Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

10/2/14

Xem phim Cánh đồng bất tận

Hàn Giang

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận
Bản quyền @ BHD
Khi ánh đèn phòng chiếu bật sáng, tôi và người bạn đi cùng nặng nề đứng lên. Khác với mọi lần, chúng tôi lẳng lặng ra về và trao đổi rất ít về bộ phim. Bên ngoài, dọc bờ hồ Thủ Lệ, vẫn những cơn gió mơn man của mùa thu Hà Nội. Gió thu, không đủ lạnh để thiếu nữ quàng thêm khăn ấm làm duyên, cũng không đủ nhẹ nhàng để làm vơi đi cảm giác ngột ngạt của những số phận trên màn ảnh.

Xuyên suốt bộ phim, tác giả dường như chủ tâm thay mặt nữ giới thống thiết gào lên nỗi bất hạnh của đàn bà. Nhân vật mẹ (Tăng Thanh Hà thủ vai) ngã vào tay gã Ba Tàu nhưng cô dường như không biết mình có tội. Có tội chăng là cảnh đời nghèo khó, là nỗi khát khao làm đẹp được quy định bởi tính nữ vĩnh hằng. Cô ngỡ là tấm lụa trắng của gã Ba Tàu có thể đổi được “không bằng lúa”. Và lúc đổi, chắc chắn cô không nghĩ rằng cô đã đánh đổi không chỉ xác thịt mà còn cả cuộc đời của hai đứa con.

Câu chuyện được bắt đầu với số phận một người đàn bà – một con điếm đã không còn là con điếm kể từ giờ phút ấy. Sương (Hải Yến thủ vai) là một số phận buồn thảm. Dạt về một miền quê nghèo khi hương sắc đã không còn làm lu mờ ánh đèn thị thành được nữa, cô tiếp tục chịu một trận đòn ghen dữ dội và nhục nhã trước khi được cha con ông Võ (Dustin Nguyễn) cưu mang. Sương mắc nợ cha Điền vì đã cho cô nương náu. Nhưng như thế liệu có đủ để cô phải chịu thêm hai lần sỉ nhục từ người đàn ông mà cô nghĩ là cô có thể cải tạo? Thực ra, Sương có muốn đổi thân xác mình để lấy sự sống của đàn vịt nhà ông Võ không? Không! Đấy chỉ là lần dấn thân thứ hai của Sương trong nỗ lực thức tỉnh người đàn ông đang chìm đắm trong nỗi đau mất vợ. Và cô đã thất bại. Một lần nữa, cuộc đời Sương lại dạt đi trong ngút ngàn đồng năng, chỉ một con đường nhưng không điểm đến.

Dọc theo câu chuyện tuyến tính bi đát ấy, một mảng đời khác xuất hiện: Hai chị em Nương – Điền. Điền (Võ Thanh Hoà) là một cậu bé mà suốt tuổi thơ chỉ biết có “vịt – cá và bùn”, chưa bao giờ nhìn thấy con chữ và lâu lắm rồi không được thụ hưởng cái gọi là tình thương. Cậu sẵn sàng – như cậu nói – ‘giết chết những ai động đến chị” để bảo vệ Sương. Một suy nghĩ đầy tính anh hùng đường phố kết tinh từ bản tính ghét cái ác và nỗi khao khát tính dục bùng phát ở tuổi dậy thì. Kết cục, Điền đã dùng súng cao su bắn gãy răng một gã giang hồ miệt đồng, bắn vỡ chim một gã khác và bóp cổ, dìm nước gã thứ ba đến chết vì một trong ba gã đã ngủ với Sương để đảm bảo cho sự sống của bầy vịt nhà cậu. Sau cuộc chiến đó, Điền biến mất. Mất hút như làn khói đốt đồng giữa mênh mông sông nước miền Tây. Với cuộc đời của cha cậu, cậu vô can. Cậu cũng không giống mẹ đến mức bị cha ghét. Nói chung, sự có mặt của cậu chỉ là tấm đệm để cô gái điếm lọt vào gia đình cậu.

Chị của cậu thì khác. Nương (Lan Ngọc) là một nhan sắc đồng quê non nớt, đẹp và giống hệt người mẹ đã bỏ đi từ năm em lên chín. Bảy năm trời lầm lũi sống bên cạnh người cha chỉ giao tiếp bằng tiếng “gầm gừ và tằng hắng”, Nương dường như đã đủ thời gian để thấu hiểu vì sao mẹ em ra đi, vì sao cha em trở nên cộc cằn và thô lỗ. Hầu như em chỉ mơ ước một điều là “phải chi bảy năm qua tía cũng” thể hiện được tình thương với chị em Nương. Ngay cả ước mơ của em cũng nghèo nàn đến mức em chỉ dám ước ngược về quá khứ. Ngoài ra, cuộc sống của Nương trong phim chẳng có gì đáng nói cho đến khi em bị một gã giang hồ miệt đồng cưỡng hiếp trong khi cha em – gã đàn ông cục cằn – bị hai thằng khác oánh bầm dập và giữ chặt.

Và Út Võ bừng tỉnh.

Tại sao bộ phim gần như không muốn khắc hoạ nỗi đau đàn ông? Dù chính nỗi đau ấy là lý do chính tạo nên bi kịch cuộc đời của cha con Út Võ - người đàn ông đã hết mực âu yếm yêu thương, đã quần quật lam làm để một ngày trở về và biết vợ mình đã đi mất.

Tác giả đã buộc hai người đàn bà (Sương, Nương) phải trả giá cho lỗi lầm của một người đàn bà khác (vợ Út Võ). Đặc biệt là gánh nợ đời ấy được dồn lên vai cô bé 17 tuổi. Bị buộc phải biến thành đàn bà theo một phương cách không thể ghê tởm hơn, Nương – và qua đó là cả Út Võ - xem như đã bị dồn đến tận cùng bi kịch. Tại sao bộ phim không kết thúc ở cảnh Sương đi vào đồng năng? Tại sao gia đình Út Võ phải chịu thêm một thảm cảnh đau lòng đến thế? Tôi không biết! Nhưng tôi cảm thấy bất nhẫn khi nỗi đau “bất tận” được đặt lên cuộc đời một đứa bé. Khi ánh mắt Nương thảng thốt, khi Nương lịm đi trước mặt cha, tôi như cảm thấy rất rõ cuộc đời em oằn xuống, trĩu nặng. Trĩu nặng đến mức dù bộ phim được kết thúc bằng một lời thoại đầy tính nhân văn thì lòng tôi vẫn day dứt.

(Viết 27/10/2010; chuyển từ Facebook Note sang)

Jeff - El Loco

Nhân vật trong Rừng Nauy của Trần Anh Hùng

Hàn Giang

Toru và Naoko. Cảnh trong phim Rừng Nauy
Bản quyền @ Toho
Trần Anh Hùng đã chuyển gần như toàn bộ câu chuyện đầy cảm xúc, suy tưởng và diễn biến tâm lý của Haruki Murakami thành phim – Điều mà tôi ngỡ là không thể. Để làm được điều đó, một trong những công việc đầu tiên cần làm có lẽ là chọn diễn viên. Trước hết là Toru Watanabe và Naoko.

Tôi không kỳ vọng ở Naoko một nhan sắc, bởi cái đáng xem là diễn biến tâm lý và tiến trình đời sống của cô. Đáng tiếc là Naoko của Trần Anh Hùng không những không đẹp mà còn không đặc sắc. Nét mặt cô không thể hiện được sự giằng xé nội tâm.

Ánh mắt cô – từ đầu đến cuối – chỉ có một kiểu. Nhợt nhạt. Vô ngôn. Lẽ ra, ở một người bị tự kỷ như cô, hành động phải có chút vô thức; ánh mắt đôi khi phải lóe lên chút linh hoạt và hoang dại. Hơn thế nữa, Trần Anh Hùng đã không chọn một diễn viên có thể hình đẹp, đồng thời cắt mất đoạn Naoko khỏa thân dưới ánh trăng. Trong khi chính những chi tiết này ám ảnh Toru nhất, làm cho anh ta không thể xác định được anh ta có YÊU Naoko hay không, hoặc giả có yêu thì có bằng phần tình cảm anh ta giành cho Midori hay không. Từ đó mới có thể góp phần làm rõ tính cách và đời sống tình cảm của nhân vật nam chính.

Toru Watanabe là số phận trung tâm. Vì vậy cần nói về anh ta dài hơn một chút. Toru của Haruki bị vây quanh bởi thứ tình cảm không thể xác định được một cách rõ ràng với Naoko. Yêu? Ham muốn thể xác? Trách nhiệm với người bạn thời thơ ấu? Đồng thời Toru bị giằng xé giữa mong muốn hòa đồng với xã hội mới và sự kìm hãm do những kỷ niệm xưa cũ mang lại. Toru của Haruki sống, làm tình, học tập v.v một cách rất bản năng. Cậu có thích tớ không? Có! – Đi tìm gái với tớ nhé! Okie! – Đừng tìm tớ ! Ừ ! Tưởng như cuộc sống tinh thần của Toru rất phức tạp nhưng hóa ra không phải vậy. Anh ta KHÔNG SUY NGHĨ mà chỉ là NHỚ LẠI mọi điều.

Trong khi đó, Trần Anh Hùng xây dựng hoặc nói đúng hơn, giúp người xem nghĩ rằng Watanabe đã rất yêu Naoko và do đó đã hết sức cố gắng giúp Naoko quay về với cuộc đời. Nhưng trường đoạn Watanabe và Naoko đi dạo (như khổ sai) trên đồng cỏ cho thấy anh ta, rút cuộc, chả biết mình cần phải làm gì và có thể làm gì. Đấy là mâu thuẫn. Kết cục là Trần Anh Hùng đã chọn một khuôn mặt vô tâm, không âu lo và toan tính – Hoàn toàn thỏa mãn đối với Toru - Văn học nhưng lại không thỏa mãn đối với Watanabe – Điện ảnh.

Những nhân vật khác thì sao?

Ngay khi Nagasawa và Midori xuất hiện, tôi đã hoàn toàn thỏa mãn với chính mình. Diện mạo và phong cách của Nagasawa phù hợp một cách hoàn hảo với nhân vật, phù hợp đến mức mà dù có rất ít đất diễn thì nhưng tín đồ của Rừng Nauy cũng phải thốt lên: Chính hắn! khi nhìn thấy anh ta vừa hút thuốc vừa cụng ly với Toru.

Midori gầy gò nhưng không yếu ớt. Khuôn mặt hồng tươi, đôi mắt to và trong sáng của cô, cách cô chủ động điều khiển đôi môi mình một cách tinh tế, linh hoạt khi cười, khi nói đã góp phần giúp Trần Anh Hùng khắc họa nên một số phận khác biệt so với tất cả những số phận khác trong phim. So với Naoko hay Reiko, Midori chịu nhiều mất mát không kém: mẹ mất sớm, bố ốm liệt giường rồi ra đi, người yêu không hiểu được cô, chị gái vui với tình yêu của riêng mình và không giúp được gì. Midori một mình bươn chải với cuộc sống khó khăn và nhàm chán nhưng cô vẫn tiếp nhận cuộc đời bằng một ánh mắt lạc quan, dũng cảm đương đầu với mọi biến cố và nỗ lực giành lấy hạnh phúc. Hơn nữa, Trần Anh Hùng có vẻ như đã ưu ái hơn đối với Midori. Ông dành cho nhân vật này nhiều đất diễn, thông qua đó tạo nên sự ràng buộc vô hình nhưng vững chắc giữa số phận của cô và Toru, đẩy vai trò của Midori lên cao hơn một chút so với chính cô trong tác phẩm văn học.

Chắc chắn là tôi sẽ cảm thấy rất ân hận nếu không nhắc đến người được đạo diễn chọn vào vai Hatsumi. Cũng vẫn là khuôn mặt, đôi mắt và khóe miệng nhưng lần này, người được chọn (chỉ xuất hiện chừng 5 phút) đã kịp thể hiện xuất sắc hình ảnh một cô gái đoan chính, tâm lý hơi yếu ớt nhưng biết kiềm chế cảm xúc nhờ bản chất tính cách và nhờ nền tảng giáo dục hoàn hảo.

So với tác phẩm văn học, Reiko chắc chắn là nhân vật khác biệt nhất. Reiko của Haruki là một phụ nữ đầy nếp nhăn, tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm, đôi tay tài hoa cùng một quá khứ đầy biến động. Trần Anh Hùng đã xóa đi toàn bộ quá khứ đau buồn của cô và có lẽ chính điều này đã hướng ông đến việc chọn một diễn viên có bề ngoài thiếu ấn tượng, không già, không trẻ để vào vai Reiko. Hệ quả của cả hai vấn đề này làm cho trường đoạn Reiko làm tình với Toru trở nên lạc lõng, thiếu tính mục đích. Có cảm giác như Trần Anh Hùng cố ép hai nhân vật này làm tình với nhau, dùng hành động này tạo lập biến cố mang tính giải thoát cho tâm hồn Reiko. Nhưng giải thoát khỏi điều gì? Tại sao phải thế? Thật đáng tiếc!! Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng tác phẩm điện ảnh không phải là một mâm cỗ nhiều tầng của nông thôn Bắc Bộ. Dù đầu bếp có tài hoa đến mấy, số lượng món được bày cũng sẽ rất hạn chế.

(Viết 23/01/2011; được chuyển sang từ Facebook Note)

Jeff - El Loco 

P/S:
- Bạn nào chưa đọc truyện thì xem phim sẽ hơi vất vả.
- Bạn nào thích nhiếp ảnh thì nên xem phim. Cảnh quay rất tuyệt.

7/2/14

Bún cá rô đồng



Bún cá rô đồng ở Mỹ Hào, Hưng Yên
Ảnh: Hàn Giang
Lâu rồi, đâu như cách đây mươi lăm năm, mình chầu chực ở Văn miếu hai tiếng để xin chữ của cụ Cung Khắc Lược. Sau chừng 15, 20 phút nói chuyện và ngắm nghía, cụ viết tặng mình chữ "lưu" (流). Chừng ấy năm trôi qua, cụ Lược không rõ có còn viết chữ chăng. Cái thằng mình thì đúng như cụ đoán, phiêu bạt tang bồng, như dòng nước chảy mãi về đông, bao thác bao ghềnh mà chưa thấy bến. Ấy nhưng cũng nhờ thế mà mình được ăn vài thứ ngon.


Năm kia, trong lần thứ n xuống Hải Phòng, mình được cậu Tuấn, nguyên là tay lái xe tải cự phách tuyến Hà Nội - Hải Phòng mời ăn bún cá rô đồng Mỹ Hào. Đấy là một quán nhỏ, dở tỉnh dở quê, trong xếp chừng mươi bộ bàn ghế. Trước quán có cây trứng cá. Bên kia cửa quán, đối diện với cây trứng cá là cô chủ quán chè chén mỏng mày hay hạt. Cách quán khoảng 5 mét có một con bò vàng. Mình toàn lấy con bò làm mốc để tìm quán. Có lần đi ngang không thấy nó đâu đành phải ôm bụng đói xuống tận Hải Phòng ăn tạm bánh mì cay. Khổ!

Dạo này quán đã có địa chỉ. Vả lại, mình chuyển sang lấy cô chủ quán nước làm mốc nên cũng dễ tìm. Phải nói đây là đệ nhất rô đồng danh quán. Bún, cá, nước dùng ở đây vượt xa những quán khác mà mình đã từng ghé qua dọc đường thiên lý.

Rô đồng vốn là giống xương cứng, có lẽ vì ưa nước ngược. ... Tầm tháng 10, tháng 11 chính là khoảng thời gian chúng béo nhất. Ra chợ, chọn những con chừng hai ngón tay, nhìn nghiêng hơi có ánh vàng vì tích được nhiều dưỡng chất. Đừng chọn con to quá, to quá không vừa miếng mà bé quá thì ít thịt. Dứt khoát phải chọn nhưng con còn sống khỏe. Thậm chí có những con hớn hở đến độ dường như chúng còn toét miệng cười đùa với ta. Cá còn sống thì máu vẫn chảy rần rật trong huyết quản, thịt ngọt, thơm và chắc. Chọn cá xong, đưa đẩy với cô hàng đôi câu, nhờ cô ấy đánh vảy thật sạch, làm thật tinh tươm. Mà nhớ, trước khi chọn cá phải chọn cô hàng thật tươi tắn, thật xởi lởi để mua thì về ăn mới ngon. Giao tiếp chân tình và vui tươi chính là gia vị tuyệt hảo của món ăn. Thế rồi ta tung tăng xách cá ra về, thoảng đâu trong gió vẫn còn tiếng cười giòn tan, vẫn còn vương cái đuôi mắt đa tình của cô hàng chợ.

Rửa sạch, luộc chín, vớt ra để ráo nước và da cá hơi se lại. Trong khi chờ đợi, ta lượn ra vườn nhổ lấy ít cải cay, bẻ quả ớt, vơ thêm ít gia vị, đào lấy ánh gừng ... Quay trở vào, khẽ khàng tách lấy thịt cá. Toàn bộ xương, đầu giã ra cùng nửa quả ớt. Nhớ là giã, đừng xay. Xay mịn sẽ khó gạn. Cũng đừng tham nhiều ớt. Nhiều quá sẽ cay, chỉ nửa quả thôi, đủ để xuất hiện vị the the nơi đầu lưỡi. (Nhớ ớt xanh xứ Quảng đến trào nước mắt.) Đun sôi cùng nước luộc cá ban đầu, gạn lấy nước trong để làm nước dùng. Nêm nếm vừa phải.

Phần thịt cá, ta mang trộn chung với gia vị rồi rim lên, sao cho miếng cá se lại, dùng đũa hất nhẹ không gãy. Nếu nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng thì nấu ăn là nghệ thuật của lửa. Đừng để lửa to quá kẻo cá bị rốc, miếng cá cứng mà xác xơ, ăn vừa không ngon vừa mất đi vẻ thanh tao. Lửa liu riu, liu riu, vừa đủ để gia vị thong thả ngấm vào thớ thịt cá bên ngoài.

Trời tháng mười se lạnh, tụ tập dăm ba anh em, đôi chén rượu đàm văn luận ngữ, men rượu ngà ngà, bóng trăng lạnh rèm tre phơ phất, tay bê bát bún rô đồng nóng giãy, thịt cá béo ngậy, nước dùng thanh thanh, nghe thoang thoảng mùi thơm của hành, của thì là, của đất bùn đồng chiêm. Chừng như ... chừng như ... nghe cả tiếng mưa rào đầu hạ, chú rô ron rạch nước sang đồng; tiếng của ta ngày xưa niên thiếu, tay lấm lem vuốt mặt hứng giọt nguồn.

Ôi, cái phong vị đồng quê trào lên da diết.

Khuyến cáo những gã trai có vợ:

- Hãy tự nấu để thể hiện tình yêu với vợ. Còn gì hạnh phúc hơn với chính ta khi nàng hùng hục ăn bún, thỏ thẻ khen ngợi và hừng hực tưởng thưởng cho ta khi lũ bạn đã cắp đít đi về, khi con đã ngủ và ta thì đã đánh răng.
- Hãy tự nấu để chiêm nghiệm thứ triết học đồng quê của lửa và nước, của cá rô và rau cải, của thì là và húng, của âm của dương hòa quyện và thăng hoa.
- Hãy quên đi cô hàng cá có đôi mắt lá răm. Quên ngay tắp lự!


Hàn Giang