Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

6/6/14

Cách xưng hô của người Việt thế kỷ 15-18



Đây là một chứng cứ khẳng định tính độc lập của tiếng Việt và người Việt trong mối quan hệ với tiếng Hán và người Hán. Bài này đã lưu hành trên mạng thông tin toàn cầu từ rất lâu rồi nhưng Chuyện phố xin được chép lại và lưu giữ để tiện việc học tập, nghiên cứu.


Ðời xưa, đặc biệt từ thế kỷ 17-18 trở về trước, người Việt Nam xưng hô với nhau như thế nào, hiện giờ còn là một vấn đề chưa được nghiên cứu, chưa được biết rõ. Có lẽ chính vì vậy mà trong các tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử, phim lịch sử của chúng ta ngày nay... các nhân vật khi đối thoại với nhau, họ xưng hô rất tùy tiện theo chủ quan của nhà văn, nhà biên kịch với những ngôn ngữ không mang dấu ấn lịch sử, dấu ấn dân tộc.

Ðã có không ít bạn bè bảo tôi thử tìm hiểu xem ông bà ta ba, bốn trăm năm trước, khi nói chuyện, trao đổi qua thư từ..., các cụ xưng hô với nhau như thế nào. Và tôi đã thử làm công việc này bằng cách đọc một số tác phẩm Nôm cổ thế kỷ 15, 16 và 17, 18, rồi nhặt ra những từ xưng hô ở các đoạn văn đối thoại trong những tác phẩm Nôm cổ đó. Kết quả hết sức thú vị, vì số lượng từ xưng hô của người xưa rất phong phú. Có những từ xưng hô thời xưa, nay đã mất hẳn trong ngôn ngữ giao tiếp hiện đại, nhưng cũng có những từ bây giờ vẫn dùng, song với nghĩa đã thay đổi. Phương pháp tôi làm để khôi phục những từ xưng hô thời cổ ở nước ta, rất đơn giản, và bảo đảm chính xác, bởi vì chữ Nôm là chữ để ghi tiếng: nói như thế nào, ghi lại đúng như thế. Những tác phẩm Nôm cổ tôi sử dụng ở đây, chủ yếu là các cuốn: "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (Nôm thế kỷ 15) do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Ngọ giới thiệu, khảo cứu, phiên âm chú giải[1]. Cuốn Tân biên truyện kỳ mạn lục, Tác phẩm Nôm thế kỷ 16, của Nguyễn Thế Nghi, do nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hồng Cẩm phiên âm, chú thích[2]. Và một số văn bản Nôm thế kỷ 18 trong sách Ðại Việt quốc thư, trong cuốn Gia phả họ Ðỗ ở Ðông Ngạc (Kẻ Vẽ), Từ Liêm, Hà Nội.

Dưới đây là những từ xưng hô phổ biến trong giao tiếp của người Việt Nam (vùng đồng bằng Bắc Bộ) ở các thế kỷ 15, 16, 17, 18:

- Cha gọi là áng, Bác (là chú, bác như ngôn ngữ hiện đại). Mẹ (như ngôn ngữ hiện nay), nhưng mẹ còn gọi là nạ. Tôi, ta gọi là min, là mỗ, giáp. Nó, hắn gọi là nghĩ. Chúng bay gọi là phô bay. Chúng tôi, chúng ta gọi là phô min giáp. Tôi, tao, mày. Ta. Vợ. Bà phu nhân. Ngươi. Mi, chúng mi. Thiếp, chàng. Tiên sinh. Vua gọi là Ðức hoàng thượng. Chúa gọi là Ðức bề trên...

Qua những từ vừa thống kê trên chúng ta thấy đó là những từ xưng hô phổ biến của người Việt Nam thời cổ trong các tầng lớp xã hội từ vua, chúa, quý tộc đến dân thường, bao gồm các loại đại từ nhân xưng chỉ ngôi thứ nhất (số ít, số nhiều), ngôi thứ hai (số ít, số nhiều), ngôi thứ ba (số ít, số nhiều).

Như ở phần trên chúng tôi có nói, nhiều từ xưng hô phổ biến ở thế kỷ 15-16, nhưng ngày nay chúng đã biến khỏi đời sống ngôn ngữ mà chỉ tồn tại trong các văn bản Nôm cổ, người đọc muốn hiểu nghĩa thì phải nhờ lời chú giải của các nhà khoa học chuyên về văn tự cổ. Thí dụ, người Việt Nam ở thế kỷ 15-16 nói: "Chẳng biết ơn áng nạ" (Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh). Nhờ chú giải của các nhà khoa học, độc giả ngày nay biết áng nạ là cha mẹ. Và câu trên được diễn giải là "Chẳng biết ơn cha mẹ". Hoặc đại từ nhân xưng tôi, ta, người thế kỷ 15-16 gọi là min, mỗ, giáp. Ngày nay từ min, từ giáp đã chết. Từ mỗ vẫn còn gặp trong ngôn ngữ đời sống. (Chẳng hạn, đôi khi trong chúng ta vẫn có người nói "Mỗ không thích uống rượu...")

Nếu thống kê những từ cổ xưng hô của người Việt Nam thế kỷ 15-18 rồi đối chiếu với những từ xưng hô trong giao tiếp ngày nay, chúng ta không thấy số từ người Việt Nam từng xưng hô với nhau ba, bốn thế kỷ trước vẫn đang có mặt trong đời sống ngôn ngữ hiện tại chiếm một tỷ lệ khá nhiều và các nhà văn, các tác giả phim truyện, kịch bản viết về lịch sử có thể khai thác, sử dụng một cách khá thoải mái. Thí dụ các từ xưng hô tao, mày, ta, ngươi, mi, chúng mi, thiếp, chàng, đứa kia, tiên sinh...

Tôi xin giới thiệu vài tư liệu cổ nói về cách xưng hô của một quan đại thần với vua Lê, chúa Trịnh thế kỷ 18 và cách xưng hô giữa Ngô Văn Sở với Ngô Thì Nhậm, hai nhân vật trụ cột của vua Quang Trung.

1. Trong cuốn Gia phả họ Ðỗ ở Ðông Ngạc có ghi lại một số bài khải viết bằng chữ Nôm của Ðỗ Thế Giai (một đại thần) dâng lên vua Lê chúa Trịnh và Ðặng Thị Huệ. Trong đó Ðỗ Thế Giai xưng là tôi và gọi vua Lê chúa Trịnh là Ðức bề trên gọi Ðặng Thị Huệ là Ðức chính phi.

Mỗi lần vua Lê, hoặc chúa Trịnh hỏi Ðỗ Thế Giai về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy, về đạo trị dân... trong các tờ khải điều trần của mình, bao giờ Ðỗ Thế Giai cũng mở đầu bằng câu: "Tôi cẩn khải vâng lậy Ðức bề trên..."

Khi Trịnh Sâm muốn cho Ðặng Thị Huệ (được phong tuyên phi) tham dự chính sự thì Ðỗ Thế Giai đã gửi tờ khải cho Ðặng Thị Huệ đạ can ngăn. Mở đầu tờ khải, Ðỗ Thế Giai viết: "Tôi cẩn khải vâng lậy Ðức chính phi muôn muôn năm..."

2. Trong một bức thư Ngô Văn Sở gửi Ngô Thì Nhậm, viết bằng chữ Nôm, đoạn mở đầu:

"Quan Ðại đô đốc tước Chấn quận công[3], kính gửi đến quan lại bộ Tả thị lang là tước hầu Tình phái[4] rõ: từ khi thiểm chức về triều vong hầu nhà vua, như việc sứ ở nội địa[5], nhiều giấy tờ đưa đi, đưa lại, hiền hầu đã tâu bẩm ngày trước, thời thiểm chức đã tâu về Ðức hoàng thượng[6] ngự lãm rồi...".

Rõ ràng qua những tư liệu như thế này, chúng ta biết chính xác cách xưng hô giữa vua, chúa, quan lại với nhau hồi thế kỷ 18. Ðó là nguồn tài liệu quý giá để chúng ta khai thác, sử dụng, khôi phục hệ thống ngôn ngữ giao tiếp của người xưa - ít nhất là trong các tác phẩm về đề tài lịch sử trên sân khấu, điện ảnh...

Theo Tạ Ngọc Liễn - Văn nghệ trẻ



[1] Nxb Khoa học xã hội, 1999.
[2] Nxb Văn hóa Dân tộc, 2000.
[3] Tức Ngô Văn Sở.
[4] Tức Ngô Thì Nhậm.
[5] Chỉ nước China
[6] Chỉ Quang Trung.


0 bình luận :