Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

26/11/13

Vì sao Việt Nam?

Hàn Giang

Ngồi nghĩ rất lan man, bắt đầu từ chỗ vì sao nước Việt tội nghiệp của mình suốt mấy ngàn năm (theo truyền thuyết) chẳng bao giờ vươn lên thành một nước hùng cường. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã từng phải thốt lên:
“Dân hai mươi triệu ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”

TÔN GIÁO VÀ TRIẾT HỌC

Ở một khía cạnh nhất định, tôn giáo và triết học dường như là một. Cả hai đều là những lý thuyết về sự tồn tại của loài người, về mối quan hệ giữa loài người và vạn vật, về vũ trụ, về cuộc sống sau cái chết, về thần thánh v.v
Điều quan trọng nhất và là điều làm cho tôn giáo và triết học giống nhau nhất chính là hoặc dựa trên nền tảng tôn giáo hoặc dựa trên nền tảng triết học, một tập hợp người nhất định sẽ đề ra phương pháp cai trị và vận hành chính tập hợp người đó – thông thường là một quốc gia.

NỀN VĂN MINH VÀ ĐẾ QUỐC

Lịch sử loài người chứng kiến nhiều nền văn minh khác nhau tồn tại ở từng giai đoạn nhất định. Ví như Văn minh sông Nile, Văn minh Hy-lạp, Văn minh La-mã, Văn-minh Ấn-độ, Văn-minh Trung Hoa v.v
Tất cả những nền văn minh này đều gắn liền với một đế quốc. Với Văn minh sông Nile là đế quốc Ai-cập cổ đại; với Văn minh Trung Hoa là ông bạn nhiều tốt của Việt Nam chúng ta v.v
Khó nói rằng đế quốc ấy đã sinh ra nền văn minh ấy hay ngược lại vì có vẻ như càng cố tìm thì càng luẩn quẩn trong mối tương quan giữa quả trứng và con gà. Điều có thể khẳng định được là hai thực thể ấy tồn tại một cách hữu cơ, tương tác lẫn nhau. Để nền văn minh được duy trì và phát triển mạnh mẽ, cần có một tổ chức quốc gia mạnh mẽ tương xứng. Để có một tổ chức quốc gia mạnh mẽ, cần có một triết thuyết vững chắc làm nền tảng cho việc tổ chức và vận hành quốc gia ấy.
Không phải di tích của nền văn minh nào cũng được bảo toàn tốt để chúng ta nghiên cứu nhưng một vài trong số đó để lại khá nhiều thông tin, ví như Văn minh sông Nile, Văn minh Hy-lạp, Văn minh Trung Hoa.
Trong bạt ngàn thông tin đó, có thể nhận thấy rằng, người Ai-cập có triết học cổ Ai-cập, gắn liền với tôn giáo của họ; người Hy-lạp có triết học Hy-lạp cổ đại với những đại biểu xuất chúng như Socrates, Plato, Aristotle và Epicurus; người Trung-hoa cũng có triết học của riêng họ với nhiều nhân vật nổi tiếng như Hàn Phi, Khổng Khâu, Lý Nhĩ v.v

VÌ SAO VIỆT NAM?

Nước chúng ta. Việt Nam. Đã vài ngàn năm trôi qua kể từ thuở Hùng Vương dựng nước. Ừ thì kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa trong hơn ngàn năm cai trị đã tịch thu, đã đốt sách vở, đã cố đồng hóa, cố ngu dân hóa nhưng giả sử dân tộc ta có một triết thuyết nào đó thì nó ắt phải còn tồn tại chứ, ít nhất là trong văn hóa dân gian. Tuy nhiên khảo cứu, đào xới tơi bời cũng chỉ đi đến một kết luận thiếu cơ sở (và hơi có tính hàm hồ) rằng Lạc thư, Hà đồ là do tộc Việt sáng tạo nên. Thậm chí, giả sử là do tộc Việt sáng tạo ra thật thì cũng phải cảnh giác trước khi vơ vào vì “tộc Việt” là một khái niệm bao la bao gồm cả Lạc Việt, Điền Việt, Mân Việt v.v. Vậy nên, đến giờ phút này, có thể kết luận rằng hơn ngàn năm kể từ khi Ngô Vương tái lập quốc và vài ngàn năm trước đó, người Việt không tự sản sinh ra một lý thuyết nào hết. Triết học của chúng ta gần như là con số không! Tất cả những gì chúng ta có là bản sao thiếu hoàn hảo của một triết thuyết ngoại nhập nào đó. Chúng ta vận hành một quốc gia Việt với những lý thuyết chỉ phù hợp với Hán tộc, với Nga, với Pháp, với Mỹ v.v

Tệ hơn nữa, càng về gần đến thời hiện đại, chúng ta càng cố tình nhảy chồm chồm từ triết thuyết này sang triết thuyết khác. Như một vận động viên chạy vượt rào trong lòng chảo. Đau lòng!

Phạm Bằng Tiến

0 bình luận :