Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

31/5/14

Trư Bát Giới chạy chức



Sau khi đi Tây Thiên lấy kinh về, được cất nhắc giữ chức Trưởng phòng Hậu cần, Bát Giới vô cùng đắc ý, chỉ riêng tiệc ăn mừng cũng đã mất mười mấy mâm. Trong bữa tiệc, ông chủ Hồ li sau khi nâng cốc chúc mừng, hỏi Bát Giới: Cái chức Trưởng phòng của bác xếp vào cán bộ nhóm mấy? Bát Giới ấp úng, chống chế: Nhóm mấy thì chưa được trên duyệt. Ông chủ Hồ li ghé tai nói thầm: Thế thì mau chạy đi, không quà cáp thì dậm chân tại chỗ thôi.

Nghe vậy Bát Giới choàng tỉnh. Đúng là mấy ngày hôm nay cứ mải vui, quên béng mất chuyện quan trọng thế này. Thứ bậc của cửa Phật rất nghiêm ngặt, chẳng biết từ đời nào đã quy định vậy rồi. Anh thuộc cán bộ nhóm nào thì được hưởng đãi ngộ theo nhóm đó, bất kể là gánh hàng dắt ngựa hay hàng yêu phục quái, nếu không có một thứ bậc nhất định thì coi như làm uổng công. Hơn nữa, Bát Giới mà không có cái thứ bậc ra hồn một chút thì cái bụng phệ này sao còn bệ vệ được.

Bát Giới liền đi tìm Mộc Tra. Vị này là thư ký của Quan Âm Bồ Tát, là chỗ anh em thân tình với Bát Giới. Bát Giới đem hết tâm sự nói với Mộc Tra và xin được tham mưu. Chuyện này có thể nói là đã quá đơn giản đối với Mộc Tra, bởi vì việc đề bạt trong cửa Phật đều qua tay ông ta, trình tự đánh giá cán bộ, tốt xấu đều do Mộc Tra phán hết, ai dám nói là mình không có tỳ vết? Bát Giới thấy rõ mặt này của ông ta, vì thế không tiếc đầu tư vào đó. Mộc Tra nói với Bát Giới: Việc này phải bảo cấp trên của anh là Đường Tăng viết một cái đơn gửi lên. Sau khi đơn đến tay tôi, quan trọng nhất là phải lo “bôi trơn” chỗ Quan Âm Bồ Tát, đồng thời cũng phải đấm bóp cho Hồng Hài Nhi và Hắc Hùng tinh một tý, để bọn họ phụ họa nhất trí trong hội nghị, chí ít thì cũng không có ý kiến phản đối. Riêng chỗ tôi đây thì cứ yên tâm đi.

Bát Giới nói: Xin anh quan tâm chiếu cố, mọi việc đều nghe theo anh, công việc xong nhất định sẽ hậu tạ.

Bát Giới đến gặp Đường Tăng nói, cái chức Trưởng phòng của con mà không xếp nhóm cán bộ thì khó triển khai công việc, vậy nên mong sư phụ viết cho cái công văn, xin cấp trên phê chuẩn. Đường Tăng hiểu suy nghĩ của Bát Giới, nhưng cũng không tiện nói thẳng ra. Bởi vì Đường Tăng cũng có tính toán riêng: Mình tuy là trưởng đoàn sang Tây Trúc lấy kinh, nhưng bây giờ vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong cửa nhà Phật – nhóm Trụ trì. Nếu Bát Giới được cất nhắc, mình vừa là sư phụ vừa là cấp trên của Bát Giới, ắt là nước lên thì thuyền cũng lên. Vì vậy cho nên vui vẻ nhận lời đề đạt giúp.

Trời vừa sẩm tối, Bát Giới liền xách túi quà to kèm theo một phong bì dày cộm đến nhà Quan Âm Bồ Tát. Quan Âm Bồ Tát đang ở nhà xem ti vi, thấy Bát Giới vào liền tươi cười mời ngồi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, Bát Giới liền đi thẳng vào vấn đề. Quan Âm Bồ Tát nghe xong, cười nói: Trưởng phòng mà không xếp nhóm cán bộ thì đúng là không được. Sư phụ của ngươi thuộc nhóm Trụ trì, vậy xếp ngươi vào nhóm phó Trụ trì đi. Đến lúc này Bát Giới mới hiểu ra nguyên do tại sao Đường Tăng vui vẻ viết báo cáo cho mình. Bát Giới vội đáp: Thầy của con hiện tại là sứ giả đi lấy kinh của Đại Đường, đúng ra phải xếp vào nhóm La hán từ lâu rồi. Vả lại, cấp phó của con là Quan Tiểu Âm cũng còn thuộc nhóm phó La hán nữa là…

Quan Tiểu Âm là cháu ngoại của Quan Âm Bồ Tát, mới 14 tuổi, đang học Trung học, giữ chức phó Phòng Hậu cần, nhận lương nhưng không phải đến cơ quan.

Quan Âm Bồ Tát sững người một lát, nghĩ bụng: Cái thằng ngốc tai dài này, hắn đã nắm đúng thóp của mình. Tuy nhiên, về lí mà nói thì đoàn đi lấy kinh đúng là trên cả nhóm phó La hán. Quan Âm Bồ Tát liếc nhìn túi quà nặng và phong bì dày cộm mà Bát Giới mang đến, bèn nói: Ngươi nói có lý đấy, phù hợp với nguyên tắc thống nhất chức quyền. Tuy nhiên, chỗ ta đây chỉ được phê chuẩn đến chức phó La hán, còn cao hơn nữa thì phải xin ý kiến Phật tổ Như Lai. Ngoài ra, bậc của Đường Tăng, Ngộ Không và Ngộ Tĩnh cũng phải đồng thời xem xét, sau khi ta nghiên cứu sẽ thông báo cho các ngươi. Nhưng cho dù kết quả như thế nào, các ngươi cũng đều phải nỗ lực làm việc, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp nhà Phật. Bát Giới nghe ngay ra ý ở ngoài lời, vội nói: Cám ơn Quan Âm Bồ Tát, lần sau con và sư phụ sẽ cùng đến báo cáo tình hình công việc.

Buổi tối, Mộc Tra hẹn với Hồng Hài Nhi và Hắc Hùng tinh, cùng đi với Bát Giới đến Túy Tiên lầu làm một bữa no say, sau đó lại đến sàn nhảy động Bàn Tơ quậy suốt đêm. Lúc chia tay, Bát Giới còn dúi cho ba vị khách quý ba túi quà to.

Vài hôm sau, Mộc Tra gửi quyết định xếp nhóm cán bộ đến. Trong quyết định ghi rõ: Đường Tăng và Bát Giới xếp nhóm phó La hán; Tôn Hành giả và Sa Tăng vào nhóm phó Trụ trì.

Đường Tăng mừng ra mặt vì mình chẳng mất đồng nào mà cũng được xếp vào nhóm cao hơn. Sa Tăng cũng vui vì nhóm phó Trụ trì tuy không cao, nhưng dù sao cũng thuộc hàng lãnh đạo rồi, đồng thời cũng rất biết ơn Bát Giới, làm quan mà không quên cất nhắc chiến hữu năm xưa. Nhìn thấy bộ dạng sung sướng của bọn họ, Tôn Ngộ Không đầy bực tức, nghĩ bụng: Gặp yêu tinh thì bắt ta đương đầu, có món gì hời thì gạt ta sang một bên. Sư phụ thì còn chấp nhận được, nhưng Trư Bát Giới thì hỏi có tài cán gì mà tại sao lại được xếp vào nhóm cao hơn ta? Vậy nên Ngộ Không nói thẳng thừng với Mộc Tra: Phó Trụ trì thì khác gì cái chức Bật mã ôn, ta đây không thèm.

Đường Tăng thấy vậy, ôn tồn khuyên bảo: Ngộ Không! Thế gian tất cả đều là hư vô. Chúng ta là người xuất gia, phải cống hiến không đòi hỏi, không được so đo, tính toán. A di đà Phật!

Tác giả: Nhiệm Phi Hổ
Dịch giả: Ngọc Khanh
Nguồn: Tiểu thuyết mini – Trung Quốc; Số 3-2001

30/5/14

Cái nhọt


Mông của thư ký Trương mọc một cái nhọt to, ghế đệm có êm ái đến mấy cũng không dám ngồi, vì vừa đặt mông xuống là đau điếng người. Ngoài lúc ngủ, thư ký Trương cứ phải đứng suốt cả ngày.

Đúng thời gian đó, giám đốc mới đến nhậm chức, gọi đích danh thư ký Trương đến văn phòng giám đốc báo cáo tình hình công việc. Thư ký Trương vừa bước vào phòng, giám đốc chỉ chiếc ghế sôpha cạnh tường nói: “Mời ngồi!”. Thư ký Trương chỉ đáp: “Cám ơn anh.” và đứng trước mặt giám đốc báo cáo một mạch cho đến hết nội dung.

Cái nhọt trên mông thư ký Trương chữa mãi không khỏi. Sau này càng phải thường xuyên đến phòng giám đốc báo cáo công việc, nhưng mặc cho giám đốc mời thế nào, thư ký Trương cũng chỉ đứng nói mà không chịu ngồi. Giám đốc không biết chuyện cái nhọt, lại cứ nghĩ rằng cậu Trương tôn trọng mình, thế nên cũng có cảm tình với cậu thư ký này.

Một hôm, giám đốc gọi thư ký lên viết một bản báo cáo. Giám đốc thân chinh bê ghế đến, bảo: “Ngồi xuống mà viết.”. Nhưng cũng như mọi khi, thư ký Trương chỉ đáp: “Cám ơn anh.”, rồi cúi gập người xuống bàn, cắm cúi viết đến khi xong. Giám đốc hết sức cảm động, hỏi thư ký Trương có mệt không. Thư ký Trương cười đáp: “Không ạ.”

Thư ký Trương không những “tôn trọng” giám đốc, mà cũng rất có năng lực, không lâu sau được đề bạt làm trưởng phòng. Từ đó mọi người gọi trưởng phòng Trương.

Lên trưởng phòng được không lâu, cái nhọt trên mông bỗng nhiên khỏi. Mặc dù ghế cứng đến đâu, trưởng phòng Trương cũng thấy là ngồi, hàng tiếng đồng hồ không cần đứng dậy. Một hôm trưởng phòng Trương được gọi lên phòng giám đốc bàn công việc. Giám đốc quen như thường lệ không mời trưởng phòng Trương ngồi nữa. Nào ngờ không cần mời, trưởng phòng Trương cũng dằn ngay mông xuống sôpha, lại còn ghếch chân lên như nòng pháo chĩa vào giám đốc. Giám đốc tỏ vẻ không vui, nhắc nhở: “Cậu Trương, làm lãnh đạo rồi phải khiêm tốn một chút.”. Trưởng phòng Trương vội đáp: “Vâng vâng, đúng thế ạ.”, nhưng chân thì không thấy bỏ xuống.

Từ đó về sau, mỗi lần vào phòng giám đốc, trưởng phòng Trương cũng ngồi phệt xuống sôpha mà chẳng đợi mời và hai chân lại bắt chéo, ghếch lên.

Tháng sau, trưởng phòng Trương bị miễn chức, lại quay về làm thư ký. Mọi người lại đổi cách xưng hô thành thư ký Trương.

Thư ký Trương cảm thấy rất khó chịu, nhưng dù thế nào cũng không biết được rằng, việc “thăng quan giáng chức” của mình lại có liên quan đến cái nhọt ở mông.

Tác giả: Dương Hán Quang
Dịch giả: Ngọc Khanh

Nguồn: Tiểu thuyết mini – Trung Quốc; Số 1-2001

28/5/14

Tức khí vịnh


Cuộc đối đáp được đánh giá rất thú vị này diễn ra trên facebook ngày 24 tháng 5 năm 2014. Phiên bản này đã được biên tập lại dấu câu ở các điểm chơi chữ và được Chuyện phố chuyển sang đây như một hình thức lưu trữ.




Khamili:
Hàng xóm nhăm nhe cưỡng hiếp em,
Thằng người yêu cũ cố tình quên.
Anh mới ga lăng đang ve vãn,
Biết chọn ai đây phận nữ hèn.

Jeff:
Thời buổi kim tiền yêu thế thôi.
Tình nghĩa tào khang thua gói xôi.
Gái khôn nên biết lừa quân tử,
Nệ tình ắt vướng phận bèo trôi.

Khamili:
Em chẳng tin ai nữa lúc này.
Lời hứa viển vông để gió bay.
Tấm thân ngà ngọc em tự giữ,
Cóc cần khóc mướn với thương vay.

Jeff:
Ấy ấy nàng ơi chớ có buông.
Đằng kia có kẻ chẳng hứa suông.
Lễ vật sắm sanh tầm mươi món,
Phong lưu há chẳng đáng chung xuồng.

Khamili:
Nước xa sao cứu được lửa gần
Em phải liệu lo giữ lấy thân
Cho dù người ấy ra tay giúp
Chắc gì đã phải kẻ chính nhân?

Jeff:
Tình khép, mần răng biết đá vàng,
Giữ lề, nỏ chắc vẹn tào khang.
Sóng to thuyền bé sang ngang,
Gần kia bến mới, DƯƠNG QUANG rạng ngời.

Khamili:
Chẳng lẽ bắt em phải phụ tình
Chỉ vì người cũ cứ mần thinh
Danh gia vọng tộc còn đâu nữa
Trời có thấu chăng nỗi bất bình.

Jeff:
Gái khôn lòe giỏi kiếm chút tanh.
Gái đần kéo giữ đống hư danh.
Tình - Phụ đảo điên như rồng lộn,
Mồm kẻ hề nho bịp ái khanh.

Hết.


23/5/14

‘Under the Skin’ hấp dẫn không chỉ vì cảnh khỏa thân


Bộ phim đầu tiên mà Scarlett Johansson khỏa thân hoàn toàn là một tác phẩm độc đáo nói về giá trị của sự sống, được kể qua phong cách rất “dị” của đạo diễn Jonathan Glazer.

Mở đầu phim bằng hình ảnh đốm sáng xanh lớn dần như một liệu pháp tâm lý gây ảo giác, Under the Skin dần đưa người xem tới một thế giới u ám đến kỳ lạ thông qua phong cách làm phim dị biệt của đạo diễn người Anh - Jonathan Glazer (phim Sexy Beast, Birth). Tốn tới gần một thập kỷ để hoàn thiện, bộ phim thuộc thể loại rùng rợn này đặt ra những câu hỏi cho khán giả về giá trị của sự sống bằng hệ thống biểu tượng dày đặc, phủ kín các cảnh phim quay đẹp khó tả. Nhưng với cách tiếp cận câu chuyện quá khác so với các phim điện ảnh phổ thông, Under the Skin trở nên khó để thẩm thấu hơn cho nhiều khán giả thiếu kiên nhẫn.

Poster ấn tượng của Under the Skin
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Michael Faber, nội dung của Under the Skin không hề quá khó hiểu khi theo sát hành trình khám phá sự sống của một người ngoài hành tinh (Scarlett Johansson đóng). Ban đầu, cô phải sử dụng vẻ ngoài nóng bỏng của mình để lừa những người khách đi đường lên xe, rồi chở họ tới một địa điểm để “làm thịt”. Nhưng sau sự cố với một người kỳ dị, cô lên đường chạy trốn khắp Scotland, có những trải nghiệm đầy cảm xúc với một người đàn ông ở đây. Tuy vậy, bộ phim này khá phức tạp trong cách dẫn giải, khiến người xem khó nhận ra đường dây câu chuyện nếu không để ý kỹ, hoặc chỉ biết sau khi cảnh phim cuối cùng đã chấm dứt trên màn ảnh.

Đạo diễn Jonathan Glazer không đưa cho khán giả một chiếc kẹo mút để tận hưởng phim một cách dễ dàng, mà đưa ra một khối rubik để người xem tự giải nó. Khác với các phim thông thường sẽ sử dụng lời thoại để tiết lộ nội dung, Under the Skin lại có rất ít thoại (chủ yếu xuất hiện trong các cảnh nhân vật chính nói chuyện với nạn nhân trên xe), mà sử dụng hình ảnh, âm thanh để thúc đẩy câu chuyện. Không những thế, hình ảnh được sử dụng lại không mô tả trực tiếp nội dung cảnh đó mà chỉ gợi ý cho khán giả về nó để họ tự tưởng tượng ra sự việc. Đây là cách làm phim thông minh, bắt khán giả chú ý từng tình tiết và ráp nối theo tư duy của riêng họ.

Một ví dụ là cảnh một người lái moto tới nhà kẻ bỏ trốn với ý định thủ tiêu anh ta. Hắn xông ra đấm vào cửa kính ôtô và làm nó nát vụn ngay lần đầu tiên, rồi xông tới phía sau nhà, chỗ kẻ bỏ trốn khỏa thân với khuôn mặt dị dạng đang trèo vào nhà. Cảnh phim cắt ở đó, dù không mô tả trực tiếp hành vi bạo lực với nạn nhân, khán giả đủ hiểu kết cục gì sẽ tới với anh ta. Hay như cảnh một đứa bé 3 tuổi khóc váng trời khi bị bỏ rơi ở bãi biển đêm, nơi những cơn sóng dữ dội liên tục lao đến như muốn nuốt chửng cậu. Đạo diễn hiểu rằng nếu chỉ ra toàn bộ cảnh đó, khán giả sẽ chỉ nghĩ tới hình ảnh trên phim. Nhưng nếu để khán giả tự suy nghĩ, họ sẽ tự có một tưởng tượng riêng về hành vi bạo lực ấy khiến bộ phim trở nên đa chiều và có sức nặng hơn hẳn.

Bộ phim tràn ngập hình ảnh phiếm chỉ như vậy, bắt khán giả tự ráp nối, tự hình dung, tự suy luận, tự đọc phim. Công việc xem phim trở nên khó khăn hơn một chút nhưng người xem có được những giây phút choáng váng với cách trình diễn thị giác kỳ lạ tới sởn gai ốc của Glazer. Phần hình ảnh trong phim chính là điểm nhấn kỳ vĩ nhất của phim, cả về bề nổi lẫn bề chìm, dù được dàn dựng tương đối đơn giản. Sự ghê rợn của cõi hư vô, nơi Scarlett lừa dẫn nạn nhân tới, được tạo ra chỉ bằng cách để nạn nhân tự chìm dần vào trong màu đen tuyệt đối của nó mà không cưỡng lại được. Bộ phim tràn ngập hình ảnh đẹp nhưng dị, tạo cảm giác rùng rợn cần có trong không khí phim với sự giúp đỡ tuyệt vời của phần ánh sáng, âm nhạc và diễn xuất hợp lý.

Scarlett Johansson hoàn toàn nắm kiểm soát ở vị trí trung tâm, chấp nhận những yêu cầu khó của đạo diễn, bao gồm cả việc phải khoả thân 100% (lần đầu tiên trên màn ảnh). Với vẻ quyến rũ khó cưỡng đầy mê hoặc, cô vẫn làm người xem sởn gai ốc thông qua ánh mắt và biểu cảm vô hồn, ma mị, ít cảm xúc, rất hợp với phim. Phần âm nhạc không đơn thuần là tạo không khí phim mà được nâng tầm lên thành một nhân vật xuyên suốt phim.

Bộ phim có tiết tấu chậm rãi đến khó thở này được phần âm nhạc điện tử mang âm hưởng kịch kabuki Nhật Bản từ từ bóp nghẹt, tạo ra không khí âm u, rùng rợn và chỉ chực nổ tung để tạo ra sự choáng váng cho người xem. Cảnh tượng một người đàn ông nhún nhảy trên nền nhạc “tế thần” trước hố đen hư vô của Scarlett làm người xem sợ hãi hơn cả nhân vật trong phim vì chỉ cần phần âm thanh đó cất lên là khán giả có thể cảm nhận được ngay cơn run rẩy của mình.

Under the Skin đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất con người thông qua những hình ảnh đậm nét thú vị, bằng hàng loạt sự kiện liên quan tới sự sống và cái chết, những điều mà dường như đối lập hoàn toàn nhưng bằng cách nào đó lại thúc đẩy sự hài hòa cần thiết cho cuộc sống tiếp diễn. Cô chứng kiến những hành động yêu thương, vị tha nhưng cũng trải nghiệm cả bạo lực lẫn sự hủy diệt. Cuộc sống tưởng chừng vô nghĩa bởi những mảng đối lập ấy nhưng chính chúng lại tạo ra những sự thú vị riêng. Có cả vẻ đẹp lẫn nỗi buồn trong cuộc sống mong manh của con người nhưng chúng ta đều phải thức dậy mỗi sáng và tiếp tục sống. Do đó, theo nhiều cách khác nhau, bộ phim như một sự từ chối với chủ nghĩa hư vô dai dẳng.

Hành trình của Scarlett trong phim nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều điều đáng bàn hơn trong cuộc sống này ngoài việc tồn tại. Sự sinh tồn đương nhiên vẫn thiết yếu nhưng cách để đương đầu với sự ngắn ngủi của cuộc sống chính là thông qua những trải nghiệm yêu thương và thỏa thích tận hưởng mọi ham muốn. Under the Skin không chỉ đơn thuần là một bộ phim mà là một trải nghiệm điện ảnh vào từng ngõ ngách tâm hồn người xem để trả lời câu hỏi “Làm người là thế nào?”. Lúc xem phim, khán giả có thể thấy căng thẳng, sởn gai ốc, lạnh gáy, giật nảy mình, nhưng khi hạ màn, tất cả sẽ phải công nhận rằng Under the Skin là một bộ phim độc đáo, đẹp lạ, thâm thúy và rất khác với những gì thông thường xem tại rạp.

Theo VnExpress

Trailer của Under the Skin


22/5/14

Giấc mơ (Truyện ngắn, tiếp theo)


(tiếp theo và hết)
Diệu Thanh ngần ngại, rồi mở một file đầy chữ, đẩy máy sang phía bố. Cô co ro ngồi một góc, bịt tai, nhắm mắt chờ đợi. Người cha đọc một hồi, rồi im lặng, vẻ khó xử, tìm từ ngữ để diễn đạt chính xác suy nghĩ. Nào ngờ Diệu Thanh đã mở mắt tự bao giờ, rơm rớm nước mắt, mếu máo nói:
- Thôi, bồ không phải nói nữa. Con biết mình viết quá chán mà.
Cô gục xuống bàn, người cha vuốt tóc con gái, thở dài.

Một hôm, người cha đi làm về, tay cầm một hộp cac-tông nho nhỏ. Diệu Thanh ngồi ở bàn, đang gõ nhát gừng từng chữ, vẻ mặt chán nản. Người cha đóng máy tính, gạt sang bên, cười nói:
- Từ nay con đừng viết nữa.
Diệu Thanh ngạc nhiên nhìn cha, lắc lắc cái đầu xinh xinh.Người cha đẩy cái hộp nhỏ cho con gái, trỏ tay, cười bí hiểm. Cô mở tung hộp, cầm lên một chiếc máy ghi âm màu hồng.
- Ha, máy ghi âm hả! Cô thốt lên thích thú. - Là sao đây?
Người cha hài lòng trước phản ứng của con gái, nói:
- Bồ thấy đúng là con kể chuyện rất hay, vì thế mới mua tặng con cái máy này. Mỗi khi có ý tưởng và câu chuyện, con hãy nói với nó, như kể chuyện í, rồi sau đó viết lại.
- Tuyệt quá! Bồ ơi, sao bồ thông minh thế!
Nhìn con gái hớn hở, người cha cảm thấy lòng chùng xuống. Nó mới giống mẹ làm sao. Hễ còn một hơi thở, ông sẽ còn hy sinh mọi thứ để nó được hạnh phúc.
Mùa thu đến trên những chiếc lá vàng rơi, liệng vào khung cửa sổ. Diệu Thanh đeo tai nghe, lắng nghe lại chính những câu chuyện của mình từ máy ghi âm. Cô nhíu mày, giật phắt tai nghe, ném vào một góc. Giọng của cô nghe thật xa lạ, chuyện cô kể sao mà khô khốc, chẳng hề thu hút. Chiếc máy ghi âm màu hồng co rúm ở xó bàn. Cô vò đầu bứt tai:
- Có lẽ kể cho bồ nghe dễ hơn là đối diện với cái máy vô hồn này.
Cha Diệu Thanh trầm ngâm nói:
- Hay con đi thăm dì đi. Biết đâu không gian sôi động ở đó sẽ giúp con lấy được cảm hứng sáng tác. Con cũng sẽ có những giấc mơ đẹp.
Vậy là nhân kỳ nghỉ lễ, Diệu Thanh khăn gói đến nhà dì. Bố cô nói đúng thật, dì sống giữa thành phố du lịch, vừa sôi động vừa nên thơ. Không chỉ được đắm mình trong làn biển mặn chiều chiều, trải nghiệm cảm giác lặn giữa đại dương với vô vàn sinh vật kỳ thú, leo lên đỉnh núi cao đón bình minh... cô còn kết bạn với một nhóm sinh viên du lịch đến đây thực tập. Họ thỏa thích tận hưởng thiên đường. Ở đây chỉ có một mùa - mùa của mặt trời rạng rỡ, của tuổi xuân và say mê, không có đông lạnh già nua như ở thành phố cô và bố sinh sống. Dì yêu và thương cô lắm, nhất là sau khi mẹ mất. Có lần dì hỏi Diệu Thanh sao không thi vào trường đại học ở đây để được gần dì. Diệu Thanh cảm thấy rất hấp dẫn nhưng việc xa bố khiến cô không vui. Song phải thú thục khi nghĩ tới ngày về, rời xa nơi đây, cô nhìn làn da rám nắng của mình không khỏi nuối tiếc. Bố có vẻ nhớ cô, giọng ông qua điện thoại rất xa xăm, hơi run rẩy, có lẽ vì cái lạnh đầu đông chăng. Cô phải về thôi.
Diệu Thanh ùa vào nhà, mang theo sự nồng ấm, bộc trực của thành phố biển đầy nắng và gió. Người cha vứt bỏ bộ mặt buồn bã, già nua của mình ngay lập tức, ông bị lây sức trẻ từ cô gái.
Sau khi ôm cha, Diệu Thanh giật mình, đứng ra xa nhìn lại người đàn ông thân yêu mà lần đầu tiên trong đời cô xa lâu như vậy.
- Mới hai tuần mà bồ có vẻ gầy. Không nghe lời con, không ăn uống đầy đủ phải không?
Người cha xua đi:
- Tại nhớ con ấy mà. Hôm nay chúng ta phải liên hoan một bữa thật thịnh soạn mừng con về. Thật sốt ruột nghe chuyện của con quá.
Trong một nhà hàng giản dị, Diệu Thanh lại liến thoắng những câu chuyện mới, những trải nghiệm thú vị mà cô thu thập được trong kỳ nghỉ. Mặt cô sáng bừng, linh hoạt. Cha cô lặng nghe, đôi khi thể hiện vài động tác hưởng ứng, mắt ông long lanh, đong đầy hạnh phúc.
Sau hôm đó, Diệu Thanh lao vào ôn thi, cô tạm gác kế hoạch trở thành nhà văn lớn. Nhưng họ không quên nghi thức mỗi sáng, khi hai người quắn lên chuẩn bị đi làm, đi học đồng thời lắng nghe những giấc mơ của Diệu Thanh đêm qua và những câu chuyện mà cô thêu dệt thêm. Hai người bọn họ vượt qua mùa đông giá lạnh bằng những câu chuyện đáng yêu và ấm áp.
Nhưng mùa đông không bao giờ đi qua, nó ở lại trên những cây hồng tiểu muội xác xơ, trơ thân gày guộc, nó mãi mãi ở lại ngôi nhà, khi người cha ra đi một chiều. Dù căn bệnh tàn phá cơ thể cường tráng của người cha nhanh chóng, ông đã kịp chuẩn bị mọi thứ cho con gái. Diệu Thanh sợ những giấc mơ hàng đêm, sợ một mình đối mặt với nghi thức thiết tha cô từng làm với cha mỗi sáng. Cô dọn dẹp đồ đạc đến thành phố biển với người dì duy nhất.
Trong chiếc hộp đựng chiếc nhẫn cưới của cha mẹ mà Diệu Thanh chắc chắn mang theo giờ đây có cả chiếc máy ghi âm màu hồng. Cô ngạc nhiên tưởng nó đã thất lạc đâu mất. Nhét tai nghe, bật file có tên "Gửi nhà văn nổi tiếng", Diệu Thanh run run. Giọng cha cô vang lên gần hơn bao giờ hết: "Con gái yêu, con thực sự là nhà văn lớn của bố, những câu chuyện của con đã giúp bố sống nhiều, sống hạnh phúc hơn tất cả mọi nỗ lực của bác sỹ và các loại thuốc. Nhưng sẽ thật không công bằng nếu con không trở thành nhà văn nổi tiếng, để nhiều người có được niềm vui như bố đã từng. May thay, tuổi già cẩn thận đã giúp ta lặng thầm ghi âm lại những câu chuyện thú vị từ giấc mơ của con, tất cả ở trong này. Hãy viết ra nhé, hãy khiến thế giới đáng yêu và đáng sống hơn. Bố sẽ luôn nhớ giọng nói ngọt ngào của con".

Nước mắt lăn dài trên má khi Diệu Thanh nghe lại những câu chuyện cô kể cha nghe, xen kẽ là những lời nhận xét, trêu chọc của ông, như thể ông vẫn còn ở đây, bên cô. Diệu Thanh bật máy tính, bàn tay cô múa trên bàn phím, gõ những câu chuyện, viết lên giấc mơ.
Hết
Cẩm Giang

STAR WAR: Cơ hội làm diễn viên cho mọi người!


Vô tình đọc một bản tin của NASA về người ngoài hành tinh và bản tin về tập phim mới của Star War thì cũng nghi nghi hoặc hoặc về khả năng con người trên các vì sao một ngày nào đó (hay là đã đụng độ với nhau?)

Trong cuốn sách của NASA có tên "the Search for Extraterrestrial Intelligence", tác giả đã thảo luận về những cách chúng ta có thể tìm kiếm người ngoài hành tinh, trong đó có việc kiếm tìm dấu hiệu sự sống trên các hành tinh khác hoặc những thông điệp. Cuốn sách cũng đề cập chi tiết một vài thách thức trong những tiếp cận đầu tiên với người hành tinh khác nhưng đặc biệt, tác giả cho rằng, sẽ có một điều gì đó xảy ra vào một ngày gần đây. (Chiến tranh giữa các vì sao chăng?)


Một cuốn sách mới của NASA có tựa đề Archaeology, Anthropology and Interstellar Communication (Khảo cổ học, nhân chủng học và truyền thông liên hành tinh) mô tả chi tiết về các phương pháp mà chúng ta có thể giao tiếp với người ngoài hành tinh. Mặc dù minh họa trên có chút huyền ảo, các tác giả cho rằng người ngoài hành tinh có thể đã từng đến thăm Trái Đất.

Đại loại, với việc mỗi ngày lại tìm ra một hành tinh tương tự Trái đất, các nhà khoa học tin rằng có một tỉ hành tinh giống trái đất đang sống cô độc trong thiên hà. Bằng cách nào đó, chúng phải liên hệ với nhau. Nhiều bằng chứng cho thấy, người ngoài hành tinh đã từng đến đây, với chúng ta, ví như qua những tác phẩm nghệ thuật bằng đá từ thời cổ đại mà ngày nay chúng ta vẫn thấy.

Trong lúc chờ đợi các nhà khoa học nghĩ ra cách giao tiếp với người ngoài hành tinh hiệu quả hơn thì chúng ta hãy tiêu hóa tạm những tin tốt lành từ bộ phim bom tấn "Star War" phần 7. 

Vừa qua, trong một video clip, J.J. Abrams - đạo diễn phim đã tiết lộ cơ hội để công chúng có thể xuất hiện trong bộ phim. Tất nhiên là có điều kiện, bạn phải tham gia đóng góp, gây quỹ từ thiện cho trẻ em thiệt thòi theo chương trình của  UNICEF Innovation Labs.

J. J. Abrams
Với mỗi 10 $ đóng góp, bạn đương nhiên được đưa vào danh sách tham gia cuộc thi. Một người thắng cuộc sẽ cùng vị khách mời bay tới London - nơi quay những cảnh phim chính. Ở đó họ được gặp đoàn làm phim, chứng kiến những hoạt đồng phía sau phin trường, rồi còn được trang điểm để vào vai một nhân vật trong Star War nữa.

Trước đó, đại diễn J.J. Abrams cũng đã cùng đoàn làm phim bay đến Abu Dhabi (UAE) - địa điểm đầu tiên khởi quay Star Wars VII.

Ở đó, đạo diễn J.J Abrams cùng đoàn làm phim sẽ thực hiện quá trình tái tạo lại hành tinh sa mạc Tatooine, nơi từng là nhà của Anakin và Luke Skywalker cũng như là trụ sở chính của Jabba và Hutt.

Ngoài Abu Dhabi, bộ phim dự kiến cũng sẽ được quay tại Studio Pinewood ở Anh. Hãng Disney và Lucasfilm đã ấn định thời gian ra mắt của bộ phim vào ngày 18/12/2015.


Cốt truyện của bộ phim được thiết lập 30 năm sau các sự kiện năm 1983 trong bộ phim Return of the Jedi. Hồi tháng trước, Disney và Lucasfilm đã công bố dàn diễn viên tham gia Star Wars VII và chào hàng một loạt hình ảnh đầu tiên để thu hút người hâm mộ toàn thế giới. Giờ đây, họ càng thêm nức lòng, 10 $ vừa giúp trẻ em lại có cơ hội tham gia vào một trong những bom tấn của thời đại - còn gì bằng.

Cẩm Giang




21/5/14

Giấc mơ (Truyện ngắn)


Khách sạn X, buổi họp báo, ngày... tháng... năm...
- Vâng, mời anh mặc áo màu cháo lòng.
Hội trường có tiếng phì cười. Nam phóng viên có cái áo màu cháo lòng trứ danh đứng lên, sửa lại cặp kính cận, sau giây phút lúng túng đã lấy lại vẻ tự tin, tuôn ra câu hỏi trôi chảy:
Ảnh: www.crafty.com
- Vâng, cảm ơn cô. Xin nhà văn vui lòng cho biết, tại sao cô lại chọn lối hành văn giản dị, đôi khi ngắn gọn đến mức khô cứng trong những cuốn sách của mình, thay vì lối trò chuyện uyển chuyển và có phần cầu kỳ trong đời thường?
- Đây là một câu hỏi tuyệt vời, đồng thời bóc mẽ sự dài dòng khi diễn đạt của tôi, đúng vậy không? Chàng phóng viên nhún vai. Nữ nhà văn duyên dáng hất lọn tóc xòa xuống trán tiếp tục nói, tôi không chọn, mà văn phong đó là tất yếu, bởi nó phù hợp với nội dung, nên không thể viết theo cách khác cho được. Đơn giản là khi tôi viết, mọi câu chữ đều là để dành riêng cho sự viêc, con người đó. Xin lỗi, anh tên gì? Thanh? Vâng, giống như anh vậy, nếu anh đơn giản là Thanh, tại sao tôi lại phải dùng kiểu diễn đạt phức tạp nào đó để biến anh thành Thành, Thánh... phải không?
Anh chàng phóng viên chưa kịp phản pháo thì một loạt cánh tay khác đã giơ lên và cô nhanh chóng chỉ định một cô gái.
- Tôi thích màu son của cô, xin mời.
Cô gái sắc sảo, tô son đỏ tươi mỉm cười vẻ tự mãn, cong đôi môi hướng tới nữ nhà văn:
- Nhiều người cho rằng, truyện của chị quá đơn giản, đôi khi ngây ngô, nhưng lại thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trẻ tuổi. Có phải ngày nay lớp trẻ quá nông cạn? Chị có nghe những lời buộc tội rằng những tác phẩm của chị góp phần thúc đẩy cách nghĩ giản đơn, lối sống không lý tưởng của họ?
- Nếu quả thực như vậy, tôi rất mừng vì mình có tầm ảnh hưởng lớn như thế. Đúng là truyện của tôi đơn giản, nhưng theo cách nói của bạn, đơn giản trở thành một khái niệm đồng nghĩa với tiêu cực từ khi nào vậy? Tôi viết những câu chuyện đó vì cuộc sống đã quá phức tạp, nhiều gánh nặng và đang ngày càng hỗn loạn. Tôi thích so sánh sách của mình như một luống rau sạch, nhẽ ra phải là một điều hiển nhiên nhưng lại đang trở nên quý hiếm trong xã hội ngộ độc này. Rau của tôi không phun thuốc, có thể có sâu, nhưng độc giả sẽ được an toàn và thư giãn. 
- So sánh gì ghê vậy. Sâu ư? Á á á!!!
Tiếng hét vang lên đúng lúc Diệu Thanh bật tỉnh giấc. Cô mỉm cười, đắc ý như thể vừa thực sự chơi khăm được cô nàng môi đỏ. Rồi Diệu Thanh nhảy ra khỏi giường, xỏ dép chạy sang phòng bố.
- Bồ tèo, dậy mau, con có giấc mơ hay lắm. Nhanh kẻo quên mất.
Thế là trong lúc bố cô tất bật đánh răng, rửa mặt, cạo râu, đập trứng làm đồ ăn sáng thì cô lẽo đẽo bám theo, ôm hộp sữa lớn, đổ ra hai cốc to, miệng liến láu kể cho hết từng chi tiết trong giấc mơ.
Năm nay Diệu Thanh 17 tuổi, đã 10 năm kể từ khi mẹ mất, cô và bố duy trì một tình bạn khăng khít.
Giờ đây hai cha con đang ngồi ăn sáng trên bàn bếp, miệng nhồm nhoàm miếng bánh mỳ, Diệu Thanh hào hứng nói với ông:
- Hai năm nữa khi con trở thành nhà văn nổi tiếng, bồ sẽ không phải đi làm nữa. Làm quản lý cho con, chúng ta sẽ suốt ngày được ở cùng nhau, đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Người cha phì cười:
- Nhà văn thì liên quan gì đến du lịch?
- Ơ, hay nhỉ, đi mới có tư liệu để viết chứ. Bồ muốn con là nhà văn chỉ biết nằm mơ thôi à!
Người cha nghiêm nghị trở lại, ông nói:
- Con thực sự muốn trở thành nhà văn chứ.
Diệu Thanh bĩu môi:
- Bồ tưởng con đùa á?
- Nếu con nghiêm túc, hãy bắt đầu viết ngay từ bây giờ.
- Tất nhiên rồi. Con sẽ viết ngay. Nhưng bồ vẫn phải nghe những giấc mơ của con mỗi sáng đấy nhé!
Người cha làm mặt mếu:
- Ôi, thế mà cứ tưởng mình thoát nợ chứ!
Chiều về, cô gái quăng ba lô, mở máy tính xách tay, khệ nệ bê ra cửa sổ, rồi chạy lại tủ lạnh, mở một hộp kem to, mang ra góc làm việc chuẩn bị sáng tác. Ngoài cửa sổ, mấy bông hồng tiểu muội nở chúm chím trong ánh chiều xuân. Lát sau, cha cô về, lẹ làng đi lại phía sau con gái. Cô vờ không nghe tiếng, khi ông lại gần thì cười khanh khác, úp máy đánh rụp một cái.
- Bồ gian! Tác phẩm chưa hoàn thành, chưa được xem.
Thời gian trôi qua, chẳng mấy chốc đã đến mùa hè, những khóm hồng bớt dần hoa, thay vào đó lá xanh tươi tốt. Diệu Thanh đôi lúc, vẫn ngồi bên cửa sổ ấy, nhìn chăm chăm vào màn hình máy tính, file văn bản của cô có khoảng chục dòng chữ, cô đang điên cuồng nhấn phím del đến khi màn hình trắng tinh.
Người cha bước lại gần, ngồi xuống bên, nhìn cô chờ đợi. Diệu Thanh xìu mặt, mắt quỵt xuống, xầm xì nói:
- Sao con không thể viết được. Mỗi lần đọc lại những dòng đã viết, con thấy ngốc nghếch làm sao í.
- Hay do con chưa tập trung?
- Không phải. Mỗi lần kể chuyện cho bồ nghe, con thấy đầu óc rất thông suốt, câu chuyện chảy ra như suối mùa xuân. Thế mà, cứ hễ chuẩn bị viết ra là y như rằng tắc tị.  Cứ như những con chữ có thù hằn với con vậy, chúng trừng trừng nhìn con, khiến con mất hết nguồn mạch cảm hứng.
- Vậy con đừng nóng vội, hãy cứ viết ra đi. Hay là để bồ đọc và góp ý cho con, biết đâu người ngoài sẽ có cái nhìn khách quan hơn, chắc gì con viết dở như con nói.
Xem tiếp Phần hai
Cẩm Giang

Cannes và Cành cọ vàng danh giá


* Niềm khao khát tại Liên hoan phim Cannes là một Cành cọ vàng 19 lá, mỗi chiếc đều được chế tác thủ công từ vàng 18-carat. Chiến tích sẽ được trao cho phim hay nhất tranh giải chính thức.

Cành cọ vàng (Palme d'Or)
* Liên hoan phim diễn ra tại khu nghỉ mát thời thượng bên bờ Côte d'Azur vào tháng 5 hàng năm kể từ năm 1952. Trước đó, Liên hoan phim được tổ chức vào mùa thu, nhưng giờ đây khí hậu nóng ẩm của mùa xuân đã trở thành một phần của bối cảnh lễ hội. Việc chụp ảnh thường diễn ra ngoài trời với hậu cảnh chính là bờ biển lịch sử ở Côte d'Azur.

* Liên hoan đã từng bị hủy bốn lần trong lịch sử. Năm 1939, Liên hoan phim bị hủy bỏ do Thế chiến II bùng nổ, còn trong các năm 1948 và 1950 là do vấn đề ngân sách.

* Tấm thảm đỏ nổi tiếng, nơi các ngôi sao trong làng điện ảnh phô diễn trang phục quyến rũ của họ, dài 60 mét. Tấm thảm sang trọng này cũng được phủ lên 24 bậc thềm dẫn lên Palais des Festivals nơi các bộ phim được trình chiếu.

Tấm thảm đỏ danh tiếng dẫn lên Palais des Festivals
* Liên hoan phim Cannes vinh danh cả diễn viên lẫn đạo diễn. Giải thưởng chính là Cành cọ vàng - một trong những giải thưởng danh giá nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh.

* Khoảng 60 bộ phim đang được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 67 năm nay, 18 trong số đó đang chạy đua giành giải chính thức - Cành cọ vàng. Hai mươi bộ phim khác cũng được trình chiếu bên lề, bao gồm cả bộ phim tiểu sử gây tranh cãi, "Grace of Monaco."

* Cành cọ vàng năm nay được lựa chọn bởi một ban giám khảo mà trưởng ban là đạo diễn New Zealand Jane Campion. Campion là nhà làm phim nữ duy nhất đã giành được giải thưởng danh giá năm 1993 cho phim "The Piano".

* Ban giám khảo đã xem khoảng 1.700 bộ phim trước khi chọn ra các phim được đua tranh giải chính thức. Một số phim không tranh giải sẽ được trình chiếu những suất đặc biệt. Ví như phim “Welcome to New York”, với Gérard Depardieu trong vai cựu giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn được chiếu riêng cho các nhà báo xem tại LHP Cannes 2014.

* Có tám đạo diễn đã hai lần giành giải Cành cọ vàng: Francis Ford Coppola, Shohei Imamura, Bille August, Emir Kosturica, anh em nhà Dardenne, Michael Haneke và Alf Sjöberg.

Francis Ford Coppola - Đạo diễn tài danh từng hai lần dành Cành cọ vàng
với The Conversation (1974) và Apocalypse Now (1979)
* 12.000 du khách dự kiến ​​sẽ tham dự "Marché du Film" - hội chợ phim của ngành công nghiệp điện ảnh, diễn ra song song với lễ hội. Hội chợ là nơi gặp gỡ giữa các nhà sản xuất, đạo diễn, giám đốc xưởng phim, các nhà phân phối và nhà đầu tư.

* Khoảng 4.580 nhà báo đưa tin từ Liên hoan phim Cannes năm nay, trong khi năm 1966 chỉ có 600 nhà báo và nhiếp ảnh gia đã tham dự lễ hội.

Theo Deutsche Welle


20/5/14

Cành cọ vàng: Sex và chuyện "đền giải"


Tương truyền rằng, ở một kỳ Liên hoan phim nọ có một đạo diễn vô cùng tài năng bị Cannes dè bỉu để rồi sau khi xem lại phim của ông, người ta mới nhận ra đã bỏ qua một kiệt tác, bèn hứa là kỳ sau, dù vị đạo diễn khả kính mang tới bất cứ phim nào, ông cũng không bị bạc đãi.

Câu chuyện trên không thể kiểm chứng, vì nếu có thì cái giao kèo vui vui đó hẳn cũng không phải bằng văn bản. Nhưng thực tế rất giống với trường hợp của đạo diễn người Nhật Nagisa Oshima.


Những cảnh bạo liệt trong phim In the realm of the senses
Cannes 1976, Nagisa Oshima đem tới quả bom tấn - không phải theo nghĩa đầu tư hàng chục triệu $ hay ngập tràn siêu sao và kỹ xảo mà là vì tác động khủng khiếp của nó - In the realm of the senses. Bộ phim được xây dựng trên câu chuyện có thật, về một người phụ nữ đi trên phố, trong tay cầm dương vật cô vừa cắt của người đàn ông mình yêu. Cô là Sada Abe, một gái điếm giải nghệ, bị ngập trong mối quan hệ tình ái điên cuồng với ông chủ khách sạn Ishida. Cuộc sống của họ xoay quanh chuyện làm tình, làm tình và làm tình, mọi nơi, mọi lúc, mọi tư thế... như một kẻ nghiện coi thuốc là lẽ sống. Phim thật đến trần trụi, diễn tả những cuộc mây mưa như thể nhét máy quay vào giường ngủ một cặp vợ chồng vậy. Ăn sex (đúng nghĩa đen nhé, cảnh làm tình trong bữa ăn của họ khiến đứa bạn tôi suýt ọe, phải ném luôn cái bánh mỳ ăn dở. Ai bảo không nghe lời tiền bối, chống chỉ định ăn trước và trong khi xem phim!), ngủ sex, cho đến một lúc, Abe không thể dừng lại, còn Ishida thì trống rỗng tận cùng, họ đi đến kết cục chết vì sex.

Nghe mô tả đã ớn, nếu nhốt mình trong phòng kín suốt 2 giờ đồng hồ với In the realm of the senses, hẳn một tháng sau (lâu - nhanh tùy tạng người) bạn vẫn không thể ôm ấp người tình của mình một cách thoải mái.

Thế nên, khi trình chiếu ở Cannes, In the realm of the senses bị cho là phim porno, còn Nagisa Oshima bị ném đá tơi bời. Nhưng, cùng với thời gian, khi những xúc động mạnh mẽ nhất qua đi (và có thể là vì đã hoàn hồn để ôm ấp người tình), các nhà phê bình bắt đầu nhận ra chân giá trị của bộ phim và tài năng của Oshima. Nói về tình dục nhưng không nhằm khiêu khích, giải trí, mà ngược lại, khiến người ta ghê sợ, choáng váng, đó mới là cách Oshima lựa chọn. Tình dục là phương tiện diễn tả nội tâm, tính cách, số phận nhân vật. Đồng thời, qua cách nhân vật đắm chìm trong dục vọng, đạo diễn cũng góp tiếng nói mỉa mai, phê phán thái độ xã hội của một lớp người thời ấy.

Sau khi hiểu ra rồi, Cannes 1978 lập tức trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Nagisa Oshima - một tụng ca hơn mọi lời nói. Đáng nói là giải thưởng này dành cho ông với bộ phim về tình dục khác mãnh liệt không kém "In the realm of the passion". Kể ra thì ngoài tài năng, Oshima cực kỳ dũng cảm, khi bắt tay xây dựng tiếp "vương quốc" thứ hai này trong lúc những lời ong tiếng ve còn chưa dứt, ông xứng đáng được 2 lần tôn vinh.

Nagisa Oshima (1932 - 2013)
Nói thêm một chút, có lẽ rút kinh nghiệm từ việc phải "đền giải" cho Oshima mà từ đó về sau, Cannes tích cực trao danh hiệu cao quý nhất cho những bộ phim sex bạo liệt và gây tranh cãi ngay từ lần đầu ra mắt. Ví dụ như: Sex, lies, and videotape (1989), Blue is the Warmest Colour (2013).

Cẩm Giang




Thế giới tuần qua: Tượng đài ra đi, tượng đài sụp đổ


1. Nhà quay phim huyền thoại của thế kỷ 20 - "Ông hoàng bóng đêm" Gordon Willis qua đời ngày 18/5 ở tuổi 82, khi còn 10 ngày nữa là tới sinh nhật lần thứ 83.

Ông là người đã tạo nên những thước phim cổ điển Annie Hall, Manhattan... của đạo diễn Woddy Allen và đặc biệt là bộ ba tác phẩm nổi tiếng The Godfather.

Gordon Willis, nhận Giải thưởng Danh dự từ tay Jeff Bridges,
ngôi sao trong phim 
Bad Company của đạo diễn Robert Benton,
bộ phim cao bồi do chính Willis quay
Ảnh: Sưu tầm từ Alt Film Guide
Sở dĩ Gordon Willis được gọi là "Ông hoàng bóng đêm" vì ông có biệt tài sử dụng ánh sáng cực ít để tạo ra hiệu quả cực cao trong những khuôn hình. Ông cũng là người khám phá ra cách sử dụng bóng tối như một phép ẩn dụ về hình ảnh để diễn tả nội tâm nhân vật. Đặc biệt, tông màu nâu trầm, nhiều bóng đổ mà Gordon sử dụng trong The Godfather phần I đã trở thành mẫu mực của nghệ thuật quay phim những năm 70.

Trong cuộc đời 82 năm và 50 năm hoạt động trong ngành điện ảnh, Gordon Willis đã thực hiện 20 phim truyện. Ông từng 2 lần được đề cử giải Quay phim xuất sắc nhất của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ trong hai phim Zelig và The Godfather phần 3. Năm 2009, ông được nhận giải Oscar danh dự thành tựu trọn đời.

2. Một tượng đài khác trong lòng người hâm mộ thì vẫn sống ở tuổi cổ lai hy, nhưng sụp đổ hình ảnh sau dư âm của một vụ kiện cáo.

Chuyện là thế này, Misha Defonseca - tác giả cuốn tự truyện “Misha: A Mémoire of the Holocaust Years” (1997) kẻ về một cô bé Do Thái một mình đi bộ xuyên Châu Âu sau khi cha mẹ bị quân Đức Quốc xã bắt, được dịch sang 18 thứ tiếng, chuyển thể thành phim... từng thắng kiện nhà xuất bản cuốn sách số tiền lên tới 22,5 triệu bảng. Thế nhưng, trong quá trình kiện tụng, nhà xuất bản đã lần mò ra một số chi tiết bất hợp lý và cuối cùng phát hiện ra rằng, Misha Defonseca thực ra tên thật là Monica Ernestine Josephine De Wael và chẳng phải người Do Thái gì sất. Còn thời điểm được kể trong tự truyện rằng cô bé phải sống trong rừng cùng bầy sói và chiến đấu với lính Đức Quốc xã thì thực ra tác giả đang theo học tại một ngôi trường ở Brussels (Bỉ).

Misha DefonsecaẢnh: Sưu tầm từ Daily Mail
Người lời nhất ở đây là nhà xuất bản, vì dĩ nhiên khi sự thật phanh phui thì họ được trả lại số tiền thua kiện nêu trên, trong khi lúc húc đầu vào một câu chuyện gây rúng động họ đâu có thiết điều tra sự thật. Còn tác giả Misha Defonseca đã thừa nhận những điều mình bịa đặt trong tự truyện, cầu xin sự tha thứ từ tất cả những ai cảm thấy bị bà lừa dối và mong được cảm thông.

Một phần của câu chuyện bịa: Sống với sói trong những ngày lẩn
trốn Đức quốc xã
Ảnh: Sưu tầm từ Daily Mail
Có lẽ vì bà đã già, 76 tuổi, nên không thể trốn chạy hay chứng tỏ bằng cách đi du học đâu đó, nhưng ít nhất chúng ta cũng nên tôn trọng vì bà đã cầu xin được tha thứ chứ không chối bay chối biến và đổ lỗi cho người đọc. Công chúng rốt cục có lỗi gì đâu, mà sách thì bỏ tiền mua rồi và phim cũng đã xem từ lâu.

Cẩm Giang
Theo Rolling Stone, Hollywood Reporter, Daily Mail, New York Daily News


Nặng lòng với bản Hiêu

Nếu đã chán ngán phố phường đông đúc, chật hẹp; nếu muốn tìm một nơi phong cảnh hữu tình, không gian trong trẻo để thư giãn bên những người dân chất phác luôn đón bạn bằng những câu chào thân ái, hồn hậu; đừng chần chừ, hãy chuẩn bị hành lý và về với bản Hiêu (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Một hành trình gian nan nhưng thú vị đang chờ đón bạn.

Địa chỉ đỏ cho dân “phượt”
Từ thủ đô Hà Nội, đi về hướng Nam, theo đường Hồ Chí Minh, sau 140 km bạn sẽ đến Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Từ Cẩm Thủy, rẽ vào tỉnh lộ 217, đi thêm 36 km đường rải nhựa, bạn chính thức bước vào thử thách đến với bản Hiêu. Đoạn đường sau đó chỉ 20 km đường rừng núi nhưng sẽ ngốn của bạn gần một giờ đồng hồ trên xe gắn máy để đến một trong bốn ngôi nhà trọ hiếu khách của bản. Với chúng tôi, thời gian ấy còn kéo dài hơn dự kiến, bởi lịch trình đúng vào buổi chiều là thời điểm mặt trời xuống núi đẹp ngây ngất, nên chúng tôi không thể kìm lòng ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ ấy.
Mặt trời xuống núi
Từ đầu làng, chúng tôi bắt gặp những cọn nước lớn. Trước kia, dân bản sử dụng cọn nước như một chiếc “cối” giã gạo nhưng nay chúng hầu như chỉ để dẫn nước và làm đẹp cho bản. 
Cọn nước của người Thái ở Suối Đũa
Những cọn nước tô điểm cho vẻ đẹp của con suối
và những mái nhà phía xa
Lang thang chụp ảnh dọc đường đến bản Hiêu thật không còn gì tuyệt hơn, nhưng chúng tôi cũng làm chủ nhà - anh Hà Văn Tùng - khá lo lắng. Anh đã gọi cho chúng tôi tới bốn lượt và đi xe ra đón chúng tôi ở đầu dốc dẫn tới nhà trọ khi đêm vừa buông xuống. Đêm ở bản thanh bình lạ. Xe máy của chúng tôi đều để dưới sàn nhà, không cần khóa cổ, mũ bảo hiểm để ngay yên xe. Tiếng ễng ương dưới ao chuôm ru chúng tôi vào giấc ngủ êm đềm. Sáng sớm chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gà eo óc và ánh bình minh dìu dịu hắt qua cửa liếp. Đối với dân “phượt”, có thể gọi bản Hiêu là “địa chỉ đỏ” ở chốn “thâm sơn cùng cốc”.
Ngôi làng yên bình dưới chân núi, dọc đường vào bản Hiêu
Ruộng lúa xanh rờn tạo như những chiếc thảm nhung
tô điểm cho núi rừng Tây Bắc

Hiếu khách và chân tình
Bản Hiêu đẹp đến cỡ nào, bạn có thể dễ dàng nhận ra qua những tấm ảnh, nhưng để biết người bản Hiêu đáng mến ra sao, chúng tôi khuyên bạn hãy đến tận nơi và tận hưởng.
Như đã kể, trên đường đến bản, chúng tôi đã được anh chủ nhà tận tình gọi điện và chỉ dẫn từng mét đường. Bữa ăn ngon trong đêm đầu tiên ở bản cũng đã là quá tuyệt vời với gà rừng, rau sạch, rượu thơm, nhưng cảm động hơn là sự tận tình của chị chủ. Chị rót mời chúng tôi chén rượu và dành lại sự riêng tư cho khách. Khi chúng tôi không dùng hết đồ ăn, vì hơi nhiều, chị tỏ ra áy náy vì sợ khách không hợp khẩu vị. Sáng sớm, chúng tôi dậy từ tinh mơ khám phá bản Hiêu, chị chủ đã chuẩn bị bữa sáng chu đáo và không quên hỏi chúng tôi ngủ có ngon giấc. Lần thứ ba, là khi chị thu tiền trọ lúc chúng tôi ra về, vẫn với sự chất phác, chị thu tiền xong còn hỏi tôi: “Thế có đắt không ạ?” và không quên chúc chúng tôi đi đường may mắn và bỏ qua cho những sai sót của gia chủ.
Có lẽ đã lâu lắm, kể từ khi ở thành phố tới nay là mười mấy năm, dù được tận hưởng dịch vụ ở khách sạn nhiều sao, lần này tôi mới thực sự nghĩ mình là thượng khách với đúng nghĩa của từ - trân trọng mà không xa cách, thân tình mà không quỵ lụy. Có thể họ được huấn luyện, cũng có thể họ thực sự coi chúng tôi là thượng khách. Hóa ra ở nơi thâm sơn cùng cốc này, dịch vụ du lịch lại hoàn hảo và chuyên nghiệp hơn cả ở những đô thị văn minh.
Nhà ở bản Hiêu
Một đóa hoa dại vàng rực trong nắng sớm
Buổi sáng, khi chúng tôi đang hăng hái sục sạo những con đường, cây cỏ, những vạt đồi và nếp nhà sàn… thì một giọng nói cất lên “Chào anh chị ạ!”. Đó là của một cô bé chừng 14, 15 tuổi. Cô cười với chúng tôi rồi tiếp tục đi với cái gùi trên lưng. Không ai bảo ai, chúng tôi đều sựng lại. Có lẽ chúng tôi đã quá quen với sự xa cách, cảnh giác lẫn nhau nơi thành thị, vì vậy sự hiếu khách, chân tình của dân bản đã làm chúng tôi bất ngờ, xen lẫn một chút xấu hổ. Không màu mè, khách sáo; sự nhiệt tình, chất phác của người dân bản Hiêu đã khiến chúng tôi không muốn rời bước.


Người bản Hiêu

Peter và Lucie - du khách người Canada nặng lòng với bản Hiêu
đã lưu lại đây mấy ngày từ trước khi chúng tôi đến
Thông tin thêm
Bản Hiêu nằm ở Đông Nam khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông, cách thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) khoảng 20 km. Bản nằm trong thung lũng nhỏ, bao quanh là núi Hiêu. Cây trồng chủ yếu là lúa, ngô. Hiêu theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là con hươu. Dân làng kể rằng, sở dĩ bản được đặt tên đó là do ngày xưa có một người đi săn, đuổi theo con hươu rồi nhờ vậy mà tìm ra nguồn nước, thấy phong cảnh nên thơ với thung lũng và con thác đẹp nên định cư, lâu dần thành bản. Ngày nay dân cư bản Hiêu vẫn còn thưa thớt, có 45 hộ, 178 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái. Bản Hiêu bắt đầu làm du lịch từ năm 2003. Hiện có bốn hộ cung cấp dịch vụ homestay (ở cùng chủ nhà) là anh Sỹ, anh Nối, anh Ba và anh Tùng. Du khách đến đây sẽ được sắp xếp ở nhà sàn, rộng rãi và sạch sẽ. 

Cẩm Giang