượp. Nhưng bỗng dưng tết năm nay không thấy bóng dáng một ai, giám đốc Tống cảm thấy rất khó hiểu.

Ngày đầu tiên sau năm mới đi khai xuân, trưởng phòng Lưu của một đơn vị cấp dưới là người đầu tiên đến văn phòng giám đốc Tống. Vừa bước vào phòng đã tự kiểm điểm rằng, Tết năm nay bận tối cả mắt, không có thời gian thân chinh đến nhà giám đốc chúc Tết, vậy nên hôm nay đến đây tạ lỗi, vừa nói vừa dúi vào tay giám đốc một chiếc phong bì. Giám đốc đang định nói câu cám ơn cho phải phép thì lại có khách đẩy cửa bước vào, vô tình nhìn thấy cảnh này. Giám đốc Tống đành nghiêm mặt nói: “Sao cậu lại dám làm cái trò này? Thế này là hại tôi đấy. Định đẩy tôi vào con đường tham ô hối lộ à?”. Câu nói làm trưởng phòng Lưu ngượng chín cả mặt.

Một lát sau vài người nữa lục tục kéo vào phòng giám đốc, cũng đưa phong bì, cũng nói lý do như trưởng phòng Lưu, nhưng ai mà dám nhận nữa. Tuy nhiên trong lòng giám đốc Tống thấy bực mình, chỉ muốn mắng: “Lũ ngu, sao không đến nhà mình? Bận không có thời gian à, ma nào tin được”.

Về đến nhà, giám đốc kể lại chuyện này cho vợ nghe và vợ cũng thấy bực mình lây. Phân tích tình hình, giám đốc Tống cũng thấy nghi hoặc: Trước Tết nghe phong thanh, năm nay cấp trên có đợt điều chỉnh với lãnh đạo một số cơ quan, chẳng lẽ mình nằm trong số đó? Cậu Lưu và một số tay nữa rành thông tin lắm, có khi chúng biết trước chuyện này rồi, cái trò đến văn phòng cơ quan đưa phong bì chỉ là giả vờ giả vịt thôi.

Giám đốc Tống liền bắt vợ đến nhà một lãnh đạo cấp trên nghe ngóng tình hình. Vợ vội vàng đi ngay, không lâu sau trở về mừng rỡ nói: Hoàn toàn không có chuyện đó, cái ghế giám đốc sở của ông vẫn vững chãi. Lúc đó giám đốc Tống mới thở phào nhẹ nhõm.

Vài ngày sau đến khảo sát công tác tại đơn vị cậu Lưu. Chiêu đãi bữa trưa, giám đốc và cậu Lưu đều uống hơi quá chén, hai người dìu nhau vào phòng trong nghỉ ngơi. Giám đốc Tống rượu nhiều nhưng đầu óc tỉnh táo, miệng giả vờ lè nhè hỏi: “Cậu … Lưu này … chúng ta … quan hệ … cũng đâu đến nỗi … sao lâu nay … không thấy đến nhà chơi?”. Trưởng phòng Lưu thở dài nói: “Anh Tống … anh tưởng em không muốn sao … nhưng chỉ tại … con chó.”

Chó nào nhỉ? Về nhà giám đốc Tống nghĩ lại mới chợt nhớ ra, cậu Lý ở tầng một có nuôi một con chó rất to. Kể cũng lạ, con chó ấy ban ngày nằm lì trong nhà, nhưng cứ ban đêm lại chui ra phục ở cửa cầu thang. Thử nghĩ xem, đến nhà giám đốc chơi, dù sao cũng không phải là quang minh chính đại, vậy nên thấy con chó to tướng phục đấy thì ai mà dám lên tầng nữa? Giám đốc Tống rủa thầm: Cái thằng cha Lý đáng ghét này, chặn đứt con đường tài lộc của mình.

Thật ra cậu Lý ấy cũng đáng thương, sau khi cưới không được phân nhà, đành phải thu dọn cái buồng xép tầng một ấy làm nơi hai vợ chồng chui ra chui vào. Chỗ đó vừa tối tăm, vừa ẩm mốc, chuột bọ lại nhiều, đúng là khó mà chịu nổi. Sở đã mấy lần chia nhà mới, nhưng chẳng đến lượt cậu ta. Cũng tại cái cậu này ki bo, nếu chịu khó đến nhà giám đốc Tống thì đã chẳng đến nỗi ấy.

Giám đốc Tống lập tức tìm gặp cậu Lý, bắt xử lý ngay con chó, nhà tập thể cơ quan ai cho phép nuôi chó? Nhưng cậu Lý nói, nuôi chó có giấy phép đàng hoàng, hoàn toàn hợp pháp. Giám đốc đành chịu. Vài ngày sau, giám đốc bèn chỉ đạo các phòng ban liên quan gấp rút điều chỉnh cho cậu Lý một căn hộ hai phòng, rốt cục coi như đã tống khứ được “ôn dịch” chặn đường tài lộc của mình.

Giám đốc Tống nào ngờ, hôm chuyển nhà, vợ cậu Lý mặt mày hớn hở nói với chồng: “Mai trả con chó cho người  ta đi, nhà được phân rồi, không cần thiết phải nuôi nữa. Hi… hi, chiêu của anh đúng là tuyệt thật.”

Tác giả: Từ Ngạn
Dịch giả: Ngọc Khanh
Nguồn: Tiểu thuyết mini – Trung Quốc; Số 1-2001

2/6/14

Tình địch


Tôi và Thọ lấy nhau đã được ba năm. Tôi không bao giờ nghi ngờ tình yêu anh ấy dành cho tôi. Tôi xinh đẹp, có năng lực, học vấn ngang chồng, tiền lương cũng chẳng kém gì anh ấy. Lấy được người như tôi có lẽ là phúc ba đời của nhà chồng.

Đánh ghen (Tranh dân gian)
Hôm đó mấy chị em đã có chồng ở cơ quan tôi đang thảo luận xem cách nào giữ chồng hay nhất. Khi mọi người hỏi đến tôi, tôi nói mình không để ý đến chuyện đó, nếu nói chuyện ngoại tình thì tỷ lệ của tôi cao gấp chồng 100 lần.

Nhưng tôi không ngờ một người đầy tự tin về hôn nhân như tôi lại chịu một trận thất bại ê chề trong “cuộc chiến tình cảm”…

Đó là một ngày của vài tuần sau buổi thảo luận tại cơ quan, Thọ đi công tác. Buổi tối, sau một ngày công việc mệt mỏi, tôi theo thói quen lên mạng xem tin tức. Cũng có thể do hiếu kỳ, cũng có thể vì muốn chứng thực sự chung thủy của Thọ đối với mình, tôi đột nhiên nảy ra ý nghĩ vào hòm thư của anh ấy xem sao. Tôi tự hứa với mình: Chỉ thử ba mật mã, nếu không vào được thì thôi. Không ngờ tôi mới thử lần thứ hai đã được. Thọ dùng ngày tháng năm sinh của tôi làm mật mã, xem ra anh ấy vẫn yêu mình nhất. Tôi thầm đắc ý.

Tuy nhiên, có hai bức thư trong đó đã làm tôi ngây người, đó là thư của một người con gái ký tên: Cầm. Thư rất ngắn, lời lẽ rất dịu dàng: “Thọ, đừng thức đêm nữa. Thọ, em nhớ anh…”. Tôi bỗng nhiên nhớ ra rằng, những lời lẽ yêu thương đơn giản mà mộc mạc này đã từ lâu tôi không thì thầm bên tai chồng nữa.

Tôi nằm xoài ra giường, khóc nức nở, bởi vì tôi không dự tính trước sẽ xảy ra cảnh này. Làm sao bây giờ? Cuối cùng tôi gửi một bức thư theo địa chỉ email đó, nội dung là: Tôi là vợ của Thọ, nếu có thể chúng ta hãy nói chuyện với nhau.

Tôi muốn xem cô gái  kia xinh đẹp hay là thướt tha yêu kiều đến mức nào mà quyến rũ  được chồng tôi.

Tôi và Cầm hẹn gặp nhau ở một quán cà phê. Tôi thấy hơi thấp thỏm, hối hận vì không gọi thêm mấy chị em nữa đến cho an toàn.

Cầm đến rất đúng giờ. Tôi ngắm nghía kẻ tình địch chưa hề quen biết: Váy liền quần màu trắng, dáng không cao, trông không xinh nhưng rất thanh thoát, gương mặt tươi cười, nhìn biết ngay là một cô gái hiền tính.

“Về chuyện của Thọ, tôi muốn chúng ta nói chuyện thẳng thắn”. Tôi đi thẳng vào vấn đề.

Cầm cúi đầu, rất lâu sau mới nói câu: Xin lỗi. Tiếp sau đó cô bắt đầu thuật lại quá trình quen biết của hai người.

Hóa ra Cầm và Thọ là đồng nghiệp với nhau. Trong một buổi lễ mừng công của cơ quan, hai người vô tình ngồi gần nhau. Hôm đó Thọ bị ho rất nặng, rất may Cầm lại biết một loại thuốc đặc hiệu chữa ho, liền giới thiệu cho Thọ. Sau buổi liên hoan, hai người lại về cùng đường và thế là có cơ hội chuyện trò tâm sự. Qua câu chuyện được biết, chồng Cầm bệnh mất hai năm trước, hai người chưa có con, hiện đang ở một mình. Thọ cũng được biết thêm, bình nóng lạnh nhà Cầm hỏng mấy hôm nay, tiện đường nên anh nhiệt tình đề nghị sửa giúp.

“Anh ấy giỏi lắm, chỉ loáng một cái là sửa xong”, Cầm khen Thọ đầy hào hứng, cứ như khen chính chồng mình vậy. Thực sự Thọ là người rất khéo tay, thứ gì trong nhà bị hỏng anh cũng có thể sửa được, nhưng tôi lại luôn cho rằng đây là những việc tất yếu chồng phải làm, không bao giờ nghĩ đến chuyện dành cho anh ấy một lời khen. Tôi quên mất rằng, đàn ông cũng cần khen như trẻ con vậy.

Cầm còn kể, khi nhìn thấy chậu hoa, cây cảnh của cô bày khắp nhà, mắt Thọ sáng lên. Thực ra Thọ rất thích trồng cỏ cây hoa lá, nhưng luôn bị tôi chê là vô công rồi nghề.
Từ sau đó, quan hệ giữa hai người cũng thân thiết hơn.

“Tôi không xinh đẹp, cũng không giỏi giang bằng chị. Tôi chỉ muốn làm một người con gái bình thường”.

Nghe xong trình bày của Cầm, tôi không hề cảm thấy giận, cứ như nghe chuyện của người khác, phải hồi lâu mới định thần lại, nhân vật chính trong câu chuyện là chồng mình.

Chia tay với Cầm, trời đã tối. Tôi không trở về nhà ngay mà tạt vào vườn hoa trong khu chung cư ngồi tự vấn. Tôi suy nghĩ rất lâu và bắt đầu hiểu được tại sao một người con gái bình thường như Cầm lại giành được tình yêu của Thọ, thậm chí là cảm tình của tôi. Khác với tôi, cô ấy không bao giờ lên giọng dạy bảo, không đòi hỏi này nọ, ngược lại luôn nhẹ nhàng dịu dàng, quan tâm ân cần. Giữa cô ấy và chồng tôi còn có chung một sở thích, đó là mong muốn một cuộc sống gia đình đầm ấm và chăm chút đến những góc sâu tình cảm của nhau.

Một tình địch như vậy, hỏi rằng tôi sao có thể thắng được.

Dịch giả: Ngọc Khanh
Nguồn: Truyện ngắn Trung Quốc