Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

6/6/14

Hoàn kiếm tước binh quyền


Đêm.

Trăng chênh chếch soi qua song cửa. Người đàn ông trung niên vẫn ngồi lặng lẽ bên bàn viết. Như là từ rất lâu rồi. Ánh sáng của ngọn bạch lạp soi rõ khuôn mặt cương nghị, đôi mày nhíu lại rồi giãn ra. Dường như ông đang suy nghĩ rất lung. Đất nước đã sạch bóng thù nhưng trăm họ qua cơn chiến chinh vẫn còn lầm than. Triều chính còn đấy trăm ngàn mối lo. Ông biết, triều cương chưa yên thì công cuộc kiến thiết quốc gia khó lòng làm nổi. Gương tày liếp của cha con Đinh Tiên hoàng năm xưa hiện rõ trong đầu ông như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Con trai trưởng của ông, Hữu tướng quốc Tư Tề, tuy công lao lừng lẫy, thao lược gồm tài nhưng tính tình nóng nảy lại hơi kiêu ngạo. Nói dại, nhỡ đâu ông có mệnh hệ nào thì Tư Tề liệu có cầm cương được cỗ xe Đại Việt đang còn chệnh choạng? Hoàng tử Nguyên Long thì hẵng còn bé. Các tướng lĩnh như Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn ... cũng đầy công lao hãn mã, binh quyền lại nắm trong tay, ra vào cung cấm vẫn được mang vũ khí. Ông thấy nguy hiểm. Họ thần phục ông. Họ đã từng vì ông, vì trăm họ Đại Việt mà vào sinh ra tử nhưng lòng người khó dò. Mấy ai trên đời vượt qua được sự mê hoặc của quyền lực và danh lợi. Chẳng phải Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn đã lấy ngôi nhà Lê, chẳng phải Lý Sảm đã mất ngôi vào tay anh em Tự Khánh, Thủ Độ đấy sao. Toàn những kẻ nắm binh quyền trong tay, nhân lúc loạn lạc mà đoạt ngôi, tranh vị. Không! Mười năm nếm mật nằm gai mới có được hôm nay. Đất đai là của ông, thần dân là của ông, vương quyền chỉ có thể là của ông. Không thể sơ suất. Đa nghi vốn dĩ là thuộc tính của kẻ làm chúa.

Ông đứng dậy, đi đi lại lại trước bàn viết. Tiếng gà đâu đó trong hoàng thành vẳng lại nhắc ông đêm đã đến canh ba. Ông vẫy tay, sai người gọi Tư Tề sang gặp ông ngay. Hai ngày nữa thủy quân sẽ thao diễn ở hồ Thủy quân. Toàn bộ tướng lĩnh Lam Sơn sẽ tham dự, toàn bộ dân chúng kinh thành sẽ tề tựu để chứng kiến sức mạnh của đoàn quân chiến thắng.

Có tiếng võ phục loạt soạt.

- Áng![1]

- Con vào đây ta có việc cần bàn.

- Thưa, con đã sai người chu toàn mọi việc cho buổi duyệt thủy binh. Áng còn điều chi cần kíp?

- À, không. Con khá biết câu chuyện chén rượu năm xưa của Triệu Khuông Dẫn?

Tư Tề chăm chăm nhìn cha, thoáng rùng mình. Thực ra việc này chàng cũng đã nghĩ nhiều nhưng lòng còn e sợ bị khép vào tội bất nghĩa nên chưa dám bẩm báo. Tuy chàng và nhà vua là tình cha con nhưng các tướng lĩnh nghĩa quân đối với cha con chàng ân nghĩa tày non. Mười năm kề vai sát cánh, chàng chưa thấy cha có điều chi không hài lòng về họ. Giờ cha đã nói thế này có lẽ ý ông đã quyết, chỉ là cần bàn thêm về mưu kế thực thi. Làm không khéo e lại đẩy trăm họ vào cảnh nồi da xáo thịt. Xét cho cùng, ngôi vị đế vương kia, một mai cũng là của chàng.

Tư Tề khẽ gật đầu với cha rồi quay người lệnh cho lính hầu lui ra ngoài. Chàng tự mình cẩn thận khép cửa. Tiếng sấm từ xa nổi lên ầm ì. Có lẽ trời sắp dông.

***

Tranh minh họa của tựa game Thuận Thiên kiếm
Mặt trời đã lên độ chừng một con sào. Cả không gian ánh vàng như mật. Mới đầu hạ nên tiết trời hẵng còn mát mẻ. Nước hồ Thủy quân dềnh lên, chung quanh hồ cờ xí tở mở, chiêng trống rộn ràng. Trên hồ, chiến thuyền xếp dài ngút mắt. Đức vua lẫm liệt đứng trên lâu thuyền, tấm chiến bào nhẹ bay trong gió. Sau lưng ông là khoảng trên chục viên văn quan võ tướng đầu triều. Tất cả đều nai nịt gọn gàng, kiếm đeo trễ bên hông. Cạnh ông, hơi lùi sau một chút là Tư Tề. Nét mặt căng thẳng.

Mặt nước hồ hơi xao động. Đúng lúc buổi diễu binh sắp bắt đầu, trăm quan đang quỳ xuống tung hô thì bỗng tiếng Tư Tề vang lên:

- Cẩn tấu Đức Hoàng thượng! Thần Kim Quy hiển linh!

Chưa ai kịp định thần thì thanh kiếm Thuận Thiên lừng lẫy đã từ tay nhà vua bay xuống mặt hồ.

- Giặc đã tan. Kiếm lệnh từ nay xin hoàn!

Dứt lời, Đức vua Thuận Thiên quỳ phục xuống, dập đầu tạ ơn thần Kim Quy. Quan văn, tướng võ nhìn nhau ngơ ngác. Viên Tả kim ngô vệ Đại tướng quân Phạm Vấn hô lớn:

- Đức Hoàng thượng muôn năm!

- Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!

Tiếng hô vang vọng kéo dài suốt mặt hồ. Tư khấu Lê Sát tiến lên vài bước, quỳ xuống, hai tay nâng thanh kiếm trận lên quá đầu.

- Cẩn tấu Đức Hoàng thượng! Đất nước đã thanh bình. Kẻ tôi tớ này vui mừng vì không còn cần phải xông pha trận mạc. Từ nay, tôi xin được trả lại kiếm trận, trả lại quyền điều động quân đội để rảnh rang giúp Đức Hoàng thượng kiến thiết nước nhà. Cẩn xin Đức Hoàng thượng chuẩn tấu!

- Tư Tề thay ta nhận kiếm. Quan Tư khấu đứng dậy đi.

Không ai bảo ai, lần lượt Đại tướng quân Phạm Vấn, Thái bảo Phạm Văn Xảo, Tư mã Lê Ngân, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú v.v đều tháo gươm dâng trả ngay tại lâu thuyền. Tư Tề chuyên chú vào việc nhận kiếm và xếp thành một hàng trên chiếc kệ vừa được hai chú lính bê từ trong khoang ra. Không ai nhận ra Lê Sát lúc bấy giờ lùi lại sau, liên tục liếc trộm Tư Tề, ánh mắt đầy dò xét.

Ba ngày sau, nhà thuyền chài họ Mạc bắt gặp một con rùa lớn, dài đến bốn, năm thước ta nổi lên giữa hồ. Tin truyền vào cung, Tư Tề chỉ tủm tỉm cười, lẳng lặng thưởng thêm cho viên gia tướng thân tín hai mươi nén bạc. Lê Sát cũng nghe chuyện vào lúc tan buổi chầu. Mặt thoáng chút hồ nghi nhưng lại ngay lập tức nói nói cười cười, rằng vận nước chắc đang hồi hưng vượng nên thần Kim Quy mới hiện thân phò hộ.

Buổi chầu kế tiếp, Khu mật Viện chính thức công bố sắc lệnh của nhà vua về việc cấm võ tướng mang vũ khí vào triều đồng thời thu hồi các lệnh phù điều động quân đội.

Đầu năm Kỷ Dậu (1429), Trần Nguyên Hãn trẫm mình ở bến Sơn Đông.

Tháng … năm … Phạm Văn Xảo bị bức tử trong nhà lao.

Tháng … năm … Nguyễn Chích bị bãi chức.

Tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Tư Tề bị tước bỏ ngôi vị Thái tử, giáng xuống làm Quận vương.

Cuối tháng đó, Đại tư đồ Lê Sát nhận di chiếu, phò Thái tử Nguyên Long 11 tuổi lên ngôi.

Mùa đông, tháng Một[2] năm Thuận Thiên thứ tư, Nguyễn Trãi chép chuyện Đức vua trả gươm cho thần Kim Quy vào sách Lam Sơn thực lục[3]. Cũng từ đó, câu chuyện trả gươm chính thức trở thành huyền thoại có thật.

Hàn Giang





[1] Tiếng gọi cha trong ngôn ngữ Việt cổ.
[2] Xưa, năm âm lịch được tính từ tháng giữa mùa đông; bắt đầu từ Một, Chạp, Giêng, Hai … cho đến tháng Mười là tháng cuối năm.
[3] Theo dịch giả Bảo Thần tại bản dịch Lam Sơn thực lục do NXB Tân Việt ấn hành năm 1956 (in lần thứ ba) thì câu chuyện trả gươm được thêm vào từ lần biên soạn, chỉnh lý năm Vĩnh Trị thứ nhất dưới thời vua Lê Hy tông.


Cách xưng hô của người Việt thế kỷ 15-18



Đây là một chứng cứ khẳng định tính độc lập của tiếng Việt và người Việt trong mối quan hệ với tiếng Hán và người Hán. Bài này đã lưu hành trên mạng thông tin toàn cầu từ rất lâu rồi nhưng Chuyện phố xin được chép lại và lưu giữ để tiện việc học tập, nghiên cứu.


Ðời xưa, đặc biệt từ thế kỷ 17-18 trở về trước, người Việt Nam xưng hô với nhau như thế nào, hiện giờ còn là một vấn đề chưa được nghiên cứu, chưa được biết rõ. Có lẽ chính vì vậy mà trong các tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, phim lịch sử của chúng ta ngày nay... các nhân vật khi đối thoại với nhau, họ xưng hô rất tùy tiện theo chủ quan của nhà văn, nhà biên kịch với những ngôn ngữ không mang dấu ấn lịch sử, dấu ấn dân tộc.

Ðã có không ít bạn bè bảo tôi thử tìm hiểu xem ông bà ta ba, bốn trăm năm trước, khi nói chuyện, trao đổi qua thư từ..., các cụ xưng hô với nhau như thế nào. Và tôi đã thử làm công việc này bằng cách đọc một số tác phẩm Nôm cổ thế kỷ 15, 16 và 17, 18, rồi nhặt ra những từ xưng hô ở các đoạn văn đối thoại trong những tác phẩm Nôm cổ đó. Kết quả hết sức thú vị, vì số lượng từ xưng hô của người xưa rất phong phú. Có những từ xưng hô thời xưa, nay đã mất hẳn trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại, nhưng cũng có những từ bây giờ vẫn dùng, song với nghĩa đã thay đổi. Phương pháp tôi làm để khôi phục những từ xưng hô thời cổ ở nước ta, rất đơn giản, và bảo đảm chính xác, bởi vì chữ Nôm là chữ để ghi tiếng: nói như thế nào, ghi lại đúng như thế. Những tác phẩm Nôm cổ tôi sử dụng ở đây, chủ yếu là các cuốn: "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Nôm thế kỷ 15) do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ giới thiệu, khảo cứu, phiên âm chú giải[1]. Cuốn Tân biên truyện kỳ mạn lục, Tác phẩm Nôm thế kỷ 16, của Nguyễn Thế Nghi, do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hồng Cẩm phiên âm, chú thích[2]. Và một số văn bản Nôm thế kỷ 18 trong sách Ðại Việt quốc thư, trong cuốn Gia phả họ Ðỗ ở Ðông Ngạc (Kẻ Vẽ), Từ Liêm, Hà Nội.

Dưới đây là những từ xưng hô phổ biến trong giao tiếp của người Việt Nam (vùng đồng bằng Bắc Bộ) ở các thế kỷ 15, 16, 17, 18:

- Cha gọi là áng, Bác (là chú, bác như ngôn ngữ hiện đại). Mẹ (như ngôn ngữ hiện nay), nhưng mẹ còn gọi là nạ. Tôi, ta gọi là min, là mỗ, giáp. Nó, hắn gọi là nghĩ. Chúng bay gọi là phô bay. Chúng tôi, chúng ta gọi là phô min giáp. Tôi, tao, mày. Ta. Vợ. Bà phu nhân. Ngươi. Mi, chúng mi. Thiếp, chàng. Tiên sinh. Vua gọi là Ðức hoàng thượng. Chúa gọi là Ðức bề trên...

Qua những từ vừa thống kê trên chúng ta thấy đó là những từ xưng hô phổ biến của người Việt Nam thời cổ trong các tầng lớp xã hội từ vua, chúa, quý tộc đến dân thường, bao gồm các loại đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất (số ít, số nhiều), ngôi thứ hai (số ít, số nhiều), ngôi thứ ba (số ít, số nhiều).

Như ở phần trên chúng tôi có nói, nhiều từ xưng hô phổ biến ở thế kỷ 15-16, nhưng ngày nay chúng đã biến khỏi đời sống ngôn ngữ mà chỉ tồn tại trong các văn bản Nôm cổ, người đọc muốn hiểu nghĩa thì phải nhờ lời chú giải của các nhà khoa học chuyên về văn tự cổ. Thí dụ, người Việt Nam ở thế kỷ 15-16 nói: "Chẳng biết ơn áng nạ" (Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh). Nhờ chú giải của các nhà khoa học, độc giả ngày nay biết áng nạ là cha mẹ. Và câu trên được diễn giải là "Chẳng biết ơn cha mẹ". Hoặc đại từ nhân xưng tôi, ta, người thế kỷ 15-16 gọi là min, mỗ, giáp. Ngày nay từ min, từ giáp đã chết. Từ mỗ vẫn còn gặp trong ngôn ngữ đời sống. (Chẳng hạn, đôi khi trong chúng ta vẫn có người nói "Mỗ không thích uống rượu...")

Nếu thống kê những từ cổ xưng hô của người Việt Nam thế kỷ 15-18 rồi đối chiếu với những từ xưng hô trong giao tiếp ngày nay, chúng ta không thấy số từ người Việt Nam từng xưng hô với nhau ba, bốn thế kỷ trước vẫn đang có mặt trong đời sống ngôn ngữ hiện tại chiếm một tỷ lệ khá nhiều và các nhà văn, các tác giả phim truyện, kịch bản viết về lịch sử có thể khai thác, sử dụng một cách khá thoải mái. Thí dụ các từ xưng hô tao, mày, ta, ngươi, mi, chúng mi, thiếp, chàng, đứa kia, tiên sinh...

Tôi xin giới thiệu vài tư liệu cổ nói về cách xưng hô của một quan đại thần với vua Lê, chúa Trịnh thế kỷ 18 và cách xưng hô giữa Ngô Văn Sở với Ngô Thì Nhậm, hai nhân vật trụ cột của vua Quang Trung.

1. Trong cuốn Gia phả họ Ðỗ ở Ðông Ngạc có ghi lại một số bài khải viết bằng chữ Nôm của Ðỗ Thế Giai (một đại thần) dâng lên vua Lê chúa Trịnh và Ðặng Thị Huệ. Trong đó Ðỗ Thế Giai xưng là tôi và gọi vua Lê chúa Trịnh là Ðức bề trên gọi Ðặng Thị Huệ là Ðức chính phi.

Mỗi lần vua Lê, hoặc chúa Trịnh hỏi Ðỗ Thế Giai về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy, về đạo trị dân... trong các tờ khải điều trần của mình, bao giờ Ðỗ Thế Giai cũng mở đầu bằng câu: "Tôi cẩn khải vâng lậy Ðức bề trên..."

Khi Trịnh Sâm muốn cho Ðặng Thị Huệ (được phong tuyên phi) tham dự chính sự thì Ðỗ Thế Giai đã gửi tờ khải cho Ðặng Thị Huệ đạ can ngăn. Mở đầu tờ khải, Ðỗ Thế Giai viết: "Tôi cẩn khải vâng lậy Ðức chính phi muôn muôn năm..."

2. Trong một bức thư Ngô Văn Sở gửi Ngô Thì Nhậm, viết bằng chữ Nôm, đoạn mở đầu:

"Quan Ðại đô đốc tước Chấn quận công[3], kính gửi đến quan lại bộ Tả thị lang là tước hầu Tình phái[4] rõ: từ khi thiểm chức về triều vong hầu nhà vua, như việc sứ ở nội địa[5], nhiều giấy tờ đưa đi, đưa lại, hiền hầu đã tâu bẩm ngày trước, thời thiểm chức đã tâu về Ðức hoàng thượng[6] ngự lãm rồi...".

Rõ ràng qua những tư liệu như thế này, chúng ta biết chính xác cách xưng hô giữa vua, chúa, quan lại với nhau hồi thế kỷ 18. Ðó là nguồn tài liệu quý giá để chúng ta khai thác, sử dụng, khôi phục hệ thống ngôn ngữ giao tiếp của người xưa - ít nhất là trong các tác phẩm về đề tài lịch sử trên sân khấu, điện ảnh...

Theo Tạ Ngọc Liễn - Văn nghệ trẻ



[1] Nxb Khoa học xã hội, 1999.
[2] Nxb Văn hóa Dân tộc, 2000.
[3] Tức Ngô Văn Sở.
[4] Tức Ngô Thì Nhậm.
[5] Chỉ nước China
[6] Chỉ Quang Trung.


4/6/14

Rượu Sán Lùng


Sán Lùng cạn mãi không say,
Đầy vơi nỗi nhớ những ngày không em.
Một rằng quên.
Hai rằng quên.
Rượu đà trơ đáy mùi men vẫn còn.
Uống rượu ở chợ phiên Đồng Văn
Ảnh: Jeff Phạm
Ai thế nào không rõ, riêng Jeff thích uống Sán Lùng (1) ướp lạnh trong ly cao có chân, miệng ly hơi khum vào trong. Tay cầm chân ly, ngón trỏ hơi tỳ nhẹ lên đáy ly (riêng chị em thì cong ngón út lên tí cho duyên) để hơi ấm ở bàn tay không làm mất độ lạnh của rượu. Trước khi uống, nghiêng ly về phía ánh nến để cảm nhận sự trong vắt, tinh khiết của rượu; một sự thanh khiết mang dáng vẻ thanh tân của gái đồng trinh. Thảng hoặc rượu ánh lên chút xanh dịu nhẹ của cốm, biêng biếc như mắt con gái khi ngắm sương mai đọng hờ hững trên đóa hồng hàm tiếu. Thong thả đưa chén kề môi, lắng lòng thưởng thức hương thơm tinh khiết, thoảng qua như sương, như khói mà cuốn hút, nồng nàn như đắm, như say.

Rượu Sán Lùng vị ngọt dịu và hơi ngậy. Uống vào cảm giác bừng lên ngây ngất; tim đập rộn lên những nhịp nồng nàn, chân thật. Sán Lùng dùng để đối ẩm với bằng hữu thì tình bạn thêm bền chặt; đối ẩm với hồng nhan tri kỷ thì tình yêu thêm thăng hoa. Độc ẩm thì nhớ càng thêm dày, thì kỷ niệm đắng cay cũng thành hoài niệm ngọt ngào.

(1) Xã Sán Lùng thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai - là nơi có thứ rượu ngon nổi tiếng. Nếu như các loại rượu khác đều cất từ gạo, ngô hoặc sắn nấu chín và ủ men thì rượu Sán Lùng được ủ và cất theo một quy trình độc đáo và công phu.

Nguyên liệu là thóc mẩy đều hạt, đem ủ cho nảy mầm, lúc đó tinh bột được chuyển hóa thành đường ở mức cao nhất. Người Dao đỏ đem thóc nảy mầm cho vào chõ đồ chín, tãi ra nong cho nguội, tới nhiệt độ thích hợp mới trộn đều với men, rồi ủ từ năm tới sáu ngày, khi tỏa mùi thơm thì đem cất rượu. Dù quy trình, nguyên liệu như vậy nhưng nếu nấu ở nơi khác, rượu sẽ không ngon bằng ở Sán Lùng. Bởi ngoài những bí quyết truyền đời, có lẽ nguồn nước và tiểu vùng khí hậu là những yếu tố không thể thay thế được đã tạo ra hương vị đặc biệt của rượu Sán Lùng.

Viết sau khi đối ẩm với Trần Nam Ngạn ở một quán rượu đâu đó ở phố Ấu Triệu từ hàng tỷ năm trước. Mới nghe tin bạn trở thành người gìn giữ hòa bình cho thế giới, chúc bạn thành công!

Jeff Phạm


Rượu


Theo truyền thuyết và ghi chép lịch sử của Trung Quốc, Đỗ Khang hay còn gọi Thiếu Khang, là quốc vương thứ năm của triều nhà Hạ.

Phù điêu mô tả người Cơ tu uống rượu cần
Ảnh: Dân trí
Tương truyền, vào khoảng vương triều thứ tư, triều nhà Hạ xảy ra chính biến, tranh giành chém giết lẫn nhau. Khi đó hoàng hậu của quốc vương đương triều đang mang thai đã phải trốn chạy về quê mẹ đẻ và sinh hạ được một cậu con trai. Vì mong muốn cậu bé giỏi giang như ông nội Trọng Khang, nên bà đã đặt tên cho con là Tiểu Khang.

Thuở nhỏ Tiểu Khang sống với nghề chăn thả gia súc, cơm mang theo thường treo lên cành cây, nhiều khi quên ăn. Một vài ngày sau, Tiểu Khang phát hiện túi cơm đã biến mùi, chảy ra những giọt nước trong vắt, ngọt ngào, thơm ngát. Điều đó đã gây hứng thú cho cậu bé. Qua nhiều lần tìm tòi nghiên cứu, cuối cùng cậu đã phát hiện ra nguyên lý lên men, sau đó từng bước mô phỏng, cải tiến để rồi tìm ra một công nghệ ủ và nấu rượu hoàn chỉnh. Từ đó Đỗ Khang được coi là ông tổ của nghề nấu rượu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên dân gian cũng có một câu chuyện vui về việc tìm ra rượu và thưởng thức rượu như sau:

Thứ nước uống do Đỗ Khang mới đầu tìm ra chỉ là một loại nước giải khát thông thường, như Coca Cola hay 7Up của chúng ta hiện nay, không có chất cồn gây cảm giác lâng lâng hay say sưa sau khi uống. Đỗ Khang ngày đêm suy nghĩ, mong muốn cải tiến. Một hôm trong lúc ngủ, có một vị thần hiện về bảo với Đỗ Khang rằng, trong ba ngày tới, mỗi ngày vào giờ Dậu hãy ra cổng thành phía Tây xin một giọt máu của người gặp đầu tiên, sau đó về pha vào thứ nước uống kia sẽ được hiệu quả như ý. Đỗ Khang bèn làm theo. Ngày đầu tiên ngay đầu giờ Dậu ông đã gặp được một thi sĩ, xin được một giọt máu của ông ta. Ngày hôm sau ra chỗ cũ ngồi đợi, quá nửa giờ Dậu mới gặp một tráng sĩ và anh ta cũng vui vẻ cho Đỗ Khang một giọt máu. Ngày thứ ba, đợi mãi đợi mãi, gần hết giờ Dậu vẫn không thấy bóng dáng một ai. Mãi đến cuối giờ Dậu xuất hiện một tên lưu manh, không còn cách nào khác, Đỗ Khang phải xin hắn một giọt máu.

Đã có đủ ba giọt máu xin đúng giờ Dậu, Đỗ Khang pha vào món nước kia uống thử, hiệu quả thật tuyệt vời. Đó cũng chính là thứ rượu mà chúng ta uống hiện nay. Vì vậy trong tiếng Hán, chữ “tửu - rượu” () được cấu tạo gồm bộ chấm thuỷ (3 giọt máu) và chữ dậu (giờ Dậu) đứng sau.

Tửu - Trương Khắc Tư viết
Thú vị hơn là chuyện uống rượu. Khi mới uống, vài ba chén ban đầu chính là chúng ta uống giọt máu của thi sĩ, vậy nên ai cũng ăn nói rất hoa mỹ, bay bướm, giàu ý thơ. Tiếp theo chúng ta uống giọt máu của tráng sĩ, đến lúc này sức khoẻ dường như vô biên, ai mời cũng uống, liên tục “dzô dzô” rồi “trăm phần trăm”. Cuối cùng là giọt máu của kẻ lưu manh, uống xong say xỉn phá phách, làm những điều bậy bạ, vi phạm thuần phong mỹ tục hay phạm pháp cũng là do uống đến giọt máu của kẻ lưu manh này.

Đàn ông Hmoong và rượu ngô
Ảnh: Jeff Phạm
Vậy nên uống rượu ngày nay, không được giống như các thi sĩ ngày xưa “bầu rượu túi thơ, uống xong “xuất khẩu thành chương”, nhưng cũng cố gắng giữ mình chỉ uống hết “giọt máu thứ nhất”. Quá lắm mới uống đến “giọt máu thứ hai” là cũng đỡ tốn tiền hại sức khoẻ rồi. Đừng uống đến “giọt máu thứ ba” mà không giữ được chính mình.

Chuyện phố xin tặng quý vị danh mục các loại vang dùng với hải sản.



 Ngọc Khanh

3/6/14

Chỉ tại con chó


Giám đốc Tống chủ trì tất cả mọi công việc trong sở, chuyện gì không có ông gật đầu thì không thể xuôi được. Mỗi năm vào dịp lễ tết, nhân viên cấp dưới, đối tác làm ăn đến tặng quà đông nườm nượp. Nhưng bỗng dưng tết năm nay không thấy bóng dáng một ai, giám đốc Tống cảm thấy rất khó hiểu.

Ngày đầu tiên sau năm mới đi khai xuân, trưởng phòng Lưu của một đơn vị cấp dưới là người đầu tiên đến văn phòng giám đốc Tống. Vừa bước vào phòng đã tự kiểm điểm rằng, Tết năm nay bận tối cả mắt, không có thời gian thân chinh đến nhà giám đốc chúc Tết, vậy nên hôm nay đến đây tạ lỗi, vừa nói vừa dúi vào tay giám đốc một chiếc phong bì. Giám đốc đang định nói câu cám ơn cho phải phép thì lại có khách đẩy cửa bước vào, vô tình nhìn thấy cảnh này. Giám đốc Tống đành nghiêm mặt nói: “Sao cậu lại dám làm cái trò này? Thế này là hại tôi đấy. Định đẩy tôi vào con đường tham ô hối lộ à?”. Câu nói làm trưởng phòng Lưu ngượng chín cả mặt.

Một lát sau vài người nữa lục tục kéo vào phòng giám đốc, cũng đưa phong bì, cũng nói lý do như trưởng phòng Lưu, nhưng ai mà dám nhận nữa. Tuy nhiên trong lòng giám đốc Tống thấy bực mình, chỉ muốn mắng: “Lũ ngu, sao không đến nhà mình? Bận không có thời gian à, ma nào tin được”.

Về đến nhà, giám đốc kể lại chuyện này cho vợ nghe và vợ cũng thấy bực mình lây. Phân tích tình hình, giám đốc Tống cũng thấy nghi hoặc: Trước Tết nghe phong thanh, năm nay cấp trên có đợt điều chỉnh với lãnh đạo một số cơ quan, chẳng lẽ mình nằm trong số đó? Cậu Lưu và một số tay nữa rành thông tin lắm, có khi chúng biết trước chuyện này rồi, cái trò đến văn phòng cơ quan đưa phong bì chỉ là giả vờ giả vịt thôi.

Giám đốc Tống liền bắt vợ đến nhà một lãnh đạo cấp trên nghe ngóng tình hình. Vợ vội vàng đi ngay, không lâu sau trở về mừng rỡ nói: Hoàn toàn không có chuyện đó, cái ghế giám đốc sở của ông vẫn vững chãi. Lúc đó giám đốc Tống mới thở phào nhẹ nhõm.

Vài ngày sau đến khảo sát công tác tại đơn vị cậu Lưu. Chiêu đãi bữa trưa, giám đốc và cậu Lưu đều uống hơi quá chén, hai người dìu nhau vào phòng trong nghỉ ngơi. Giám đốc Tống rượu nhiều nhưng đầu óc tỉnh táo, miệng giả vờ lè nhè hỏi: “Cậu … Lưu này … chúng ta … quan hệ … cũng đâu đến nỗi … sao lâu nay … không thấy đến nhà chơi?”. Trưởng phòng Lưu thở dài nói: “Anh Tống … anh tưởng em không muốn sao … nhưng chỉ tại … con chó.”

Chó nào nhỉ? Về nhà giám đốc Tống nghĩ lại mới chợt nhớ ra, cậu Lý ở tầng một có nuôi một con chó rất to. Kể cũng lạ, con chó ấy ban ngày nằm lì trong nhà, nhưng cứ ban đêm lại chui ra phục ở cửa cầu thang. Thử nghĩ xem, đến nhà giám đốc chơi, dù sao cũng không phải là quang minh chính đại, vậy nên thấy con chó to tướng phục đấy thì ai mà dám lên tầng nữa? Giám đốc Tống rủa thầm: Cái thằng cha Lý đáng ghét này, chặn đứt con đường tài lộc của mình.

Thật ra cậu Lý ấy cũng đáng thương, sau khi cưới không được phân nhà, đành phải thu dọn cái buồng xép tầng một ấy làm nơi hai vợ chồng chui ra chui vào. Chỗ đó vừa tối tăm, vừa ẩm mốc, chuột bọ lại nhiều, đúng là khó mà chịu nổi. Sở đã mấy lần chia nhà mới, nhưng chẳng đến lượt cậu ta. Cũng tại cái cậu này ki bo, nếu chịu khó đến nhà giám đốc Tống thì đã chẳng đến nỗi ấy.

Giám đốc Tống lập tức tìm gặp cậu Lý, bắt xử lý ngay con chó, nhà tập thể cơ quan ai cho phép nuôi chó? Nhưng cậu Lý nói, nuôi chó có giấy phép đàng hoàng, hoàn toàn hợp pháp. Giám đốc đành chịu. Vài ngày sau, giám đốc bèn chỉ đạo các phòng ban liên quan gấp rút điều chỉnh cho cậu Lý một căn hộ hai phòng, rốt cục coi như đã tống khứ được “ôn dịch” chặn đường tài lộc của mình.

Giám đốc Tống nào ngờ, hôm chuyển nhà, vợ cậu Lý mặt mày hớn hở nói với chồng: “Mai trả con chó cho người  ta đi, nhà được phân rồi, không cần thiết phải nuôi nữa. Hi… hi, chiêu của anh đúng là tuyệt thật.”

Tác giả: Từ Ngạn
Dịch giả: Ngọc Khanh
Nguồn: Tiểu thuyết mini – Trung Quốc; Số 1-2001

2/6/14

Tình địch


Tôi và Thọ lấy nhau đã được ba năm. Tôi không bao giờ nghi ngờ tình yêu anh ấy dành cho tôi. Tôi xinh đẹp, có năng lực, học vấn ngang chồng, tiền lương cũng chẳng kém gì anh ấy. Lấy được người như tôi có lẽ là phúc ba đời của nhà chồng.

Đánh ghen (Tranh dân gian)
Hôm đó mấy chị em đã có chồng ở cơ quan tôi đang thảo luận xem cách nào giữ chồng hay nhất. Khi mọi người hỏi đến tôi, tôi nói mình không để ý đến chuyện đó, nếu nói chuyện ngoại tình thì tỷ lệ của tôi cao gấp chồng 100 lần.

Nhưng tôi không ngờ một người đầy tự tin về hôn nhân như tôi lại chịu một trận thất bại ê chề trong “cuộc chiến tình cảm”…

Đó là một ngày của vài tuần sau buổi thảo luận tại cơ quan, Thọ đi công tác. Buổi tối, sau một ngày công việc mệt mỏi, tôi theo thói quen lên mạng xem tin tức. Cũng có thể do hiếu kỳ, cũng có thể vì muốn chứng thực sự chung thủy của Thọ đối với mình, tôi đột nhiên nảy ra ý nghĩ vào hòm thư của anh ấy xem sao. Tôi tự hứa với mình: Chỉ thử ba mật mã, nếu không vào được thì thôi. Không ngờ tôi mới thử lần thứ hai đã được. Thọ dùng ngày tháng năm sinh của tôi làm mật mã, xem ra anh ấy vẫn yêu mình nhất. Tôi thầm đắc ý.

Tuy nhiên, có hai bức thư trong đó đã làm tôi ngây người, đó là thư của một người con gái ký tên: Cầm. Thư rất ngắn, lời lẽ rất dịu dàng: “Thọ, đừng thức đêm nữa. Thọ, em nhớ anh…”. Tôi bỗng nhiên nhớ ra rằng, những lời lẽ yêu thương đơn giản mà mộc mạc này đã từ lâu tôi không thì thầm bên tai chồng nữa.

Tôi nằm xoài ra giường, khóc nức nở, bởi vì tôi không dự tính trước sẽ xảy ra cảnh này. Làm sao bây giờ? Cuối cùng tôi gửi một bức thư theo địa chỉ email đó, nội dung là: Tôi là vợ của Thọ, nếu có thể chúng ta hãy nói chuyện với nhau.

Tôi muốn xem cô gái  kia xinh đẹp hay là thướt tha yêu kiều đến mức nào mà quyến rũ  được chồng tôi.

Tôi và Cầm hẹn gặp nhau ở một quán cà phê. Tôi thấy hơi thấp thỏm, hối hận vì không gọi thêm mấy chị em nữa đến cho an toàn.

Cầm đến rất đúng giờ. Tôi ngắm nghía kẻ tình địch chưa hề quen biết: Váy liền quần màu trắng, dáng không cao, trông không xinh nhưng rất thanh thoát, gương mặt tươi cười, nhìn biết ngay là một cô gái hiền tính.

“Về chuyện của Thọ, tôi muốn chúng ta nói chuyện thẳng thắn”. Tôi đi thẳng vào vấn đề.

Cầm cúi đầu, rất lâu sau mới nói câu: Xin lỗi. Tiếp sau đó cô bắt đầu thuật lại quá trình quen biết của hai người.

Hóa ra Cầm và Thọ là đồng nghiệp với nhau. Trong một buổi lễ mừng công của cơ quan, hai người vô tình ngồi gần nhau. Hôm đó Thọ bị ho rất nặng, rất may Cầm lại biết một loại thuốc đặc hiệu chữa ho, liền giới thiệu cho Thọ. Sau buổi liên hoan, hai người lại về cùng đường và thế là có cơ hội chuyện trò tâm sự. Qua câu chuyện được biết, chồng Cầm bệnh mất hai năm trước, hai người chưa có con, hiện đang ở một mình. Thọ cũng được biết thêm, bình nóng lạnh nhà Cầm hỏng mấy hôm nay, tiện đường nên anh nhiệt tình đề nghị sửa giúp.

“Anh ấy giỏi lắm, chỉ loáng một cái là sửa xong”, Cầm khen Thọ đầy hào hứng, cứ như khen chính chồng mình vậy. Thực sự Thọ là người rất khéo tay, thứ gì trong nhà bị hỏng anh cũng có thể sửa được, nhưng tôi lại luôn cho rằng đây là những việc tất yếu chồng phải làm, không bao giờ nghĩ đến chuyện dành cho anh ấy một lời khen. Tôi quên mất rằng, đàn ông cũng cần khen như trẻ con vậy.

Cầm còn kể, khi nhìn thấy chậu hoa, cây cảnh của cô bày khắp nhà, mắt Thọ sáng lên. Thực ra Thọ rất thích trồng cỏ cây hoa lá, nhưng luôn bị tôi chê là vô công rồi nghề.
Từ sau đó, quan hệ giữa hai người cũng thân thiết hơn.

“Tôi không xinh đẹp, cũng không giỏi giang bằng chị. Tôi chỉ muốn làm một người con gái bình thường”.

Nghe xong trình bày của Cầm, tôi không hề cảm thấy giận, cứ như nghe chuyện của người khác, phải hồi lâu mới định thần lại, nhân vật chính trong câu chuyện là chồng mình.

Chia tay với Cầm, trời đã tối. Tôi không trở về nhà ngay mà tạt vào vườn hoa trong khu chung cư ngồi tự vấn. Tôi suy nghĩ rất lâu và bắt đầu hiểu được tại sao một người con gái bình thường như Cầm lại giành được tình yêu của Thọ, thậm chí là cảm tình của tôi. Khác với tôi, cô ấy không bao giờ lên giọng dạy bảo, không đòi hỏi này nọ, ngược lại luôn nhẹ nhàng dịu dàng, quan tâm ân cần. Giữa cô ấy và chồng tôi còn có chung một sở thích, đó là mong muốn một cuộc sống gia đình đầm ấm và chăm chút đến những góc sâu tình cảm của nhau.

Một tình địch như vậy, hỏi rằng tôi sao có thể thắng được.

Dịch giả: Ngọc Khanh
Nguồn: Truyện ngắn Trung Quốc

31/5/14

Trư Bát Giới chạy chức



Sau khi đi Tây Thiên lấy kinh về, được cất nhắc giữ chức Trưởng phòng Hậu cần, Bát Giới vô cùng đắc ý, chỉ riêng tiệc ăn mừng cũng đã mất mười mấy mâm. Trong bữa tiệc, ông chủ Hồ li sau khi nâng cốc chúc mừng, hỏi Bát Giới: Cái chức Trưởng phòng của bác xếp vào cán bộ nhóm mấy? Bát Giới ấp úng, chống chế: Nhóm mấy thì chưa được trên duyệt. Ông chủ Hồ li ghé tai nói thầm: Thế thì mau chạy đi, không quà cáp thì dậm chân tại chỗ thôi.

Nghe vậy Bát Giới choàng tỉnh. Đúng là mấy ngày hôm nay cứ mải vui, quên béng mất chuyện quan trọng thế này. Thứ bậc của cửa Phật rất nghiêm ngặt, chẳng biết từ đời nào đã quy định vậy rồi. Anh thuộc cán bộ nhóm nào thì được hưởng đãi ngộ theo nhóm đó, bất kể là gánh hàng dắt ngựa hay hàng yêu phục quái, nếu không có một thứ bậc nhất định thì coi như làm uổng công. Hơn nữa, Bát Giới mà không có cái thứ bậc ra hồn một chút thì cái bụng phệ này sao còn bệ vệ được.

Bát Giới liền đi tìm Mộc Tra. Vị này là thư ký của Quan Âm Bồ Tát, là chỗ anh em thân tình với Bát Giới. Bát Giới đem hết tâm sự nói với Mộc Tra và xin được tham mưu. Chuyện này có thể nói là đã quá đơn giản đối với Mộc Tra, bởi vì việc đề bạt trong cửa Phật đều qua tay ông ta, trình tự đánh giá cán bộ, tốt xấu đều do Mộc Tra phán hết, ai dám nói là mình không có tỳ vết? Bát Giới thấy rõ mặt này của ông ta, vì thế không tiếc đầu tư vào đó. Mộc Tra nói với Bát Giới: Việc này phải bảo cấp trên của anh là Đường Tăng viết một cái đơn gửi lên. Sau khi đơn đến tay tôi, quan trọng nhất là phải lo “bôi trơn” chỗ Quan Âm Bồ Tát, đồng thời cũng phải đấm bóp cho Hồng Hài Nhi và Hắc Hùng tinh một tý, để bọn họ phụ họa nhất trí trong hội nghị, chí ít thì cũng không có ý kiến phản đối. Riêng chỗ tôi đây thì cứ yên tâm đi.

Bát Giới nói: Xin anh quan tâm chiếu cố, mọi việc đều nghe theo anh, công việc xong nhất định sẽ hậu tạ.

Bát Giới đến gặp Đường Tăng nói, cái chức Trưởng phòng của con mà không xếp nhóm cán bộ thì khó triển khai công việc, vậy nên mong sư phụ viết cho cái công văn, xin cấp trên phê chuẩn. Đường Tăng hiểu suy nghĩ của Bát Giới, nhưng cũng không tiện nói thẳng ra. Bởi vì Đường Tăng cũng có tính toán riêng: Mình tuy là trưởng đoàn sang Tây Trúc lấy kinh, nhưng bây giờ vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong cửa nhà Phật – nhóm Trụ trì. Nếu Bát Giới được cất nhắc, mình vừa là sư phụ vừa là cấp trên của Bát Giới, ắt là nước lên thì thuyền cũng lên. Vì vậy cho nên vui vẻ nhận lời đề đạt giúp.

Trời vừa sẩm tối, Bát Giới liền xách túi quà to kèm theo một phong bì dày cộm đến nhà Quan Âm Bồ Tát. Quan Âm Bồ Tát đang ở nhà xem ti vi, thấy Bát Giới vào liền tươi cười mời ngồi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe, Bát Giới liền đi thẳng vào vấn đề. Quan Âm Bồ Tát nghe xong, cười nói: Trưởng phòng mà không xếp nhóm cán bộ thì đúng là không được. Sư phụ của ngươi thuộc nhóm Trụ trì, vậy xếp ngươi vào nhóm phó Trụ trì đi. Đến lúc này Bát Giới mới hiểu ra nguyên do tại sao Đường Tăng vui vẻ viết báo cáo cho mình. Bát Giới vội đáp: Thầy của con hiện tại là sứ giả đi lấy kinh của Đại Đường, đúng ra phải xếp vào nhóm La hán từ lâu rồi. Vả lại, cấp phó của con là Quan Tiểu Âm cũng còn thuộc nhóm phó La hán nữa là…

Quan Tiểu Âm là cháu ngoại của Quan Âm Bồ Tát, mới 14 tuổi, đang học Trung học, giữ chức phó Phòng Hậu cần, nhận lương nhưng không phải đến cơ quan.

Quan Âm Bồ Tát sững người một lát, nghĩ bụng: Cái thằng ngốc tai dài này, hắn đã nắm đúng thóp của mình. Tuy nhiên, về lí mà nói thì đoàn đi lấy kinh đúng là trên cả nhóm phó La hán. Quan Âm Bồ Tát liếc nhìn túi quà nặng và phong bì dày cộm mà Bát Giới mang đến, bèn nói: Ngươi nói có lý đấy, phù hợp với nguyên tắc thống nhất chức quyền. Tuy nhiên, chỗ ta đây chỉ được phê chuẩn đến chức phó La hán, còn cao hơn nữa thì phải xin ý kiến Phật tổ Như Lai. Ngoài ra, bậc của Đường Tăng, Ngộ Không và Ngộ Tĩnh cũng phải đồng thời xem xét, sau khi ta nghiên cứu sẽ thông báo cho các ngươi. Nhưng cho dù kết quả như thế nào, các ngươi cũng đều phải nỗ lực làm việc, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp nhà Phật. Bát Giới nghe ngay ra ý ở ngoài lời, vội nói: Cám ơn Quan Âm Bồ Tát, lần sau con và sư phụ sẽ cùng đến báo cáo tình hình công việc.

Buổi tối, Mộc Tra hẹn với Hồng Hài Nhi và Hắc Hùng tinh, cùng đi với Bát Giới đến Túy Tiên lầu làm một bữa no say, sau đó lại đến sàn nhảy động Bàn Tơ quậy suốt đêm. Lúc chia tay, Bát Giới còn dúi cho ba vị khách quý ba túi quà to.

Vài hôm sau, Mộc Tra gửi quyết định xếp nhóm cán bộ đến. Trong quyết định ghi rõ: Đường Tăng và Bát Giới xếp nhóm phó La hán; Tôn Hành giả và Sa Tăng vào nhóm phó Trụ trì.

Đường Tăng mừng ra mặt vì mình chẳng mất đồng nào mà cũng được xếp vào nhóm cao hơn. Sa Tăng cũng vui vì nhóm phó Trụ trì tuy không cao, nhưng dù sao cũng thuộc hàng lãnh đạo rồi, đồng thời cũng rất biết ơn Bát Giới, làm quan mà không quên cất nhắc chiến hữu năm xưa. Nhìn thấy bộ dạng sung sướng của bọn họ, Tôn Ngộ Không đầy bực tức, nghĩ bụng: Gặp yêu tinh thì bắt ta đương đầu, có món gì hời thì gạt ta sang một bên. Sư phụ thì còn chấp nhận được, nhưng Trư Bát Giới thì hỏi có tài cán gì mà tại sao lại được xếp vào nhóm cao hơn ta? Vậy nên Ngộ Không nói thẳng thừng với Mộc Tra: Phó Trụ trì thì khác gì cái chức Bật mã ôn, ta đây không thèm.

Đường Tăng thấy vậy, ôn tồn khuyên bảo: Ngộ Không! Thế gian tất cả đều là hư vô. Chúng ta là người xuất gia, phải cống hiến không đòi hỏi, không được so đo, tính toán. A di đà Phật!

Tác giả: Nhiệm Phi Hổ
Dịch giả: Ngọc Khanh
Nguồn: Tiểu thuyết mini – Trung Quốc; Số 3-2001

30/5/14

Cái nhọt


Mông của thư ký Trương mọc một cái nhọt to, ghế đệm có êm ái đến mấy cũng không dám ngồi, vì vừa đặt mông xuống là đau điếng người. Ngoài lúc ngủ, thư ký Trương cứ phải đứng suốt cả ngày.

Đúng thời gian đó, giám đốc mới đến nhậm chức, gọi đích danh thư ký Trương đến văn phòng giám đốc báo cáo tình hình công việc. Thư ký Trương vừa bước vào phòng, giám đốc chỉ chiếc ghế sôpha cạnh tường nói: “Mời ngồi!”. Thư ký Trương chỉ đáp: “Cám ơn anh.” và đứng trước mặt giám đốc báo cáo một mạch cho đến hết nội dung.

Cái nhọt trên mông thư ký Trương chữa mãi không khỏi. Sau này càng phải thường xuyên đến phòng giám đốc báo cáo công việc, nhưng mặc cho giám đốc mời thế nào, thư ký Trương cũng chỉ đứng nói mà không chịu ngồi. Giám đốc không biết chuyện cái nhọt, lại cứ nghĩ rằng cậu Trương tôn trọng mình, thế nên cũng có cảm tình với cậu thư ký này.

Một hôm, giám đốc gọi thư ký lên viết một bản báo cáo. Giám đốc thân chinh bê ghế đến, bảo: “Ngồi xuống mà viết.”. Nhưng cũng như mọi khi, thư ký Trương chỉ đáp: “Cám ơn anh.”, rồi cúi gập người xuống bàn, cắm cúi viết đến khi xong. Giám đốc hết sức cảm động, hỏi thư ký Trương có mệt không. Thư ký Trương cười đáp: “Không ạ.”

Thư ký Trương không những “tôn trọng” giám đốc, mà cũng rất có năng lực, không lâu sau được đề bạt làm trưởng phòng. Từ đó mọi người gọi trưởng phòng Trương.

Lên trưởng phòng được không lâu, cái nhọt trên mông bỗng nhiên khỏi. Mặc dù ghế cứng đến đâu, trưởng phòng Trương cũng thấy là ngồi, hàng tiếng đồng hồ không cần đứng dậy. Một hôm trưởng phòng Trương được gọi lên phòng giám đốc bàn công việc. Giám đốc quen như thường lệ không mời trưởng phòng Trương ngồi nữa. Nào ngờ không cần mời, trưởng phòng Trương cũng dằn ngay mông xuống sôpha, lại còn ghếch chân lên như nòng pháo chĩa vào giám đốc. Giám đốc tỏ vẻ không vui, nhắc nhở: “Cậu Trương, làm lãnh đạo rồi phải khiêm tốn một chút.”. Trưởng phòng Trương vội đáp: “Vâng vâng, đúng thế ạ.”, nhưng chân thì không thấy bỏ xuống.

Từ đó về sau, mỗi lần vào phòng giám đốc, trưởng phòng Trương cũng ngồi phệt xuống sôpha mà chẳng đợi mời và hai chân lại bắt chéo, ghếch lên.

Tháng sau, trưởng phòng Trương bị miễn chức, lại quay về làm thư ký. Mọi người lại đổi cách xưng hô thành thư ký Trương.

Thư ký Trương cảm thấy rất khó chịu, nhưng dù thế nào cũng không biết được rằng, việc “thăng quan giáng chức” của mình lại có liên quan đến cái nhọt ở mông.

Tác giả: Dương Hán Quang
Dịch giả: Ngọc Khanh

Nguồn: Tiểu thuyết mini – Trung Quốc; Số 1-2001

28/5/14

Tức khí vịnh


Cuộc đối đáp được đánh giá rất thú vị này diễn ra trên facebook ngày 24 tháng 5 năm 2014. Phiên bản này đã được biên tập lại dấu câu ở các điểm chơi chữ và được Chuyện phố chuyển sang đây như một hình thức lưu trữ.




Khamili:
Hàng xóm nhăm nhe cưỡng hiếp em,
Thằng người yêu cũ cố tình quên.
Anh mới ga lăng đang ve vãn,
Biết chọn ai đây phận nữ hèn.

Jeff:
Thời buổi kim tiền yêu thế thôi.
Tình nghĩa tào khang thua gói xôi.
Gái khôn nên biết lừa quân tử,
Nệ tình ắt vướng phận bèo trôi.

Khamili:
Em chẳng tin ai nữa lúc này.
Lời hứa viển vông để gió bay.
Tấm thân ngà ngọc em tự giữ,
Cóc cần khóc mướn với thương vay.

Jeff:
Ấy ấy nàng ơi chớ có buông.
Đằng kia có kẻ chẳng hứa suông.
Lễ vật sắm sanh tầm mươi món,
Phong lưu há chẳng đáng chung xuồng.

Khamili:
Nước xa sao cứu được lửa gần
Em phải liệu lo giữ lấy thân
Cho dù người ấy ra tay giúp
Chắc gì đã phải kẻ chính nhân?

Jeff:
Tình khép, mần răng biết đá vàng,
Giữ lề, nỏ chắc vẹn tào khang.
Sóng to thuyền bé sang ngang,
Gần kia bến mới, DƯƠNG QUANG rạng ngời.

Khamili:
Chẳng lẽ bắt em phải phụ tình
Chỉ vì người cũ cứ mần thinh
Danh gia vọng tộc còn đâu nữa
Trời có thấu chăng nỗi bất bình.

Jeff:
Gái khôn lòe giỏi kiếm chút tanh.
Gái đần kéo giữ đống hư danh.
Tình - Phụ đảo điên như rồng lộn,
Mồm kẻ hề nho bịp ái khanh.

Hết.


23/5/14

‘Under the Skin’ hấp dẫn không chỉ vì cảnh khỏa thân


Bộ phim đầu tiên mà Scarlett Johansson khỏa thân hoàn toàn là một tác phẩm độc đáo nói về giá trị của sự sống, được kể qua phong cách rất “dị” của đạo diễn Jonathan Glazer.

Mở đầu phim bằng hình ảnh đốm sáng xanh lớn dần như một liệu pháp tâm lý gây ảo giác, Under the Skin dần đưa người xem tới một thế giới u ám đến kỳ lạ thông qua phong cách làm phim dị biệt của đạo diễn người Anh - Jonathan Glazer (phim Sexy Beast, Birth). Tốn tới gần một thập kỷ để hoàn thiện, bộ phim thuộc thể loại rùng rợn này đặt ra những câu hỏi cho khán giả về giá trị của sự sống bằng hệ thống biểu tượng dày đặc, phủ kín các cảnh phim quay đẹp khó tả. Nhưng với cách tiếp cận câu chuyện quá khác so với các phim điện ảnh phổ thông, Under the Skin trở nên khó để thẩm thấu hơn cho nhiều khán giả thiếu kiên nhẫn.

Poster ấn tượng của Under the Skin
Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Michael Faber, nội dung của Under the Skin không hề quá khó hiểu khi theo sát hành trình khám phá sự sống của một người ngoài hành tinh (Scarlett Johansson đóng). Ban đầu, cô phải sử dụng vẻ ngoài nóng bỏng của mình để lừa những người khách đi đường lên xe, rồi chở họ tới một địa điểm để “làm thịt”. Nhưng sau sự cố với một người kỳ dị, cô lên đường chạy trốn khắp Scotland, có những trải nghiệm đầy cảm xúc với một người đàn ông ở đây. Tuy vậy, bộ phim này khá phức tạp trong cách dẫn giải, khiến người xem khó nhận ra đường dây câu chuyện nếu không để ý kỹ, hoặc chỉ biết sau khi cảnh phim cuối cùng đã chấm dứt trên màn ảnh.

Đạo diễn Jonathan Glazer không đưa cho khán giả một chiếc kẹo mút để tận hưởng phim một cách dễ dàng, mà đưa ra một khối rubik để người xem tự giải nó. Khác với các phim thông thường sẽ sử dụng lời thoại để tiết lộ nội dung, Under the Skin lại có rất ít thoại (chủ yếu xuất hiện trong các cảnh nhân vật chính nói chuyện với nạn nhân trên xe), mà sử dụng hình ảnh, âm thanh để thúc đẩy câu chuyện. Không những thế, hình ảnh được sử dụng lại không mô tả trực tiếp nội dung cảnh đó mà chỉ gợi ý cho khán giả về nó để họ tự tưởng tượng ra sự việc. Đây là cách làm phim thông minh, bắt khán giả chú ý từng tình tiết và ráp nối theo tư duy của riêng họ.

Một ví dụ là cảnh một người lái moto tới nhà kẻ bỏ trốn với ý định thủ tiêu anh ta. Hắn xông ra đấm vào cửa kính ôtô và làm nó nát vụn ngay lần đầu tiên, rồi xông tới phía sau nhà, chỗ kẻ bỏ trốn khỏa thân với khuôn mặt dị dạng đang trèo vào nhà. Cảnh phim cắt ở đó, dù không mô tả trực tiếp hành vi bạo lực với nạn nhân, khán giả đủ hiểu kết cục gì sẽ tới với anh ta. Hay như cảnh một đứa bé 3 tuổi khóc váng trời khi bị bỏ rơi ở bãi biển đêm, nơi những cơn sóng dữ dội liên tục lao đến như muốn nuốt chửng cậu. Đạo diễn hiểu rằng nếu chỉ ra toàn bộ cảnh đó, khán giả sẽ chỉ nghĩ tới hình ảnh trên phim. Nhưng nếu để khán giả tự suy nghĩ, họ sẽ tự có một tưởng tượng riêng về hành vi bạo lực ấy khiến bộ phim trở nên đa chiều và có sức nặng hơn hẳn.

Bộ phim tràn ngập hình ảnh phiếm chỉ như vậy, bắt khán giả tự ráp nối, tự hình dung, tự suy luận, tự đọc phim. Công việc xem phim trở nên khó khăn hơn một chút nhưng người xem có được những giây phút choáng váng với cách trình diễn thị giác kỳ lạ tới sởn gai ốc của Glazer. Phần hình ảnh trong phim chính là điểm nhấn kỳ vĩ nhất của phim, cả về bề nổi lẫn bề chìm, dù được dàn dựng tương đối đơn giản. Sự ghê rợn của cõi hư vô, nơi Scarlett lừa dẫn nạn nhân tới, được tạo ra chỉ bằng cách để nạn nhân tự chìm dần vào trong màu đen tuyệt đối của nó mà không cưỡng lại được. Bộ phim tràn ngập hình ảnh đẹp nhưng dị, tạo cảm giác rùng rợn cần có trong không khí phim với sự giúp đỡ tuyệt vời của phần ánh sáng, âm nhạc và diễn xuất hợp lý.

Scarlett Johansson hoàn toàn nắm kiểm soát ở vị trí trung tâm, chấp nhận những yêu cầu khó của đạo diễn, bao gồm cả việc phải khoả thân 100% (lần đầu tiên trên màn ảnh). Với vẻ quyến rũ khó cưỡng đầy mê hoặc, cô vẫn làm người xem sởn gai ốc thông qua ánh mắt và biểu cảm vô hồn, ma mị, ít cảm xúc, rất hợp với phim. Phần âm nhạc không đơn thuần là tạo không khí phim mà được nâng tầm lên thành một nhân vật xuyên suốt phim.

Bộ phim có tiết tấu chậm rãi đến khó thở này được phần âm nhạc điện tử mang âm hưởng kịch kabuki Nhật Bản từ từ bóp nghẹt, tạo ra không khí âm u, rùng rợn và chỉ chực nổ tung để tạo ra sự choáng váng cho người xem. Cảnh tượng một người đàn ông nhún nhảy trên nền nhạc “tế thần” trước hố đen hư vô của Scarlett làm người xem sợ hãi hơn cả nhân vật trong phim vì chỉ cần phần âm thanh đó cất lên là khán giả có thể cảm nhận được ngay cơn run rẩy của mình.

Under the Skin đưa ra nhiều câu hỏi về bản chất con người thông qua những hình ảnh đậm nét thú vị, bằng hàng loạt sự kiện liên quan tới sự sống và cái chết, những điều mà dường như đối lập hoàn toàn nhưng bằng cách nào đó lại thúc đẩy sự hài hòa cần thiết cho cuộc sống tiếp diễn. Cô chứng kiến những hành động yêu thương, vị tha nhưng cũng trải nghiệm cả bạo lực lẫn sự hủy diệt. Cuộc sống tưởng chừng vô nghĩa bởi những mảng đối lập ấy nhưng chính chúng lại tạo ra những sự thú vị riêng. Có cả vẻ đẹp lẫn nỗi buồn trong cuộc sống mong manh của con người nhưng chúng ta đều phải thức dậy mỗi sáng và tiếp tục sống. Do đó, theo nhiều cách khác nhau, bộ phim như một sự từ chối với chủ nghĩa hư vô dai dẳng.

Hành trình của Scarlett trong phim nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều điều đáng bàn hơn trong cuộc sống này ngoài việc tồn tại. Sự sinh tồn đương nhiên vẫn thiết yếu nhưng cách để đương đầu với sự ngắn ngủi của cuộc sống chính là thông qua những trải nghiệm yêu thương và thỏa thích tận hưởng mọi ham muốn. Under the Skin không chỉ đơn thuần là một bộ phim mà là một trải nghiệm điện ảnh vào từng ngõ ngách tâm hồn người xem để trả lời câu hỏi “Làm người là thế nào?”. Lúc xem phim, khán giả có thể thấy căng thẳng, sởn gai ốc, lạnh gáy, giật nảy mình, nhưng khi hạ màn, tất cả sẽ phải công nhận rằng Under the Skin là một bộ phim độc đáo, đẹp lạ, thâm thúy và rất khác với những gì thông thường xem tại rạp.

Theo VnExpress

Trailer của Under the Skin