Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

24/4/14

Đọc sách và trở thành tỷ phú

Hàn Giang

Đầu năm 2007, trong cơn sóng bùng nổ của thị trường chứng khoán, tôi quyết định dốc hết khoản tiền tiết kiệm tham chiến. ...

Nhân ngày Sách Việt Nam, người ta mời một tỷ phú đến nói chuyện với công chúng yêu sách. Chủ đề buổi nói chuyện là “Đọc sách và trở thành tỷ phú”. Hoạt động này được công bố rộng rãi trên tất cả các mạng xã hội thịnh hành như facebook, twitter, tumblr. Các lời đồn đãi lan nhanh như dịch sởi ở Hà Nội.

- Nghe đâu ông ấy chỉ nhờ đọc sách mà thành tỷ phú.
- Ông ấy giản dị lắm.
- Hình như ông ấy chưa vợ.
- Ôi, thế a!? Các em gái rú lên phấn khích. Các bà nạ dòng lườm nguýt khinh bỉ, lòng đầy tiếc nuối.

Sáng ngày 21/4, mặc dù 9h buổi nói chuyện mới diễn ra nhưng từ lúc mặt giời chưa mọc đám đông đã ùn ùn kéo đến bãi cỏ bên cạnh trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Hai phần ba số này là các cô đang chọn chồng hoặc đang chán chồng vì “tiền lương của anh còn chưa đủ mua bỉm cho con”. Đa phần số này mặc váy ngắn. Lý do là để đỡ bị bắn bùn do mưa phùn chứ không phải để câu giai. Một nửa số còn lại là nhiếp ảnh gia. Bọn này đi chủ yếu để, như chúng nó nói, “ghi lại vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong lễ hội sách”. Lý do thực sự là gì thì có giời biết. Một nhúm nhỏ là mấy gã trung niên đầu to mắt cận, đi để chiêm nghiệm vì sao mình đọc sách suốt đời mà không giàu.

Đúng 9h kém 5 phút thì nhà tỷ phú xuất hiện, khaki màu cát, sơ-mi hồng nhạt, giày da bê trắng, tươi cười và phớn phở.

Señora y Señorita!
(Từ góc người ngoại quốc có tiếng vỗ tay. Diễn giả mỉm cười bao dung.)

Các bạn thân mến, tôi nói thế không phải để khoe vốn ngoại ngữ của mình, càng không phải khinh khi tiếng Việt mà chỉ để các bạn thấy rằng tri thức có thể mang đến cho chúng ta những cơ hội giao tiếp thú vị.
(Ba phần tư số mặc váy ồ lên thán phục.)

Có thể các bạn thấy sẽ thấy bất ngờ nhưng quả thật đến năm lên mười tôi vẫn chưa biết chữ và kiếm sống bằng cách chạy việc vặt cho các cửa tiệm trong khu phố cổ. Một cô chủ nhân hậu (nói chung các cô chủ luôn nhân hậu và các bà chủ luôn hắc ám) đã dạy chữ cho tôi và hướng dẫn tôi đọc sách. Ban ngày đi làm, ban đêm tôi mang sách ra đọc dưới ngọn đèn đường. (Tất cả số mặc váy đồng loạt nức nở, kéo váy lau mắt. Tiếng lách cách của máy ảnh vang lên rào rào như mưa dông. Có lẽ đối tượng chụp có màu trắng gần giống các trang sách.)

Sáu năm sau, tôi học thêm được hai ngoại ngữ. Thêm năm năm nữa, số sách mà tôi có được nhờ mua từ tiền tiết kiệm, mượn của người khác không trả và ừm … e hèm … ờ “lấy được ...” từ các cửa hàng sách đã lên đến hàng ngàn. Trong đó có nhiều bộ rất quý mà tôi mua được từ các tiệm sách cũ. Thêm vài năm nữa trôi qua, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu manh nha, tôi dành ra ba năm liên tục nghiên cứu các tài liệu về hoạt động chứng khoán. Lúc này tôi tạm thời dừng mua sách, tiền kiếm được từ việc chạy bàn tiệm ăn, tôi gom góp vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. (Các ông mắt cận gật đầu như bổ củi. Các tiểu thư mắt tròn hết cỡ, lông mi giả cong vút – không phải các em ý ngạc nhiên mà là đang cố gắng kéo ánh nhìn của tỷ phú về phía mình. Toàn bộ nhiếp ảnh gia tay trái giật tay các em xinh nhất, tay phải huơ huơ máy ảnh khoe tấm chân dung người đẹp mình vừa chộp được.)

Đầu năm 2007, trong cơn sóng bùng nổ của thị trường chứng khoán, tôi quyết định dốc hết khoản tiền tiết kiệm tham chiến. Ba ngày sau, như một sự tình cờ thú vị hôm đó là ngày 21 tháng 4 năm 2007, khi tôi đang nỗ lực kết toán các sổ tiết kiệm để gom về một mối thì bỗng có một thương gia người Nhật đến gặp. Kết quả là ông ta đã mua tập bản thảo viết tay một cuốn sách cũ của tác giả Tại-ba-lê với giá 10 triệu yên Nhật, tức là hơn 2 tỷ đồng!

Từ bấy đến nay, tôi vẫn tiếp tục mua và đọc sách.

(Đám đông ngơ ngác. Câu cuối cùng người ta nghe được từ đám đông là: ĐỊNH MỆNH!)


15/4/14

Cái ban thờ

Hàn Giang

Ngày xửa ngày xưa, ở khu phố nọ có một khoảnh đất trống, bao quanh là vài ngôi nhà, dăm gốc cây. Gần ngoài rìa mọc lên một cái tủ điện màu xanh xám, vuông vức, nhạt nhẽo. Kể ra thì ban đầu chả ai để ý đến nó cho đến khi có người vứt gần đó một bịch nilon đựng cuống rau muống. Bịch nilon màu xanh buộc túm, vài cuống rau vàng vọt thò đầu ra nghiêng ngó chung quanh, dăm ba chiếc lá vàng ợt, rũ xuống như râu gã say. Cũng vẫn nhạt. Nhưng rồi sau bịch rau là túi cơm nguội, sau túi cơm nguội là mớ đầu mẩu khoai lang, sau mớ khoai là hầm bà lằng đủ thứ vứt đi. Ngày qua, tháng lại, miếng đất cạnh tủ điện trở thành đống rác nhỏ kiêm nơi chứa nước thải của khách vãng lai. Thối. Tất nhiên. Bẩn. Còn phải nói.

Lão béo, chủ nhà gần nhất thửa về tấm bảng gỗ trên viết “Cấm đổ rác”, dưới vẽ nắm đấm màu đỏ trông cực kỳ đe dọa. Chắc lão hàm ý đứa nào đổ rác thì lão sẽ đấm hoặc giả lão chơi chữ theo kiểu “cái đấm = cấm đái”. Mặc, đống rác vẫn phát triển từng ngày một và mùi khai càng ngày càng nồng sực. Lão béo giận lắm. Lầm bầm chửi bọn vô văn hóa. Lẳng lặng thửa tấm bảng to hơn, vẽ thêm vào đó cái kéo. Vẫn chả ăn thua gì. Lão dọa sẽ mang vấn đề ra chi bộ xóm. Chả đứa nào sợ. Đống rác giờ đã thành núi rác, phương phi và ngạo nghễ.

Nhưng rồi dịp may cũng đến. Đời thường thế, cái xui của người này vẫn luôn là cái may của kẻ khác. Ai đó bảo hạnh phúc là một hằng số quả không sai. Hôm ấy, lão béo đang nằm phởn phơ nghỉ trưa. Giời mùa thu, mát. Cái của nợ cạnh nhà cũng bớt thối đi một tẹo nên lão thấy khoan khoái lắm. Ngả lưng trên cái đi văng cạnh cửa sổ, tay cầm tờ báo, lão chăm chú và háo hức nghiên cứu tình hình thế giới. Ấy, không phải lão thích mà là phân công của vợ: Ông, nam nhi đại trượng phu, phải quan tâm đến những việc lớn. Đang lim dim (Cứ hễ đọc cái gì là lão nhanh lim dim lắm. Trước, thời còn làm quan chức lão chả mấy khi đọc cái gì, lúc nào cũng tỉnh như sáo) thì rầm phát. Lão uể oải đứng dậy ngó ra cửa. Hóa ra một thằng oắt vừa đo đường, xe máy nằm một đống cạnh lề, thằng oắt cũng tự mình nằm một đống cạnh cái tủ điện. Dân tình bắt đầu xúm xít. Lão béo kéo rèm, lăn quay ra ngủ. Cái này cũng là một sự thường. Xưa, ở cơ quan, cứ gặp việc gì khó giải quyết là lão lăn ra ngủ. Họp cơ quan, mọi người đấu đá lung tung, lão kệ, tay chống cằm, đầu cúi xuống, thản nhiên oánh một giấc đến lúc kết thúc cuộc họp. Thế nhưng đường hoạn bộ của lão bở lắm. Cứ tuần tự nhi tiến, trợ lý, phó phòng, trưởng phòng v.v Đến hết nhiệm kỳ cục trưởng thì lão nghỉ, an toàn và nhẹ nhàng. Lão tuổi Tuất, người làng Cổ Nhuế. Nghe đâu xưa mẹ lão đẻ rơi cạnh đống phân bắc. Số lão nói chung là sướng. Chả bao giờ phải vật vã với cái ăn, cái mặc. Lão bắt đầu ngáy. Bên ngoài, xe cứu thương đã đến và đã chậm rãi bò đi, sau khi mấy anh trật tự khu phố mở được con đường thoát giữa đám người đang háo hức chỉ trỏ và điên cuồng bình phẩm.

Dăm ngày sau, lão béo gọi cô xe rác vào, dúi thêm ít tiền bảo dọn sạch đống rác. Lão tha về cái ban thờ bằng gỗ mộc và bát hương. Chiều hôm đó, sai con gái sắm sửa ít trái cây, đích thân lão mang ban thờ ra cạnh tủ điện, rót rượu, thắp hương, sì sụp vái. Lão bảo với hàng xóm là thằng cu hôm nọ chấn thương sọ não, qua đời ngay hôm sau. Mấy hôm rồi, mụ vợ lão thấy nó về suốt. Mấy tay xe ôm đầu phố nghe chuyện, oánh luôn con đề 83 - 38. Chả hiểu sao tối đó, đề về 83 thật. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm. Hồi đó chưa có 3G, truyền thông xã hội không đưa tin theo kiểu facebook mà theo kiểu face to face, tức là thông tấn truyền mồm. Cơ chế này hữu hiệu phết. Chả mấy chốc, cả thành phố biết hồn ma thằng cu rất thiêng. Cái ban thờ giờ hôm nao cũng nghi ngút khói hương. Ban đầu chỉ là vài tay ma đề. Sau đó là mấy bà sồn sồn, vàng mỹ ký đeo đầy người đến xin cho ông chồng rửng mỡ ở nhà bỏ “cái con đĩ rạc” ấy quay về. Kế tiếp chính là thằng cu hôm nọ đèo bạn gái đến xin cho hai đứa lấy nhau. Chắc hẳn là nó không thể ngờ được nó đang lạy lục chính nó. Lão khoái chí tủm tỉm cười. Thật tình rất khó nhận ra lão cười, nhất là cười khi khoái chí. Khoái chí mà cười to nguy hiểm lắm. Mấy chục năm quan trường, lão luyện mãi mới được kiểu cười như giờ. Mắt hơi mở to, cặp môi của lão chỉ giật giật mấy cái. Ấy chính là lúc lão cực khoái.

Nhưng mà điểm cúng vái linh thiêng đó cũng chả tồn tại yên ổn được lâu. Đâu như đận ra giêng, khí trời còn rét lắm. Thế mà chỗ ban thờ vẫn lắm người đến cúng bái. Suốt ngày tiếng còi xe, tiếng rì rầm của mấy bà nạ dòng, tiếng cười ré lên của mấy đứa con gái bị bọn thanh niên chọc ghẹo làm lão béo thấy khó chịu. Khó chịu nhất là sao cái chỗ vớ vẩn do lão dựng lên ấy làm người ta đam mê đến thế. Lão bứt rứt. Lão hậm hực. Xưa kia, tức là mấy năm trước, lúc lão còn đương chức và cơ quan lão chuyển sang một tòa nhà cao tầng có thang máy. Hễ bước vào thang là lão bấm tầng cao nhất, 19, dù phòng làm việc của lão ở tầng 10. Hỏi, lão bảo làm thế để tập thể dục. Sau lưng lão, bọn trẻ thì thụt kháo nhau là lão bị hâm. Kỳ thực, lão không chịu kém. Nhìn đứa khác bấm tầng cao hơn là lão bực. Máu sôi lên. Thế nên, thà lão đi bộ xuống chục tầng chứ nhất định không chịu bấm số bé. Đến hôm rằm tháng Giêng thì lão không chịu nổi nữa. Lão bắt mụ vợ già gom rác để mấy ngày liền. Tối hôm ấy, lão tha đống rác to lù lù ra quẳng luôn lên ban thờ. Tiện thể, ngó trước ngó sau không thấy ai, lão vạch quần tương luôn gần nửa lít. Mấy đêm liền như thế. Lão quyết không thể để một nơi khác đông vui hơn nhà lão.

Nửa tháng sau, cơ quan cũ của lão nhận được tin báo tang. Mụ vợ lão kể là bị nhồi máu cơ tim. Hàng xóm đồn là lão bị thánh vật.

Shared from Google Keep