Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

14/5/13

Về bạt văn của dịch giả Mạc Bảo Thần

Hàn Giang

Dưới đây là vài suy nghĩ của tôi sau khi đọc tác phẩm Lam-sơn Thực-lục do cụ Mạc Bảo Thần dịch, NXB Tân Việt ấn hành năm 1944

Việc chú giải và viết lời bạt của dịch giả cho thấy cụ đã nghiên cứu rất kỹ các văn bản trong sách này và các văn bản liên quan. Tóm lược, cụ Mạc Bảo Thần có ba nhận định:
1. Các đoạn in khác kiểu trong Lam-sơn Thực-lục là do người đời sau thêm vào.
2. Tác phẩm Lam-sơn Thực-lục và Văn bia Vĩnh-lăng là do Nguyễn Trãi soạn.
3. Vì đức khiêm tốn mà cụ Nguyễn Trãi không tự nhận mình là bậc “khai quốc nguyên huân”.

Về nhận định số 1, do người đọc không biết chữ Hán nên không dám có ý kiến gì. Đối với các nhận định sau, thiết tưởng có nhiều vấn đề cần bàn thêm. Để vấn đề đỡ loãng và để tránh việc tham chiếu quá rộng, đồng thời tôn trọng ý kiến của cụ Mạc Bảo Thần, người đọc chỉ khoanh vùng tài liệu tham chiếu trong nội dung cuốn sách này, gồm:
-       Tựa của Lam-sơn Thực-lục
-       Lam-sơn Thực-lục
-       Bình Ngô đại-cáo
-       Văn bia Vĩnh-lăng
-       Bạt – của cụ Bảo Thần

Về nhận định số 2, cụ Bảo Thần dùng hai động từ “soạn” và “viết” để khẳng định Nguyễn Trãi là tác giả của Lam-sơn Thực-lục (bao gồm Bình Ngô đại-cáo) và Văn bia Vĩnh-lăng. Ý tưởng này thiết nghĩ không có gì đáng bàn nếu chữ “soạn – ”không đa nghĩa.

Thiều-chửu Từ điển cho biết:

” – Soạn là làm văn, làm sách, ghi chép các việc gọi là soạn. Như soạn thuật 撰述 thuật việc theo trước làm thành bài, thành sách, soạn trước 撰著 tự lấy ý mình làm thành văn, thành sách, v.v.

Như vậy, “soạn” vừa có nghĩa sáng tác, vừa có nghĩa chép lại sự việc. Nếu là sáng tác thì soạn giả là chủ nhân của cả câu chữ lẫn nội dung tư tưởng, nếu có, của tác phẩm. Nếu là chép lại sự việc thì soạn giả chỉ đơn thuần là người chấp bút, là chủ nhân của câu chữ và chỉ câu chữ mà thôi. Soạn, trong trường hợp thứ 2 cũng như H. C. Andersen kể lại chuyện cổ tích hay như J. Favreau soạn diễn văn cho ông B. Obama. Dĩ nhiên câu chữ hay cũng đáng là văn tài hiếm có.

Căn cứ nội dung của Lam-sơn Thực-lục và lời của Lê Thái-tổ: “Nên Trẫm nghĩ làm ra bộ sách này, thực là rất trông-mong cho con-cháu đời sau!” và Văn bia Vĩnh-lăng: “Vinh-lộc Đại-phu Nhập-nội Hành khiển, chủ việc ba quân, tôi là Nguyễn Trãi phụng Sắc, soạn”;

Căn cứ sự giống nhau trong đoạn đầu của Văn-bia và Lam-sơn Thực-lục như cụ Bảo Thần đã chỉ ra; người đọc có thể kết luận: Cả hai tác phẩm đều do Nguyễn Trãi phụng Sắc mà soạn nên. Lam-sơn Thực-lục là do phụng Sắc của Lê Thái-tổ, Văn bia Vĩnh-lăng là do phụng Sắc của Lê Thái-tông.

Vậy, “soạn” ở đây nên được hiểu là “ghi chép các việc”, nghĩa là nội dung tư tưởng, nếu có trong tác phẩm, đều không phải của Nguyễn Trãi.

Nên chăng từ nay, khi xuất bản các tác phẩm này cần ghi rõ “Nguyễn Trãi soạn thuật theo ý chỉ của Lê Thái-tổ/Lê Thái-tông” thay vì chỉ ghi đơn giản là “Nguyễn Trãi” để tránh sự hiểu nhầm?

Về nhận định số 3, cụ Bảo Thần khẳng định “Còn chỗ nói đến các văn-thần có công giúp Nhà-vua mở nước, thì chỉ kể có Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng. Ấy là ông Trãi tự mình khiêm-tốn không dám tự-nhận là hạng khai-quốc nguyên-huân”. Thiết nghĩ, kết luận này cần được xem lại ở hai điểm: Một là Nguyễn Trãi có phải là “khai quốc công thần” không? – Việc này cần tra cứu nhiều tài liệu nên không xem xét trong khuôn khổ bài viết này. Hai là Nguyễn Trãi có nêu công lao của mình trong các văn bản nêu trên không?

Nếu Nguyễn Trãi có công lớn trong việc giúp Lê Thái-tổ mở nước thì công ấy ắt lớn hơn hẳn công lao “soạn” Bình Ngô đại-cáo và “giấy tờ đi lại ở trong quân”. Việc soạn Bình Ngô đại-cáo dù nhỏ hay lớn đối với Nguyễn Trãi thì cũng ắt phải kể vì đấy là việc lớn của Vua, là điểm mốc quan trọng trong lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, tại sao Nguyễn Trãi không kể công lao gì lớn mà lại chỉ viết về mình đúng một câu: “Nhà-vua từ khi khởi nghĩa, đến lúc bình được giặc, lấy lại được nước, bao nhiêu giấy tờ đi lại ở trong quân, đều sai văn thần Nguyễn Trãi làm ra”. Chuyện này lại không bị bắt buộc phải kể như chuyện soạn Bình Ngô đại-cáo.

Vả chăng, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, việc soạn thảo những văn bản này không phải là việc riêng giữa Nhà vua và Nguyễn Trãi. Cứ như lời tựa của lần chỉnh lý vào năm Vĩnh-trị thứ nhất (1676) dưới triều Lê Hy-tông, thì chỉ riêng việc “tìm-tòi, chắp-vá, sắp lại thành sách” đã cần đến 8 người. Huống chi, việc làm sách như lời Lê Thái-tổ nói “cốt là để trọng nghĩa đầu gốc. Và cũng để kể rõ sự-nghiệp gian-nan của Trẫm, truyền-bảo lại cho con-cháu vậy.” Với mục đích đó, e rằng, ít nhất khi soạn xong, sách phải được trao cho đình thần xem xét luận bàn trước khi Nhà vua phê chuẩn. Vậy, nhẽ nào toàn bộ đình thần (và cả Nhà vua) đều thấy việc không ghi công lao của Nguyễn Trãi (nếu thực sự có công lớn) là điều hợp lý?? Thật đáng suy nghĩ và tìm hiểu!

Lời nhắn: Bạn đọc nào có hứng thú với bản epub, mobi của quyển sách này thì để lại địa chỉ thư điện tử ở mục bình luận (comment), mình sẽ gửi tặng.

11/5/13

Nhớ quê

Hàn Giang

Đêm qua trời đổ mưa rào,
Một trăm dĩ vãng cuộn vào giấc mơ.
"Cái cò đi đón cơn mưa"
Bờ mương,
                 Rặng dứa,
                                 Quê xưa,
                                               Cánh cò.

6/5/13

Nguyễn Trãi bị giam ở đâu

Hàn Giang

Đọc lại bài Thủ vĩ ngâm của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, mình rất thắc mắc về chữ "Nam" trong câu đầu và câu cuối được viết hoa. Nguyên bài này Nguyễn tiên sinh viết bằng chữ Nôm, hậu thế chuyển thành chữ quốc ngữ.

/ Thủ vĩ ngâm

/ Góc thành Nam lều một gian
/ No nước uống thiếu cơm ăn
/ Con đòi trốn dường ai quyến
/ Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn
/ Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
/ Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn
/ Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải
/ Góc thành Nam lều một gian

Giả sử việc viết hoa chữ "Nam" là đúng thì nảy sinh chút nghi hoặc. Hầu hết sách vở bằng chữ quốc ngữ sau này đều cho rằng Nguyễn tiên sinh viết bài này khi bị giặc Minh giam ở thành Đông Quan (tên của thành Thăng Long lúc bấy giờ), cụ thể là bị giam lỏng ở góc phía nam thành.

Nếu "nam" là chỉ phương vị, thì sao lại viết hoa?? Theo ngữ pháp tiếng Việt, danh từ chỉ phương vị trong trường hợp này đương nhiên viết thường. Vậy, kết luận 1: nếu viết hoa thì “Nam” ắt hẳn là chữ chỉ địa danh.

Bên cạnh đó, toàn bộ bài thơ được kết cấu theo ngữ pháp tiếng Việt. Tính từ, bổ ngữ đều đứng sau danh từ. Ví dụ: “No nước uống” hoặc “Bà ngựa gầy” (Bà = Con, tiếng Việt cổ). Tại sao riêng câu đầu, câu cuối lại viết theo ngữ pháp tiếng Hán “Góc thành Nam”. Nếu ở góc nam của ngôi thành thì phải là “Góc nam thành” mới đúng. Nếu cụm từ này đã được viết đúng ngữ pháp tiếng Việt và chữ "Nam" viết hoa như kết luận 1 trên đây thì kết cấu của cụm này phải là “Góc / thành Nam”; trong đó “thành Nam” là cụm từ định danh một ngôi thành nào đó có tên đầy đủ hoặc tên tắt là “Nam”. Tạm gọi đây là kết luận 2.

Trong thời gian giặc Minh đô hộ, nước ta có hai ngôi thành lớn là Thăng Long tức Đông Đô hoặc Đông Quan và Tây Đô hay Tây Kinh. Cả hai ngôi thành này không có yếu tố “nam” trong tên. Xét trong suốt lịch sử Việt Nam, Thăng Long cũng chưa bao giờ mang tên có chứa yếu tố phương vị “Nam” trong tên.

Tên của Thăng Long qua các thời kỳ:
- Đại La: dưới thời Phùng Hưng, họ Khúc, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn
- Thăng Long (昇龍): Triều Lý, Triều Trần, Hậu Lê
- Đông Đô: Trần Thiếu Đế
- Đông Quan: Thời kỳ thuộc Minh
- Đông Kinh: Lê Thái Tổ
- Thăng Long (昇隆): Gia Long
- Hà Nội: Từ Minh Mạng trở về sau

Căn cứ kết luận 2 và sự thật về tên của Thăng Long trong thời kỳ này, phải chăng, Nguyễn Trãi KHÔNG bị giam ở Đông Quan?! Thậm chí, ông KHÔNG bị giam ở Đại Việt?!

Lưu ý: Nguyễn Trãi bị giam ở đâu rất quan trọng vì điều này liên quan đến việc ông tham gia Nghĩa quân Lam Sơn vào lúc nào và đóng góp đến đâu.

4/5/13

Cooze và hơn thế nữa



Tim O'Brien đã rất thật và rất đời khi ông kể những câu chuyện nhỏ về Hành trang người lính trong tập Những thứ họ mang. Với 19 năm tuổi quân và có cha là một người lính, tôi đã rất xúc động khi đọc "Những thứ họ mang", "Xoáy" hay "Trên dòng sông mưa". Tôi khâm phục lòng dũng cảm của O'Brien khi ông đối diện với chính mình để viết nên dòng tâm sự: "... sau đó sang Việt Nam, nơi tôi làm lính. Tôi sống sót, nhưng đó không phải là một kết thúc có hậu. Tôi đã là một thằng hèn. Tôi đã đi đến cuộc chiến tranh."

Tôi cũng muốn cảm ơn Nhã Nam, NXB Văn học và dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã giới thiệu cho công chúng một tác phẩm hay, giúp cho độc giả hiểu thêm về một góc tâm hồn đẹp của người lính – dù họ từng ở bên kia chiến tuyến.

Nhưng, tôi ước mình không phải nói chữ “nhưng” này vậy mà vẫn phải nói, bản tiếng Việt do dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thực hiện, NXB Văn học ấn hành chưa mang đến cho độc giả cảm giác tác phẩm và độc giả được tôn trọng vì vấp phải khá nhiều lỗi dịch thuật, lỗi hành văn v.v

Để làm rõ vấn đề, tôi đã tham chiếu Từ điển American Slang của Tiến sỹ Robert L. Chapman, NXB Harper & Row; Từ điển Webster’s New World College của NXB MacMillan và ý kiến của một người bạn – tôi xin được giấu tên. Bạn tôi nguyên cũng là một người lính hải quân ở một quốc gia nói tiếng Anh.

1. Sai sót khi chuyển nghĩa từ lóng.

O’Brien đã dùng rất nhiều từ lóng trong tác phẩm của ông và điều này đã gây không ít khó khăn cho dịch giả. Theo quan điểm của một người yêu ngôn ngữ, tôi cho rằng, vấn đề của từ lóng không chỉ ở chỗ dịch sát nghĩa mà còn phải tìm được từ lóng có tình huống sử dụng tương đương. Dịch giả Cao Đăng đã chưa làm được điều này. Ví dụ:

- Từ “roger-dodger” trong câu “Roger-dodger, almost cut me a new asshole, almost” được dịch là “Đụ bà nó, …”. “Roger-dodger” có hai biến thể là “Roge” hoặc “Roger” được lực lượng vũ trang sáng tạo ra trong Thế chiến II, mang nghĩa “OK” hoặc “Rõ”. Từ này được khẳng định là biến thể của chữ “R” trong chữ “received = tuân lệnh” và Không quân Hoàng gia Anh là những người sử dụng đầu tiên. 
Xét ngữ nghĩa và từ nguyên, “roger-dodger” chẳng có vẻ gì tục tĩu cả, vì vậy, chuyển nó thành “đụ bà nó” là không ổn. 

- Từ “poor fucker” trong câu “Some poor fucker ran out of mamo.” được dịch là “Thằng c** chó chết (nào đó)…”. “Fucker” là từ lóng dùng để chỉ một gã khó ưa hoặc ngược lại, một người kiệt xuất. Nên chăng cụm từ này được chuyển thành “Thằng khốn (nào đó) ...”.

- Từ “leg” trong câu “They were called legs or grunts” được để nguyên và chú là “cẳng”. Ở đây thật ra chẳng có cái “cẳng” nào cả. “Leg”, và cả “grunt” là những từ lóng của cộng đồng lính tráng Mỹ tại chiến tranh Việt Nam dùng để chỉ “lính bộ binh”. Vì là từ lóng, nên chăng chúng ta dùng "lính trơn" hay "lính lác" để chuyển ngữ.

- Từ “hump” trong câu “To carry something was to hump” được để nguyên và chú là “khuân”; trong câu “If you weren’t humping ..” lại được dịch là “lết”. Trên thực tế, “hump” là từ lóng có nghĩa “mang vác cái gì đó trên lưng”. Từ này phái sinh từ nghĩa của chữ “hump” là cái bướu trên lưng lạc đà. Vậy lẽ ra “hump” nên được dịch là “thồ” thì ổn hơn chăng.

- Từ  “gook”. Từ này được dịch là “thằng mặt bủng” hoặc “vàng”.
Về ngữ nghĩa và từ nguyên: Hai từ điển nêu trên cho biết “gook” là từ mang nghĩa khinh miệt ban đầu để chỉ nghĩa quân Philippine (từ năm 1899), rồi sau đó theo thời gian được dùng để chỉ người Nicaragua, dân ở các đảo trên Thái Bình Dương (trong Thế chiến II), người Triều Tiên (những năm 1950), người Việt Nam và người châu Á (những năm 1960)
Căn cứ ngữ nghĩa, cách dùng như trên và thói quen chuyển ngữ chữ “black” – dùng để chỉ người da đen trong văn hóa Mỹ - là “mọi đen”, tôi thiết nghĩ “gook” nên được dịch là “mọi vàng” để đảm bảo nội hàm của từ.

2. Sai sót khi chuyển nghĩa từ ngữ chuyên ngành: Điểm này dịch giả mắc khá nhiều lỗi. Tôi xin điểm ra vài mục như:

“Recon” được dịch là đặc công. Trên thực tế “recon” = “reconnaisance” = the act of reconnaitring (especially to gain information about enemy or potential enemy) tức là “trinh sát”.

“.45 caliber pistol” hay “.38 caliber Smith & Wesson” được dịch là “súng lục 45 ly” và “súng lục Smith & Wesson 38 ly”. Đây là sự bất cẩn tột cùng của dịch giả. Ai trên đời này có thể sử dụng một khẩu súng ngắn khoảng 20 cm mà lại có nòng và đạn to bằng cổ tay? Đúng ra “.45 caliber” là “cỡ nòng 4,5 ly”. Hai khẩu này chính là Colt 45 và Colt 38 khá phổ biến thời kháng chiến chống Mỹ.

“Booby-trapped 105 round” được dịch là “quả mìn 105 ly”. Theo kiến thức của một người lính, tôi cho rằng mìn chưa bao giờ được định danh bằng kích cỡ mà là bằng tính chất. Ví dụ: Mìn chống tăng, mìn cóc, mìn lá, mìn định hướng .v.v. Ngoài ra, cái “booby-trapped 105 round” là mìn tự tạo bằng vỏ đạn pháo 105. Đây là loại vũ khí du kích miền Nam rất hay sử dụng cùng với bẫy chông. Vậy, nên dịch đơn giản là “mìn tự tạo”.

Liên quan đến mìn, dịch giả định danh cho “Top Popper và Bouncing Better" là “bom nhảy” và giải thích rằng “khi bị giẫm lên, nó sẽ nhảy lên cao khoảng 0,9 m rồi mới nổ”. Giải thích thì đúng nhưng vì giải thích đúng nên dùng chữ “bom” là hoàn toàn sai vì loại vũ khí này chính là mìn. Ở một số vùng, thứ này được gọi là mìn cóc.
… v.v

3. Về cụm từ “dumb cooze

- Về ngữ nghĩa: Từ điển American Slang cho biết: “cooze” có thể viết là cooz, cou, couz, couzie, couzy, cuzzy. Có 3 nghĩa (1) một người đàn bà (2) cơ quan sinh dục nữ, âm hộ (3) một người, đặc biệt là phụ nữ, bị coi như một đồ chơi tình dục. (Không thấy nêu nguồn gốc từ nguyên).
Dịch giả đã dùng nghĩa thứ 3 – nghĩa thứ yếu – để dịch.
- Về cách dùng: Bạn tôi cho biết: Trong bối cảnh này 'dumb cooze' về bản nghĩa người phụ nữ ngu ngốc'. Cooze một thuật ngữ xúc phạm đối với một người phụ nữ, như ‘bitch – chó’ hay ‘sluntđĩ’ hay ‘cunt - l**’. 
Như vậy, tác giả thể viết: ‘The stupid cunt never writes back - Con l** ngu ngốc chẳng bao giờ trả lời’. ‘Cunt’ nhìn chung mang tính xúc phạm hơncooze’, nhưng cả hai đều ý nghĩa tính dục. Chúng được dùng để chỉ phụ nữ với nghĩa công cụ tình dục thuần túy.”

- Theo tôi, khi dịch, ngoài ngữ nghĩa, cách dùng của từ còn phải xem xét bối cảnh và mối quan hệ giữa người phát ngôn và người bị ám chỉ. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa người nói và cô gái – em của một người bạn hoàn toàn không quá căng thẳng. Chính vì vậy, tác giả hay chính nhân vật đã dùng chữ “cooze” mà không dùng chữ “cunt” vốn mang tính xúc phạm hơn nhiều.
Căn cứ những điều trên, tôi cho rằng dịch giả đã thô tục hóa quá mức khi quyết định dùng cụm từ “Con mặt l** ngu” và còn bổ sung thêm chữ “đéo” vốn không có trong nguyên tác.

Ngoài ra, cùng cụm từ này, dịch giả đã bất cẩn khi tiếp tục dùng “Con mặt l** ngu xuẩn” cho câu: “I’ll picture Rat Kiley’s face, his grief, and I’ll think, You dumb cooze”. Bất cẩn vì ở lần này “You dumb cooze” dùng để chỉ Kiley – một người đàn ông.

4. Điều phiền phức nhất của bản dịch, theo tôi, không phải là việc dịch sai vì người đọc không phải ai cũng giỏi tiếng Anh và được tiếp cận nguyên tác. Hành văn tiếng Việt mới vấn đề lớn. Nói chuyện đúng sai về vấn đề này rất khó nhưng theo ý chủ quan của tôi thì có khá nhiều điểm không ổn trong bản tiếng Việt. Tôi xin lẩy ra như sau:

“Stainless steel balls” được chuyển ngữ là “gan bằng thép không gỉ”. Bỏ qua chuyện dịch thuật, trong tiếng Việt, tôi chưa bao giờ thấy phép so sánh này. Thường chỉ thấy “to gan”, “gan tày trời”. (Tôi xin gợi ý chuyển ngữ thành “già cả dái lẫn hột”, lấy từ ý tục ngữ “già dái non hột”).

“Một anh chàng mười phân vẹn mười,”: Thiển nghĩ “mười phân vẹn mười” thường dùng để tả phụ nữ.

“Kiểu như đi đặc công hay mấy chuyến tuần đêm thực sự chó chết ấy”: Tôi nguyên là lính, tôi chưa từng biết “đi đặc công” là đi kiểu gì/đi làm gì(???). Thực ra đây là “đi trinh sát hay mấy chuyến tuần đêm …”

“Hắn đi câu cá bằng một rổ lựu đạn = he went fishing with a whole damn crate of hand grenades”: Tôi khá ngạc nhiên về khả năng “CÂU CÁ” bằng lựu đạn. Theo tôi phải là “ĐÁNH CÁ” mới đúng.
“Quằm” được dịch giả dùng thay cho chữ “nookie = đ** nhau = làm tình” và cả chữ “grease = giết chết bằng súng”. Vì cả “nookie” và “grease” đều là tiếng lóng nên nếu dùng chung thì có lẽ dùng chữ “thịt” hoặc “mần thịt” thì lý thú hơn chăng.

“Thuốc nổ C4 bằng chất dẻo mua ở chợ đen”: Thứ nhất, thuật ngữ quân sự cho loại này đơn giản là “C4” hoặc “thuốc nổ dẻo C4”. Thứ hai, tôi vô cùng ngạc nhiên vì quân đội chính quy của Mỹ phải mua thuốc nổ từ chợ đen. 

Mô tả Martha, một cô gái xinh, đứng ở tư thế chơi bóng chuyền, dịch giả dùng “đầu gối trái cong lại”. “Cong” làm ta hình dung chân vòng kiềng, còn đối với đầu gối thì phải “co” hoặc “gập” hoặc “khuỵu”. Trường hợp này, có lẽ “chân trái hơi khuỵu xuống” thì hợp lý hơn.

Ngoài ra, còn rất nhiều lỗi thuật ngữ và hành văn như: “M-16 tự nạp đạn bằng khí nén”; “Họ cười khi khí”; “Có một cơn mưa rơi đều hạt, khiến không dễ mà đốt được”; “các sự kiện mùa hè năm ấy không xảy ra ở chiều kích khác” v.v và v.v

Với tất cả tấm lòng của một người yêu sách, tôi hy vọng rằng các dịch giả và NXB sẽ tiếp cận tác phẩm và thực hiện công việc của mình cẩn trọng hơn. Đó cũng là con đường ngắn nhất để thương hiệu đi vào trái tim của độc giả.

Phạm Bằng Tiến

Xem thêm các bài liên quan