Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

6/6/14

Hoàn kiếm tước binh quyền


Đêm.

Trăng chênh chếch soi qua song cửa. Người đàn ông trung niên vẫn ngồi lặng lẽ bên bàn viết. Như là từ rất lâu rồi. Ánh sáng của ngọn bạch lạp soi rõ khuôn mặt cương nghị, đôi mày nhíu lại rồi giãn ra. Dường như ông đang suy nghĩ rất lung. Đất nước đã sạch bóng thù nhưng trăm họ qua cơn chiến chinh vẫn còn lầm than. Triều chính còn đấy trăm ngàn mối lo. Ông biết, triều cương chưa yên thì công cuộc kiến thiết quốc gia khó lòng làm nổi. Gương tày liếp của cha con Đinh Tiên hoàng năm xưa hiện rõ trong đầu ông như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Con trai trưởng của ông, Hữu tướng quốc Tư Tề, tuy công lao lừng lẫy, thao lược gồm tài nhưng tính tình nóng nảy lại hơi kiêu ngạo. Nói dại, nhỡ đâu ông có mệnh hệ nào thì Tư Tề liệu có cầm cương được cỗ xe Đại Việt đang còn chệnh choạng? Hoàng tử Nguyên Long thì hẵng còn bé. Các tướng lĩnh như Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn ... cũng đầy công lao hãn mã, binh quyền lại nắm trong tay, ra vào cung cấm vẫn được mang vũ khí. Ông thấy nguy hiểm. Họ thần phục ông. Họ đã từng vì ông, vì trăm họ Đại Việt mà vào sinh ra tử nhưng lòng người khó dò. Mấy ai trên đời vượt qua được sự mê hoặc của quyền lực và danh lợi. Chẳng phải Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn đã lấy ngôi nhà Lê, chẳng phải Lý Sảm đã mất ngôi vào tay anh em Tự Khánh, Thủ Độ đấy sao. Toàn những kẻ nắm binh quyền trong tay, nhân lúc loạn lạc mà đoạt ngôi, tranh vị. Không! Mười năm nếm mật nằm gai mới có được hôm nay. Đất đai là của ông, thần dân là của ông, vương quyền chỉ có thể là của ông. Không thể sơ suất. Đa nghi vốn dĩ là thuộc tính của kẻ làm chúa.

Ông đứng dậy, đi đi lại lại trước bàn viết. Tiếng gà đâu đó trong hoàng thành vẳng lại nhắc ông đêm đã đến canh ba. Ông vẫy tay, sai người gọi Tư Tề sang gặp ông ngay. Hai ngày nữa thủy quân sẽ thao diễn ở hồ Thủy quân. Toàn bộ tướng lĩnh Lam Sơn sẽ tham dự, toàn bộ dân chúng kinh thành sẽ tề tựu để chứng kiến sức mạnh của đoàn quân chiến thắng.

Có tiếng võ phục loạt soạt.

- Áng![1]

- Con vào đây ta có việc cần bàn.

- Thưa, con đã sai người chu toàn mọi việc cho buổi duyệt thủy binh. Áng còn điều chi cần kíp?

- À, không. Con khá biết câu chuyện chén rượu năm xưa của Triệu Khuông Dẫn?

Tư Tề chăm chăm nhìn cha, thoáng rùng mình. Thực ra việc này chàng cũng đã nghĩ nhiều nhưng lòng còn e sợ bị khép vào tội bất nghĩa nên chưa dám bẩm báo. Tuy chàng và nhà vua là tình cha con nhưng các tướng lĩnh nghĩa quân đối với cha con chàng ân nghĩa tày non. Mười năm kề vai sát cánh, chàng chưa thấy cha có điều chi không hài lòng về họ. Giờ cha đã nói thế này có lẽ ý ông đã quyết, chỉ là cần bàn thêm về mưu kế thực thi. Làm không khéo e lại đẩy trăm họ vào cảnh nồi da xáo thịt. Xét cho cùng, ngôi vị đế vương kia, một mai cũng là của chàng.

Tư Tề khẽ gật đầu với cha rồi quay người lệnh cho lính hầu lui ra ngoài. Chàng tự mình cẩn thận khép cửa. Tiếng sấm từ xa nổi lên ầm ì. Có lẽ trời sắp dông.

***

Tranh minh họa của tựa game Thuận Thiên kiếm
Mặt trời đã lên độ chừng một con sào. Cả không gian ánh vàng như mật. Mới đầu hạ nên tiết trời hẵng còn mát mẻ. Nước hồ Thủy quân dềnh lên, chung quanh hồ cờ xí tở mở, chiêng trống rộn ràng. Trên hồ, chiến thuyền xếp dài ngút mắt. Đức vua lẫm liệt đứng trên lâu thuyền, tấm chiến bào nhẹ bay trong gió. Sau lưng ông là khoảng trên chục viên văn quan võ tướng đầu triều. Tất cả đều nai nịt gọn gàng, kiếm đeo trễ bên hông. Cạnh ông, hơi lùi sau một chút là Tư Tề. Nét mặt căng thẳng.

Mặt nước hồ hơi xao động. Đúng lúc buổi diễu binh sắp bắt đầu, trăm quan đang quỳ xuống tung hô thì bỗng tiếng Tư Tề vang lên:

- Cẩn tấu Đức Hoàng thượng! Thần Kim Quy hiển linh!

Chưa ai kịp định thần thì thanh kiếm Thuận Thiên lừng lẫy đã từ tay nhà vua bay xuống mặt hồ.

- Giặc đã tan. Kiếm lệnh từ nay xin hoàn!

Dứt lời, Đức vua Thuận Thiên quỳ phục xuống, dập đầu tạ ơn thần Kim Quy. Quan văn, tướng võ nhìn nhau ngơ ngác. Viên Tả kim ngô vệ Đại tướng quân Phạm Vấn hô lớn:

- Đức Hoàng thượng muôn năm!

- Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!

Tiếng hô vang vọng kéo dài suốt mặt hồ. Tư khấu Lê Sát tiến lên vài bước, quỳ xuống, hai tay nâng thanh kiếm trận lên quá đầu.

- Cẩn tấu Đức Hoàng thượng! Đất nước đã thanh bình. Kẻ tôi tớ này vui mừng vì không còn cần phải xông pha trận mạc. Từ nay, tôi xin được trả lại kiếm trận, trả lại quyền điều động quân đội để rảnh rang giúp Đức Hoàng thượng kiến thiết nước nhà. Cẩn xin Đức Hoàng thượng chuẩn tấu!

- Tư Tề thay ta nhận kiếm. Quan Tư khấu đứng dậy đi.

Không ai bảo ai, lần lượt Đại tướng quân Phạm Vấn, Thái bảo Phạm Văn Xảo, Tư mã Lê Ngân, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú v.v đều tháo gươm dâng trả ngay tại lâu thuyền. Tư Tề chuyên chú vào việc nhận kiếm và xếp thành một hàng trên chiếc kệ vừa được hai chú lính bê từ trong khoang ra. Không ai nhận ra Lê Sát lúc bấy giờ lùi lại sau, liên tục liếc trộm Tư Tề, ánh mắt đầy dò xét.

Ba ngày sau, nhà thuyền chài họ Mạc bắt gặp một con rùa lớn, dài đến bốn, năm thước ta nổi lên giữa hồ. Tin truyền vào cung, Tư Tề chỉ tủm tỉm cười, lẳng lặng thưởng thêm cho viên gia tướng thân tín hai mươi nén bạc. Lê Sát cũng nghe chuyện vào lúc tan buổi chầu. Mặt thoáng chút hồ nghi nhưng lại ngay lập tức nói nói cười cười, rằng vận nước chắc đang hồi hưng vượng nên thần Kim Quy mới hiện thân phò hộ.

Buổi chầu kế tiếp, Khu mật Viện chính thức công bố sắc lệnh của nhà vua về việc cấm võ tướng mang vũ khí vào triều đồng thời thu hồi các lệnh phù điều động quân đội.

Đầu năm Kỷ Dậu (1429), Trần Nguyên Hãn trẫm mình ở bến Sơn Đông.

Tháng … năm … Phạm Văn Xảo bị bức tử trong nhà lao.

Tháng … năm … Nguyễn Chích bị bãi chức.

Tháng 8 năm Quý Sửu (1433), Lê Tư Tề bị tước bỏ ngôi vị Thái tử, giáng xuống làm Quận vương.

Cuối tháng đó, Đại tư đồ Lê Sát nhận di chiếu, phò Thái tử Nguyên Long 11 tuổi lên ngôi.

Mùa đông, tháng Một[2] năm Thuận Thiên thứ tư, Nguyễn Trãi chép chuyện Đức vua trả gươm cho thần Kim Quy vào sách Lam Sơn thực lục[3]. Cũng từ đó, câu chuyện trả gươm chính thức trở thành huyền thoại có thật.

Hàn Giang





[1] Tiếng gọi cha trong ngôn ngữ Việt cổ.
[2] Xưa, năm âm lịch được tính từ tháng giữa mùa đông; bắt đầu từ Một, Chạp, Giêng, Hai … cho đến tháng Mười là tháng cuối năm.
[3] Theo dịch giả Bảo Thần tại bản dịch Lam Sơn thực lục do NXB Tân Việt ấn hành năm 1956 (in lần thứ ba) thì câu chuyện trả gươm được thêm vào từ lần biên soạn, chỉnh lý năm Vĩnh Trị thứ nhất dưới thời vua Lê Hy tông.


0 bình luận :