Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

10/2/14

Nhân vật trong Rừng Nauy của Trần Anh Hùng

Hàn Giang

Toru và Naoko. Cảnh trong phim Rừng Nauy
Bản quyền @ Toho
Trần Anh Hùng đã chuyển gần như toàn bộ câu chuyện đầy cảm xúc, suy tưởng và diễn biến tâm lý của Haruki Murakami thành phim – Điều mà tôi ngỡ là không thể. Để làm được điều đó, một trong những công việc đầu tiên cần làm có lẽ là chọn diễn viên. Trước hết là Toru Watanabe và Naoko.

Tôi không kỳ vọng ở Naoko một nhan sắc, bởi cái đáng xem là diễn biến tâm lý và tiến trình đời sống của cô. Đáng tiếc là Naoko của Trần Anh Hùng không những không đẹp mà còn không đặc sắc. Nét mặt cô không thể hiện được sự giằng xé nội tâm.

Ánh mắt cô – từ đầu đến cuối – chỉ có một kiểu. Nhợt nhạt. Vô ngôn. Lẽ ra, ở một người bị tự kỷ như cô, hành động phải có chút vô thức; ánh mắt đôi khi phải lóe lên chút linh hoạt và hoang dại. Hơn thế nữa, Trần Anh Hùng đã không chọn một diễn viên có thể hình đẹp, đồng thời cắt mất đoạn Naoko khỏa thân dưới ánh trăng. Trong khi chính những chi tiết này ám ảnh Toru nhất, làm cho anh ta không thể xác định được anh ta có YÊU Naoko hay không, hoặc giả có yêu thì có bằng phần tình cảm anh ta giành cho Midori hay không. Từ đó mới có thể góp phần làm rõ tính cách và đời sống tình cảm của nhân vật nam chính.

Toru Watanabe là số phận trung tâm. Vì vậy cần nói về anh ta dài hơn một chút. Toru của Haruki bị vây quanh bởi thứ tình cảm không thể xác định được một cách rõ ràng với Naoko. Yêu? Ham muốn thể xác? Trách nhiệm với người bạn thời thơ ấu? Đồng thời Toru bị giằng xé giữa mong muốn hòa đồng với xã hội mới và sự kìm hãm do những kỷ niệm xưa cũ mang lại. Toru của Haruki sống, làm tình, học tập v.v một cách rất bản năng. Cậu có thích tớ không? Có! – Đi tìm gái với tớ nhé! Okie! – Đừng tìm tớ ! Ừ ! Tưởng như cuộc sống tinh thần của Toru rất phức tạp nhưng hóa ra không phải vậy. Anh ta KHÔNG SUY NGHĨ mà chỉ là NHỚ LẠI mọi điều.

Trong khi đó, Trần Anh Hùng xây dựng hoặc nói đúng hơn, giúp người xem nghĩ rằng Watanabe đã rất yêu Naoko và do đó đã hết sức cố gắng giúp Naoko quay về với cuộc đời. Nhưng trường đoạn Watanabe và Naoko đi dạo (như khổ sai) trên đồng cỏ cho thấy anh ta, rút cuộc, chả biết mình cần phải làm gì và có thể làm gì. Đấy là mâu thuẫn. Kết cục là Trần Anh Hùng đã chọn một khuôn mặt vô tâm, không âu lo và toan tính – Hoàn toàn thỏa mãn đối với Toru - Văn học nhưng lại không thỏa mãn đối với Watanabe – Điện ảnh.

Những nhân vật khác thì sao?

Ngay khi Nagasawa và Midori xuất hiện, tôi đã hoàn toàn thỏa mãn với chính mình. Diện mạo và phong cách của Nagasawa phù hợp một cách hoàn hảo với nhân vật, phù hợp đến mức mà dù có rất ít đất diễn thì nhưng tín đồ của Rừng Nauy cũng phải thốt lên: Chính hắn! khi nhìn thấy anh ta vừa hút thuốc vừa cụng ly với Toru.

Midori gầy gò nhưng không yếu ớt. Khuôn mặt hồng tươi, đôi mắt to và trong sáng của cô, cách cô chủ động điều khiển đôi môi mình một cách tinh tế, linh hoạt khi cười, khi nói đã góp phần giúp Trần Anh Hùng khắc họa nên một số phận khác biệt so với tất cả những số phận khác trong phim. So với Naoko hay Reiko, Midori chịu nhiều mất mát không kém: mẹ mất sớm, bố ốm liệt giường rồi ra đi, người yêu không hiểu được cô, chị gái vui với tình yêu của riêng mình và không giúp được gì. Midori một mình bươn chải với cuộc sống khó khăn và nhàm chán nhưng cô vẫn tiếp nhận cuộc đời bằng một ánh mắt lạc quan, dũng cảm đương đầu với mọi biến cố và nỗ lực giành lấy hạnh phúc. Hơn nữa, Trần Anh Hùng có vẻ như đã ưu ái hơn đối với Midori. Ông dành cho nhân vật này nhiều đất diễn, thông qua đó tạo nên sự ràng buộc vô hình nhưng vững chắc giữa số phận của cô và Toru, đẩy vai trò của Midori lên cao hơn một chút so với chính cô trong tác phẩm văn học.

Chắc chắn là tôi sẽ cảm thấy rất ân hận nếu không nhắc đến người được đạo diễn chọn vào vai Hatsumi. Cũng vẫn là khuôn mặt, đôi mắt và khóe miệng nhưng lần này, người được chọn (chỉ xuất hiện chừng 5 phút) đã kịp thể hiện xuất sắc hình ảnh một cô gái đoan chính, tâm lý hơi yếu ớt nhưng biết kiềm chế cảm xúc nhờ bản chất tính cách và nhờ nền tảng giáo dục hoàn hảo.

So với tác phẩm văn học, Reiko chắc chắn là nhân vật khác biệt nhất. Reiko của Haruki là một phụ nữ đầy nếp nhăn, tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm, đôi tay tài hoa cùng một quá khứ đầy biến động. Trần Anh Hùng đã xóa đi toàn bộ quá khứ đau buồn của cô và có lẽ chính điều này đã hướng ông đến việc chọn một diễn viên có bề ngoài thiếu ấn tượng, không già, không trẻ để vào vai Reiko. Hệ quả của cả hai vấn đề này làm cho trường đoạn Reiko làm tình với Toru trở nên lạc lõng, thiếu tính mục đích. Có cảm giác như Trần Anh Hùng cố ép hai nhân vật này làm tình với nhau, dùng hành động này tạo lập biến cố mang tính giải thoát cho tâm hồn Reiko. Nhưng giải thoát khỏi điều gì? Tại sao phải thế? Thật đáng tiếc!! Tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng tác phẩm điện ảnh không phải là một mâm cỗ nhiều tầng của nông thôn Bắc Bộ. Dù đầu bếp có tài hoa đến mấy, số lượng món được bày cũng sẽ rất hạn chế.

(Viết 23/01/2011; được chuyển sang từ Facebook Note)

Jeff - El Loco 

P/S:
- Bạn nào chưa đọc truyện thì xem phim sẽ hơi vất vả.
- Bạn nào thích nhiếp ảnh thì nên xem phim. Cảnh quay rất tuyệt.

0 bình luận :