Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

29/11/13

Về bài thơ Rắn đầu biếng học


Trang Diễn đàn của báo Văn nghệ Công an ngày 9/4/2013 đăng bài Có thể tin bài thơ "Rắn đầu biếng học" là của Lê Quý Đôn được không? của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tác giả bài báo, sau loạt phân tích khá dài, kết luận rằng Lê Quý Đôn KHÔNG phải là người sáng tác bài thơ “Rắn đầu biếng học”. Tuy nhiên, kết luận này không hợp lý.

Nguyên văn bài thơ:

Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học quyết không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vết roi cha
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia

(Chép từ bài báo nói trên)

Lập luận của bài báo

Xin tóm tắt như sau:

(1) Bài báo cho rằng ở câu 7 nếu “Trâu” là một loại rắn thì “Lỗ” là gì (vô nghĩa); cũng như không thể tách rời “liu” và “điu” hoặc “hổ” và “mang”. Như vậy, không thể tách “Trâu Lỗ” thành hai từ. Mặt khác, tác giả chưa bao giờ nghe nói có loài rắn tên là rắn hổ trâu. Kết luận: “Trâu Lỗ” không thể là một loài rắn.

(2) Bài báo đồng ý với 2 ý kiến khác cho rằng bài thơ đã dẫn điển tích thông qua hai chữ “Trâu Lỗ” vì “Trâu Thành” là quê hương của Mạnh Tử, “Lỗ” là quê hương của Khổng Tử.

Từ hai phân tích trên, tác giả bài báo cho rằng tác giả bài thơ đã ví mình với Khổng Tử, Mạnh Tử - hai “cụ tổ của Nho học”. Như vậy, câu “Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học” phải được hiểu là “Từ nay CỤ TỔ CỦA BỐ xin siêng học”.
Cách nói như thế của con đối với bố là trái đạo lý. Trong khi đó, Lê Quý Đôn nổi tiếng tài cao học rộng, lại là con nhà gia giáo. Bố ông là Lê Trọng Thứ, đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Thìn (1724).

Tác giả kết luận: Bài thơ do người đời sau làm và gán cho Lê Quý Đôn. Việc này “… có vấn đề về đạo lí, về lễ nghĩa, về đạo đức, vô hình trung, đã cùng một lúc, xúc phạm đến nhân phẩm của Lê Quý Đôn, một nhà bác học uyên thâm, một nhà văn hoá lớn của dân tộc và đồng thời cũng xúc phạm luôn cả cốt cách tiết tháo nhà Nho rất cao quý của cụ thân sinh -  tiến sĩ Lê Trọng Thứ khả kính.”

Vài điều không hợp lý của bài báo

1- Nếu cho rằng “Trâu Lỗ” không tách rời được thì “ráo mép” hay “lằn lưng” cũng không tách được. Vậy tại sao bài báo chấp nhận việc tách rời hai từ sau? Thực ra, đây chỉ là phép chơi chữ thông thường, tác giả bài thơ chỉ cố đưa tên các loài rắn vào từng câu đồng thời đảm bảo ý nghĩa và niêm luật thơ.

2- Rắn hổ trâu là một loài rắn có thật với danh pháp latin là Ptyas mucosa. Thông tin về nó có thể dễ dàng tìm kiếm trên wikipedia vào thời điểm của bài báo.

3- Tuy lập luận về điển tích của tác giả bài báo đối với hai chữ “Trâu Lỗ” là đúng nhưng tác giả lại hiểu sai câu thơ do không phân tích đúng ngữ pháp. Nếu hiểu câu "Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học" = "Từ nay Cụ Tổ Của Bố xin siêng học", tức là "Trâu Lỗ" đóng vai trò chủ ngữ. Ở đây có vài điểm cần bàn.

(1) 7 câu khác của bài thơ không có từ nào dùng để chỉ tác giả - ngôi thứ nhất, đặc biệt là câu 8. Trong thơ Đường luật, điều căn bản là đối âm và đối ý theo từng cặp câu 1-2, 3-4, 5-6, 7-8. Tuy nhiên, đảm bảo luật đối nghiêm ngặt như vậy rất khó nên ta vẫn thường gặp những bài thơ chỉ đảm bảo được một luật đối. Câu 8 bài thơ trên “Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia” sử dụng chủ ngữ ẩn “Kẻo [tôi] hổ thẹn vì mang danh tiếng thế gia [mà lười học]. Để đảm bảo phép đối, câu 7 cũng phải dùng chủ ngữ ẩn. Vậy, xét luật thơ, “Trâu Lỗ” không thể là chủ ngữ.

(2) Trong ngữ pháp tiếng Việt, đảo ngữ là một biện pháp tu từ thường gặp. Ví dụ, khổ cuối của bài Tống biệt hành:

“Người đi? ừ nhỉ, người đi thực! 
Mẹ thà coi như chiếc lá bay, = [Ta] thà coi mẹ như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi, = [Ta] thà coi chị như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.” = [Ta] thà coi em như hơi rượu say

Như vậy, về mặt chức năng các chữ “Mẹ, chị, em” ở bài Tống biệt hành đóng vai trò bổ ngữ cho động từ “coi”. Tương tự, hai chữ "Trâu Lỗ" của câu thơ trên đóng vai trò bổ ngữ cho động từ "học". Bên cạnh đó, “Trâu Lỗ” là cách chơi chữ vận dụng điển tích, mang tính ẩn dụ với nghĩa bóng là “nho học; nho giáo; chữ thánh hiền v.v”

Ngoài ra, đối tượng đối thoại của bài thơ là Tiến sỹ Vũ Công Trấn – người ra đề để Lê Quý Đôn làm thơ, chứ không phải bố của Lê Quý Đôn như tác giả bài báo xác quyết.

Kết luận: Với các biện pháp đảo ngữ, ẩn dụ, dùng chủ ngữ ẩn, câu “Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học” cần được hiểu là “Từ nay [tôi] xin siêng học chữ thánh hiền”. Với cách hiểu này, câu 7 của bài thơ hoàn toàn KHÔNG “xúc phạm đến nhân phẩm của Lê Quý Đôn,” hay “ xúc phạm luôn cả cốt cách tiết tháo nhà Nho…” như tác giả bài báo nhận định.

Nói thêm:
Nếu xét đến đối tượng đối thoại là Tiến sỹ Vũ Công Trấn thì cách hiểu như tác giả bài báo là một cách hiểu thú vị. Rất có thể Lê Quý Đôn – lúc bấy giờ là một cậu bé tầm 10 tuổi, đã lợi dụng câu thơ đa nghĩa để xỏ ngọt ông tiến sỹ kia rằng: Ừ thì ông đỗ đạt, ông nhiều chữ, ông bắt tôi làm thơ. Nhưng xét về mặt chữ nghĩa thì tôi còn là ông tổ của ông.

Tuy nhiên, sự tinh nghịch (nếu có) của Lê Quý Đôn cũng không nhằm xúc phạm bố mình và cũng không thể lấy đó để khẳng định rằng Lê Quý Đôn không phải là tác giả bài thơ.

Phạm Bằng Tiến

26/11/13

Vì sao Việt Nam?

Hàn Giang

Ngồi nghĩ rất lan man, bắt đầu từ chỗ vì sao nước Việt tội nghiệp của mình suốt mấy ngàn năm (theo truyền thuyết) chẳng bao giờ vươn lên thành một nước hùng cường. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã từng phải thốt lên:
“Dân hai mươi triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”