Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

14/5/13

Về bạt văn của dịch giả Mạc Bảo Thần

Hàn Giang

Dưới đây là vài suy nghĩ của tôi sau khi đọc tác phẩm Lam-sơn Thực-lục do cụ Mạc Bảo Thần dịch, NXB Tân Việt ấn hành năm 1944

Việc chú giải và viết lời bạt của dịch giả cho thấy cụ đã nghiên cứu rất kỹ các văn bản trong sách này và các văn bản liên quan. Tóm lược, cụ Mạc Bảo Thần có ba nhận định:
1. Các đoạn in khác kiểu trong Lam-sơn Thực-lục là do người đời sau thêm vào.
2. Tác phẩm Lam-sơn Thực-lục và Văn bia Vĩnh-lăng là do Nguyễn Trãi soạn.
3. Vì đức khiêm tốn mà cụ Nguyễn Trãi không tự nhận mình là bậc “khai quốc nguyên huân”.

Về nhận định số 1, do người đọc không biết chữ Hán nên không dám có ý kiến gì. Đối với các nhận định sau, thiết tưởng có nhiều vấn đề cần bàn thêm. Để vấn đề đỡ loãng và để tránh việc tham chiếu quá rộng, đồng thời tôn trọng ý kiến của cụ Mạc Bảo Thần, người đọc chỉ khoanh vùng tài liệu tham chiếu trong nội dung cuốn sách này, gồm:
-       Tựa của Lam-sơn Thực-lục
-       Lam-sơn Thực-lục
-       Bình Ngô đại-cáo
-       Văn bia Vĩnh-lăng
-       Bạt – của cụ Bảo Thần

Về nhận định số 2, cụ Bảo Thần dùng hai động từ “soạn” và “viết” để khẳng định Nguyễn Trãi là tác giả của Lam-sơn Thực-lục (bao gồm Bình Ngô đại-cáo) và Văn bia Vĩnh-lăng. Ý tưởng này thiết nghĩ không có gì đáng bàn nếu chữ “soạn – ”không đa nghĩa.

Thiều-chửu Từ điển cho biết:

” – Soạn là làm văn, làm sách, ghi chép các việc gọi là soạn. Như soạn thuật 撰述 thuật việc theo trước làm thành bài, thành sách, soạn trước 撰著 tự lấy ý mình làm thành văn, thành sách, v.v.

Như vậy, “soạn” vừa có nghĩa sáng tác, vừa có nghĩa chép lại sự việc. Nếu là sáng tác thì soạn giả là chủ nhân của cả câu chữ lẫn nội dung tư tưởng, nếu có, của tác phẩm. Nếu là chép lại sự việc thì soạn giả chỉ đơn thuần là người chấp bút, là chủ nhân của câu chữ và chỉ câu chữ mà thôi. Soạn, trong trường hợp thứ 2 cũng như H. C. Andersen kể lại chuyện cổ tích hay như J. Favreau soạn diễn văn cho ông B. Obama. Dĩ nhiên câu chữ hay cũng đáng là văn tài hiếm có.

Căn cứ nội dung của Lam-sơn Thực-lục và lời của Lê Thái-tổ: “Nên Trẫm nghĩ làm ra bộ sách này, thực là rất trông-mong cho con-cháu đời sau!” và Văn bia Vĩnh-lăng: “Vinh-lộc Đại-phu Nhập-nội Hành khiển, chủ việc ba quân, tôi là Nguyễn Trãi phụng Sắc, soạn”;

Căn cứ sự giống nhau trong đoạn đầu của Văn-bia và Lam-sơn Thực-lục như cụ Bảo Thần đã chỉ ra; người đọc có thể kết luận: Cả hai tác phẩm đều do Nguyễn Trãi phụng Sắc mà soạn nên. Lam-sơn Thực-lục là do phụng Sắc của Lê Thái-tổ, Văn bia Vĩnh-lăng là do phụng Sắc của Lê Thái-tông.

Vậy, “soạn” ở đây nên được hiểu là “ghi chép các việc”, nghĩa là nội dung tư tưởng, nếu có trong tác phẩm, đều không phải của Nguyễn Trãi.

Nên chăng từ nay, khi xuất bản các tác phẩm này cần ghi rõ “Nguyễn Trãi soạn thuật theo ý chỉ của Lê Thái-tổ/Lê Thái-tông” thay vì chỉ ghi đơn giản là “Nguyễn Trãi” để tránh sự hiểu nhầm?

Về nhận định số 3, cụ Bảo Thần khẳng định “Còn chỗ nói đến các văn-thần có công giúp Nhà-vua mở nước, thì chỉ kể có Lê Văn Linh và Bùi Quốc Hưng. Ấy là ông Trãi tự mình khiêm-tốn không dám tự-nhận là hạng khai-quốc nguyên-huân”. Thiết nghĩ, kết luận này cần được xem lại ở hai điểm: Một là Nguyễn Trãi có phải là “khai quốc công thần” không? – Việc này cần tra cứu nhiều tài liệu nên không xem xét trong khuôn khổ bài viết này. Hai là Nguyễn Trãi có nêu công lao của mình trong các văn bản nêu trên không?

Nếu Nguyễn Trãi có công lớn trong việc giúp Lê Thái-tổ mở nước thì công ấy ắt lớn hơn hẳn công lao “soạn” Bình Ngô đại-cáo và “giấy tờ đi lại ở trong quân”. Việc soạn Bình Ngô đại-cáo dù nhỏ hay lớn đối với Nguyễn Trãi thì cũng ắt phải kể vì đấy là việc lớn của Vua, là điểm mốc quan trọng trong lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, tại sao Nguyễn Trãi không kể công lao gì lớn mà lại chỉ viết về mình đúng một câu: “Nhà-vua từ khi khởi nghĩa, đến lúc bình được giặc, lấy lại được nước, bao nhiêu giấy tờ đi lại ở trong quân, đều sai văn thần Nguyễn Trãi làm ra”. Chuyện này lại không bị bắt buộc phải kể như chuyện soạn Bình Ngô đại-cáo.

Vả chăng, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, việc soạn thảo những văn bản này không phải là việc riêng giữa Nhà vua và Nguyễn Trãi. Cứ như lời tựa của lần chỉnh lý vào năm Vĩnh-trị thứ nhất (1676) dưới triều Lê Hy-tông, thì chỉ riêng việc “tìm-tòi, chắp-vá, sắp lại thành sách” đã cần đến 8 người. Huống chi, việc làm sách như lời Lê Thái-tổ nói “cốt là để trọng nghĩa đầu gốc. Và cũng để kể rõ sự-nghiệp gian-nan của Trẫm, truyền-bảo lại cho con-cháu vậy.” Với mục đích đó, e rằng, ít nhất khi soạn xong, sách phải được trao cho đình thần xem xét luận bàn trước khi Nhà vua phê chuẩn. Vậy, nhẽ nào toàn bộ đình thần (và cả Nhà vua) đều thấy việc không ghi công lao của Nguyễn Trãi (nếu thực sự có công lớn) là điều hợp lý?? Thật đáng suy nghĩ và tìm hiểu!

Lời nhắn: Bạn đọc nào có hứng thú với bản epub, mobi của quyển sách này thì để lại địa chỉ thư điện tử ở mục bình luận (comment), mình sẽ gửi tặng.

0 bình luận :