Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

10/2/14

Xem phim Cánh đồng bất tận

Hàn Giang

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận
Bản quyền @ BHD
Khi ánh đèn phòng chiếu bật sáng, tôi và người bạn đi cùng nặng nề đứng lên. Khác với mọi lần, chúng tôi lẳng lặng ra về và trao đổi rất ít về bộ phim. Bên ngoài, dọc bờ hồ Thủ Lệ, vẫn những cơn gió mơn man của mùa thu Hà Nội. Gió thu, không đủ lạnh để thiếu nữ quàng thêm khăn ấm làm duyên, cũng không đủ nhẹ nhàng để làm vơi đi cảm giác ngột ngạt của những số phận trên màn ảnh.

Xuyên suốt bộ phim, tác giả dường như chủ tâm thay mặt nữ giới thống thiết gào lên nỗi bất hạnh của đàn bà. Nhân vật mẹ (Tăng Thanh Hà thủ vai) ngã vào tay gã Ba Tàu nhưng cô dường như không biết mình có tội. Có tội chăng là cảnh đời nghèo khó, là nỗi khát khao làm đẹp được quy định bởi tính nữ vĩnh hằng. Cô ngỡ là tấm lụa trắng của gã Ba Tàu có thể đổi được “không bằng lúa”. Và lúc đổi, chắc chắn cô không nghĩ rằng cô đã đánh đổi không chỉ xác thịt mà còn cả cuộc đời của hai đứa con.

Câu chuyện được bắt đầu với số phận một người đàn bà – một con điếm đã không còn là con điếm kể từ giờ phút ấy. Sương (Hải Yến thủ vai) là một số phận buồn thảm. Dạt về một miền quê nghèo khi hương sắc đã không còn làm lu mờ ánh đèn thị thành được nữa, cô tiếp tục chịu một trận đòn ghen dữ dội và nhục nhã trước khi được cha con ông Võ (Dustin Nguyễn) cưu mang. Sương mắc nợ cha Điền vì đã cho cô nương náu. Nhưng như thế liệu có đủ để cô phải chịu thêm hai lần sỉ nhục từ người đàn ông mà cô nghĩ là cô có thể cải tạo? Thực ra, Sương có muốn đổi thân xác mình để lấy sự sống của đàn vịt nhà ông Võ không? Không! Đấy chỉ là lần dấn thân thứ hai của Sương trong nỗ lực thức tỉnh người đàn ông đang chìm đắm trong nỗi đau mất vợ. Và cô đã thất bại. Một lần nữa, cuộc đời Sương lại dạt đi trong ngút ngàn đồng năng, chỉ một con đường nhưng không điểm đến.

Dọc theo câu chuyện tuyến tính bi đát ấy, một mảng đời khác xuất hiện: Hai chị em Nương – Điền. Điền (Võ Thanh Hoà) là một cậu bé mà suốt tuổi thơ chỉ biết có “vịt – cá và bùn”, chưa bao giờ nhìn thấy con chữ và lâu lắm rồi không được thụ hưởng cái gọi là tình thương. Cậu sẵn sàng – như cậu nói – ‘giết chết những ai động đến chị” để bảo vệ Sương. Một suy nghĩ đầy tính anh hùng đường phố kết tinh từ bản tính ghét cái ác và nỗi khao khát tính dục bùng phát ở tuổi dậy thì. Kết cục, Điền đã dùng súng cao su bắn gãy răng một gã giang hồ miệt đồng, bắn vỡ chim một gã khác và bóp cổ, dìm nước gã thứ ba đến chết vì một trong ba gã đã ngủ với Sương để đảm bảo cho sự sống của bầy vịt nhà cậu. Sau cuộc chiến đó, Điền biến mất. Mất hút như làn khói đốt đồng giữa mênh mông sông nước miền Tây. Với cuộc đời của cha cậu, cậu vô can. Cậu cũng không giống mẹ đến mức bị cha ghét. Nói chung, sự có mặt của cậu chỉ là tấm đệm để cô gái điếm lọt vào gia đình cậu.

Chị của cậu thì khác. Nương (Lan Ngọc) là một nhan sắc đồng quê non nớt, đẹp và giống hệt người mẹ đã bỏ đi từ năm em lên chín. Bảy năm trời lầm lũi sống bên cạnh người cha chỉ giao tiếp bằng tiếng “gầm gừ và tằng hắng”, Nương dường như đã đủ thời gian để thấu hiểu vì sao mẹ em ra đi, vì sao cha em trở nên cộc cằn và thô lỗ. Hầu như em chỉ mơ ước một điều là “phải chi bảy năm qua tía cũng” thể hiện được tình thương với chị em Nương. Ngay cả ước mơ của em cũng nghèo nàn đến mức em chỉ dám ước ngược về quá khứ. Ngoài ra, cuộc sống của Nương trong phim chẳng có gì đáng nói cho đến khi em bị một gã giang hồ miệt đồng cưỡng hiếp trong khi cha em – gã đàn ông cục cằn – bị hai thằng khác oánh bầm dập và giữ chặt.

Và Út Võ bừng tỉnh.

Tại sao bộ phim gần như không muốn khắc hoạ nỗi đau đàn ông? Dù chính nỗi đau ấy là lý do chính tạo nên bi kịch cuộc đời của cha con Út Võ - người đàn ông đã hết mực âu yếm yêu thương, đã quần quật lam làm để một ngày trở về và biết vợ mình đã đi mất.

Tác giả đã buộc hai người đàn bà (Sương, Nương) phải trả giá cho lỗi lầm của một người đàn bà khác (vợ Út Võ). Đặc biệt là gánh nợ đời ấy được dồn lên vai cô bé 17 tuổi. Bị buộc phải biến thành đàn bà theo một phương cách không thể ghê tởm hơn, Nương – và qua đó là cả Út Võ - xem như đã bị dồn đến tận cùng bi kịch. Tại sao bộ phim không kết thúc ở cảnh Sương đi vào đồng năng? Tại sao gia đình Út Võ phải chịu thêm một thảm cảnh đau lòng đến thế? Tôi không biết! Nhưng tôi cảm thấy bất nhẫn khi nỗi đau “bất tận” được đặt lên cuộc đời một đứa bé. Khi ánh mắt Nương thảng thốt, khi Nương lịm đi trước mặt cha, tôi như cảm thấy rất rõ cuộc đời em oằn xuống, trĩu nặng. Trĩu nặng đến mức dù bộ phim được kết thúc bằng một lời thoại đầy tính nhân văn thì lòng tôi vẫn day dứt.

(Viết 27/10/2010; chuyển từ Facebook Note sang)

Jeff - El Loco

0 bình luận :