Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

4/5/14

Nàng Lolita trong chiếc quần dài

Phạm Bằng Tiến

Cảnh trong phim Lolita
Bản quyền @ Pathé Frères
Vì không có khả năng tham khảo bản dịch tiếng Pháp như Dương Tường hay tiếng Nga như Thiên Lương, lời bàn của tôi về bản dịch của dịch giả Dương Tường và bản dịch của dịch giả Thiên Lương hoàn toàn dựa trên bản tiếng Anh của tác phẩm Lolita do Vladimir Nabokov sáng tác.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ muốn bàn sâu về một đoạn gồm 4 câu. Nguyên tác như sau: “She was Lo, plain Lo, in the morning, standing four feet ten in one sock. She was Lola in slacks. She was Dolly at school. She was Dolores on the dotted line. But in my arms she was always Lolita.”

Thứ nhất, về chữ "plain": Nabokov viết "..., plain Lo, ..." Ai cũng dễ dàng nhận ra "plain" là tính từ bổ nghĩa cho "Lo" - tên người. Tuy nhiên, "plain" được dùng để mô tả điều gì? Cụ Dương Tường hiểu rằng "plain" dùng mô tả đặc tính của danh từ riêng Lo. Vì vậy, cụ hạ bút là "..., ngắn gọn là Lo thôi, ...", ý rằng nàng được gọi ngắn gọn là Lo. Đến lượt mình, Thiên Lương dịch là "..., Lo đơn sơ,..." Mặc dù rất nỗ lực, (và vẫn tự hào khá tiếng Việt) tôi không thể hiểu nổi "đơn sơ" - với vai trò tính từ - mô tả điều gì. Tên Lo [nghe rất] đơn sơ chăng? Ắt không phải. Cô bé Lo đơn sơ? Ồ, không. Căn nhà đơn sơ, bộ bàn ghế đơn sơ thì có nhưng một con người đơn sơ thì chắc chắn không! Ví dụ:
“Nhà lá đơn sơ
Tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh”
Trích Bao giờ trở lại – Hoàng Trung Thông.

Vậy, "plain" là gì? Thưa, "plain" có nhiều nghĩa, bao gồm cả "đơn giản" nhưng nghĩa hợp với văn cảnh nhất phải bao gồm cả hai: “đơn giản” và "không được trang trí/trang điểm, sửa soạn, trau chuốt". Ý rằng, nàng Lolita bé bỏng của chúng ta sáng ngủ dậy ở nhà, váy ngủ xuề xòa, chân mang tất ngủ[1] chiếc còn chiếc mất, son phấn chưa tô, trang sức (nếu có) chưa đeo, mặt vẫn còn nét bình yên khi ngủ. Và ý rằng, tên gọi ở nhà của nàng rất đơn giản. Chỉ một từ này thôi đã cho thấy khả năng dùng từ của Nabokov cực kỳ biến hóa và tinh tế. Đáng tiếc, Dương Tường chỉ lẩy ra được một ý còn Thiên Lương thì không rõ lấy ý nào.

Thứ hai, về chữ “slacks”: Vẫn đoạn trích dẫn trên, tôi cho rằng chúng ta rất dễ dàng nhận ra chủ đích của tác giả là giới thiệu các tên gọi khác nhau của nhân vật nữ chính để rồi nhấn mạnh, kèm theo chút đắc chí, cái biệt danh tha thiết, âu yếm và nồng ấm của một người yêu dành cho một người yêu mà ông đã sáng tạo nên.

Học ngoại ngữ là học một nền văn hóa. Vì vậy, những bạn học các ngôn ngữ thuộc nhóm latin, anglo-saxon hay slav sẽ dễ dàng nhận ra, hay nhớ lại rằng, một người châu Âu nói chung hay một người Anh nói riêng thường có nhiều tên gọi bắt nguồn từ tên chính thức. Ví như Richard, Dick, Dickie, Rich, Richie, Rick, Ricky hoặc Svetlana (Светлана) cho ra các tên phái sinh Sveta (Света), Ceca (Цеца), Lana (Лана). Tương tự, nhân vật nữ của Nabokov có các tên: Dolores, Lola, Lo, Dolly và Lolita. Dùng tên nào trong trường hợp nào đều phải theo quy chuẩn. Vậy, quy chuẩn đó ra làm sao? Nabokov cho chúng ta biết rất rõ.
a - Sáng dậy, khi ở nhà, nàng được gia đình gọi một cách xuề xòa là Lo.
c - Khi đi học, bạn bè trong lớp gọi nàng thân mật là Dolly.
d - Trong văn bản chính thức (có dòng kẻ cơ mà) nàng được gọi bằng tên khai sinh là Dolores - hết sức nghiêm túc.
e - Trong vòng tay người tình - vô cùng âu yếm - nàng được cưng nựng là Lolita.

Trường hợp sót lại (b), ơn Chúa, cụ Dương Tường cẩn trọng diễn giải: “Mặc quần dài trong nhà, em là Lola.” Ô hay, vậy khi mặc quần soóc, hoặc mặc váy, hoặc mini juýp, hoặc áo dài (rất có thể không quần) thì gọi nàng là gì??? Hoặc giả khi nàng tắm, tức là chả mặc gì cả thì phải gọi Francisco Goya về đặt tên cho nàng hay sao?

Dịch giả Thiên Lương phóng bút: “Nàng là Lola mặc quần dài.” Ái chà chà, đoàng một phát, nàng Lola của chúng ta có thêm một biệt danh là “Lola mặc quần dài”. Nghĩa rằng “mặc quần dài” là đặc tính cơ bản, đặc tính nhận diện của Lolita. Về mặt kết cấu ngôn ngữ, nó hệt như kiểu “Anh Tú béo”, “Hà Bò tùng xẻo” hay “William the Conqueror”. Nếu dịch ngược về tiếng Anh, câu này của Thiên Lương dứt khoát sẽ thành: “She was Lola the wearer of the slacks”.

Chick slacks of 70s style
Bản quyền @ 
http://www.vintag.es/

“Slacks” là một từ lạ, ít nhất với người dùng tiếng Anh như một ngoại ngữ (tức là như tôi). Tuy nhiên, slacks không phải là từ đa nghĩa. Từ điển Google trực tuyến giải thích slacks là casual trousers, tức là quần dài [mặc] thông dụng, không phải đồng phục, không phải quần ngủ và càng không phải quần tắm. Dĩ nhiên slacks cũng không phải chỉ để mặc trong nhà như cụ Dương Tường nhầm lẫn. Kết hợp với các trường hợp a, c, d, e mà Nabokov đã miêu tả, chúng ta có thể suy luận một cách logic rằng “Lola” là tên gọi của nàng trong các trường hợp xã giao thông thường, khi nàng mặc bộ thường phục, có thể là váy, có thể là quần dài và áo. “Slacks” lúc này hoàn toàn mang tính biểu tượng và “in slacks” rõ ràng đóng vai trò trạng ngữ chỉ thời điểm, tương ứng với “in the morning, at school, on the dotted line” và “in my arms”. Như vậy, chúng ta có thể kết luận:

a - Sáng dậy, hay rộng hơn là khi ở nhà, nàng được gia đình gọi một cách xuề xòa là Lo.
b - Khi mặc thường phục, nàng được gọi là Lola.
c - Khi đi học, bạn bè trong lớp gọi nàng thân mật là Dolly.
d - Trong văn bản chính thức nàng được gọi bằng tên khai sinh là Dolores.
e - Trong vòng tay người tình - vô cùng âu yếm - nàng được cưng nựng là Lolita.

Thứ ba, về chữ “standing”:
Nabokov: “…, standing four feet ten ....,"
Dương Tường: “…, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, …”
Thiên Lương: “…, đứng cao bốn foot mười inch, …”

“Standing” mà dịch là “đứng/đứng thẳng” thì chả sai vào đâu được. Nhưng. Có bao giờ bạn dùng tiếng Việt để miêu tả chiều cao một con người bằng chữ “đứng” hay “đứng thẳng” chưa? Tuy hoàn toàn cảm tính, tôi dám khẳng định rằng khi miêu tả chiều cao bằng chữ “đứng” ắt là bạn đang còn muốn đề cập đến chiều cao khi “ngồi” nữa. Trường hợp này được cô đọng trong thành ngữ tiếng Việt “ngồi cao hơn đứng” thường dùng để mô tả loài chó – loài vật vô cùng thông minh, trung thành và giàu đạm.

Dĩ nhiên, bản dịch của các dịch giả trên không sai, chỉ là không phải tiếng Việt. Thế thôi. Thế là đủ để buồn cho tiếng Việt rồi. Đúng không?!

Bản dịch của Dương Tường: Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu [3], chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần dài trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly [4]. Trên dòng kẻ chấm, [5] em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.

Bản dịch của Thiên Lương: Nàng là Lo, Lo đơn sơ, vào buổi sáng, đứng cao bốn foot mười inch, đi một chiếc tất. Nàng là Lola mặc quần dài. Nàng là Dolly ở trường học. Nàng là Dolores trên dòng điền tên. Nhưng trong vòng tay tôi, nàng lúc nào cũng là Lolita.





[1] Tất ngủ rất phổ biến ở các nước ôn đới, hàn đới. Thường bán theo lố. Không bó chặt như tất thể thao hoặc tất đi thường ngày vì vậy khá dễ tuột khi ngủ.

0 bình luận :