Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

21/5/14

Giấc mơ (Truyện ngắn)


Khách sạn X, buổi họp báo, ngày... tháng... năm...
- Vâng, mời anh mặc áo màu cháo lòng.
Hội trường có tiếng phì cười. Nam phóng viên có cái áo màu cháo lòng trứ danh đứng lên, sửa lại cặp kính cận, sau giây phút lúng túng đã lấy lại vẻ tự tin, tuôn ra câu hỏi trôi chảy:
Ảnh: www.crafty.com
- Vâng, cảm ơn cô. Xin nhà văn vui lòng cho biết, tại sao cô lại chọn lối hành văn giản dị, đôi khi ngắn gọn đến mức khô cứng trong những cuốn sách của mình, thay vì lối trò chuyện uyển chuyển và có phần cầu kỳ trong đời thường?
- Đây là một câu hỏi tuyệt vời, đồng thời bóc mẽ sự dài dòng khi diễn đạt của tôi, đúng vậy không? Chàng phóng viên nhún vai. Nữ nhà văn duyên dáng hất lọn tóc xòa xuống trán tiếp tục nói, tôi không chọn, mà văn phong đó là tất yếu, bởi nó phù hợp với nội dung, nên không thể viết theo cách khác cho được. Đơn giản là khi tôi viết, mọi câu chữ đều là để dành riêng cho sự viêc, con người đó. Xin lỗi, anh tên gì? Thanh? Vâng, giống như anh vậy, nếu anh đơn giản là Thanh, tại sao tôi lại phải dùng kiểu diễn đạt phức tạp nào đó để biến anh thành Thành, Thánh... phải không?
Anh chàng phóng viên chưa kịp phản pháo thì một loạt cánh tay khác đã giơ lên và cô nhanh chóng chỉ định một cô gái.
- Tôi thích màu son của cô, xin mời.
Cô gái sắc sảo, tô son đỏ tươi mỉm cười vẻ tự mãn, cong đôi môi hướng tới nữ nhà văn:
- Nhiều người cho rằng, truyện của chị quá đơn giản, đôi khi ngây ngô, nhưng lại thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả trẻ tuổi. Có phải ngày nay lớp trẻ quá nông cạn? Chị có nghe những lời buộc tội rằng những tác phẩm của chị góp phần thúc đẩy cách nghĩ giản đơn, lối sống không lý tưởng của họ?
- Nếu quả thực như vậy, tôi rất mừng vì mình có tầm ảnh hưởng lớn như thế. Đúng là truyện của tôi đơn giản, nhưng theo cách nói của bạn, đơn giản trở thành một khái niệm đồng nghĩa với tiêu cực từ khi nào vậy? Tôi viết những câu chuyện đó vì cuộc sống đã quá phức tạp, nhiều gánh nặng và đang ngày càng hỗn loạn. Tôi thích so sánh sách của mình như một luống rau sạch, nhẽ ra phải là một điều hiển nhiên nhưng lại đang trở nên quý hiếm trong xã hội ngộ độc này. Rau của tôi không phun thuốc, có thể có sâu, nhưng độc giả sẽ được an toàn và thư giãn. 
- So sánh gì ghê vậy. Sâu ư? Á á á!!!
Tiếng hét vang lên đúng lúc Diệu Thanh bật tỉnh giấc. Cô mỉm cười, đắc ý như thể vừa thực sự chơi khăm được cô nàng môi đỏ. Rồi Diệu Thanh nhảy ra khỏi giường, xỏ dép chạy sang phòng bố.
- Bồ tèo, dậy mau, con có giấc mơ hay lắm. Nhanh kẻo quên mất.
Thế là trong lúc bố cô tất bật đánh răng, rửa mặt, cạo râu, đập trứng làm đồ ăn sáng thì cô lẽo đẽo bám theo, ôm hộp sữa lớn, đổ ra hai cốc to, miệng liến láu kể cho hết từng chi tiết trong giấc mơ.
Năm nay Diệu Thanh 17 tuổi, đã 10 năm kể từ khi mẹ mất, cô và bố duy trì một tình bạn khăng khít.
Giờ đây hai cha con đang ngồi ăn sáng trên bàn bếp, miệng nhồm nhoàm miếng bánh mỳ, Diệu Thanh hào hứng nói với ông:
- Hai năm nữa khi con trở thành nhà văn nổi tiếng, bồ sẽ không phải đi làm nữa. Làm quản lý cho con, chúng ta sẽ suốt ngày được ở cùng nhau, đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Người cha phì cười:
- Nhà văn thì liên quan gì đến du lịch?
- Ơ, hay nhỉ, đi mới có tư liệu để viết chứ. Bồ muốn con là nhà văn chỉ biết nằm mơ thôi à!
Người cha nghiêm nghị trở lại, ông nói:
- Con thực sự muốn trở thành nhà văn chứ.
Diệu Thanh bĩu môi:
- Bồ tưởng con đùa á?
- Nếu con nghiêm túc, hãy bắt đầu viết ngay từ bây giờ.
- Tất nhiên rồi. Con sẽ viết ngay. Nhưng bồ vẫn phải nghe những giấc mơ của con mỗi sáng đấy nhé!
Người cha làm mặt mếu:
- Ôi, thế mà cứ tưởng mình thoát nợ chứ!
Chiều về, cô gái quăng ba lô, mở máy tính xách tay, khệ nệ bê ra cửa sổ, rồi chạy lại tủ lạnh, mở một hộp kem to, mang ra góc làm việc chuẩn bị sáng tác. Ngoài cửa sổ, mấy bông hồng tiểu muội nở chúm chím trong ánh chiều xuân. Lát sau, cha cô về, lẹ làng đi lại phía sau con gái. Cô vờ không nghe tiếng, khi ông lại gần thì cười khanh khác, úp máy đánh rụp một cái.
- Bồ gian! Tác phẩm chưa hoàn thành, chưa được xem.
Thời gian trôi qua, chẳng mấy chốc đã đến mùa hè, những khóm hồng bớt dần hoa, thay vào đó lá xanh tươi tốt. Diệu Thanh đôi lúc, vẫn ngồi bên cửa sổ ấy, nhìn chăm chăm vào màn hình máy tính, file văn bản của cô có khoảng chục dòng chữ, cô đang điên cuồng nhấn phím del đến khi màn hình trắng tinh.
Người cha bước lại gần, ngồi xuống bên, nhìn cô chờ đợi. Diệu Thanh xìu mặt, mắt quỵt xuống, xầm xì nói:
- Sao con không thể viết được. Mỗi lần đọc lại những dòng đã viết, con thấy ngốc nghếch làm sao í.
- Hay do con chưa tập trung?
- Không phải. Mỗi lần kể chuyện cho bồ nghe, con thấy đầu óc rất thông suốt, câu chuyện chảy ra như suối mùa xuân. Thế mà, cứ hễ chuẩn bị viết ra là y như rằng tắc tị.  Cứ như những con chữ có thù hằn với con vậy, chúng trừng trừng nhìn con, khiến con mất hết nguồn mạch cảm hứng.
- Vậy con đừng nóng vội, hãy cứ viết ra đi. Hay là để bồ đọc và góp ý cho con, biết đâu người ngoài sẽ có cái nhìn khách quan hơn, chắc gì con viết dở như con nói.
Xem tiếp Phần hai
Cẩm Giang

0 bình luận :