Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

22/5/14

Giấc mơ (Truyện ngắn, tiếp theo)


(tiếp theo và hết)
Diệu Thanh ngần ngại, rồi mở một file đầy chữ, đẩy máy sang phía bố. Cô co ro ngồi một góc, bịt tai, nhắm mắt chờ đợi. Người cha đọc một hồi, rồi im lặng, vẻ khó xử, tìm từ ngữ để diễn đạt chính xác suy nghĩ. Nào ngờ Diệu Thanh đã mở mắt tự bao giờ, rơm rớm nước mắt, mếu máo nói:
- Thôi, bồ không phải nói nữa. Con biết mình viết quá chán mà.
Cô gục xuống bàn, người cha vuốt tóc con gái, thở dài.

Một hôm, người cha đi làm về, tay cầm một hộp cac-tông nho nhỏ. Diệu Thanh ngồi ở bàn, đang gõ nhát gừng từng chữ, vẻ mặt chán nản. Người cha đóng máy tính, gạt sang bên, cười nói:
- Từ nay con đừng viết nữa.
Diệu Thanh ngạc nhiên nhìn cha, lắc lắc cái đầu xinh xinh.Người cha đẩy cái hộp nhỏ cho con gái, trỏ tay, cười bí hiểm. Cô mở tung hộp, cầm lên một chiếc máy ghi âm màu hồng.
- Ha, máy ghi âm hả! Cô thốt lên thích thú. - Là sao đây?
Người cha hài lòng trước phản ứng của con gái, nói:
- Bồ thấy đúng là con kể chuyện rất hay, vì thế mới mua tặng con cái máy này. Mỗi khi có ý tưởng và câu chuyện, con hãy nói với nó, như kể chuyện í, rồi sau đó viết lại.
- Tuyệt quá! Bồ ơi, sao bồ thông minh thế!
Nhìn con gái hớn hở, người cha cảm thấy lòng chùng xuống. Nó mới giống mẹ làm sao. Hễ còn một hơi thở, ông sẽ còn hy sinh mọi thứ để nó được hạnh phúc.
Mùa thu đến trên những chiếc lá vàng rơi, liệng vào khung cửa sổ. Diệu Thanh đeo tai nghe, lắng nghe lại chính những câu chuyện của mình từ máy ghi âm. Cô nhíu mày, giật phắt tai nghe, ném vào một góc. Giọng của cô nghe thật xa lạ, chuyện cô kể sao mà khô khốc, chẳng hề thu hút. Chiếc máy ghi âm màu hồng co rúm ở xó bàn. Cô vò đầu bứt tai:
- Có lẽ kể cho bồ nghe dễ hơn là đối diện với cái máy vô hồn này.
Cha Diệu Thanh trầm ngâm nói:
- Hay con đi thăm dì đi. Biết đâu không gian sôi động ở đó sẽ giúp con lấy được cảm hứng sáng tác. Con cũng sẽ có những giấc mơ đẹp.
Vậy là nhân kỳ nghỉ lễ, Diệu Thanh khăn gói đến nhà dì. Bố cô nói đúng thật, dì sống giữa thành phố du lịch, vừa sôi động vừa nên thơ. Không chỉ được đắm mình trong làn biển mặn chiều chiều, trải nghiệm cảm giác lặn giữa đại dương với vô vàn sinh vật kỳ thú, leo lên đỉnh núi cao đón bình minh... cô còn kết bạn với một nhóm sinh viên du lịch đến đây thực tập. Họ thỏa thích tận hưởng thiên đường. Ở đây chỉ có một mùa - mùa của mặt trời rạng rỡ, của tuổi xuân và say mê, không có đông lạnh già nua như ở thành phố cô và bố sinh sống. Dì yêu và thương cô lắm, nhất là sau khi mẹ mất. Có lần dì hỏi Diệu Thanh sao không thi vào trường đại học ở đây để được gần dì. Diệu Thanh cảm thấy rất hấp dẫn nhưng việc xa bố khiến cô không vui. Song phải thú thục khi nghĩ tới ngày về, rời xa nơi đây, cô nhìn làn da rám nắng của mình không khỏi nuối tiếc. Bố có vẻ nhớ cô, giọng ông qua điện thoại rất xa xăm, hơi run rẩy, có lẽ vì cái lạnh đầu đông chăng. Cô phải về thôi.
Diệu Thanh ùa vào nhà, mang theo sự nồng ấm, bộc trực của thành phố biển đầy nắng và gió. Người cha vứt bỏ bộ mặt buồn bã, già nua của mình ngay lập tức, ông bị lây sức trẻ từ cô gái.
Sau khi ôm cha, Diệu Thanh giật mình, đứng ra xa nhìn lại người đàn ông thân yêu mà lần đầu tiên trong đời cô xa lâu như vậy.
- Mới hai tuần mà bồ có vẻ gầy. Không nghe lời con, không ăn uống đầy đủ phải không?
Người cha xua đi:
- Tại nhớ con ấy mà. Hôm nay chúng ta phải liên hoan một bữa thật thịnh soạn mừng con về. Thật sốt ruột nghe chuyện của con quá.
Trong một nhà hàng giản dị, Diệu Thanh lại liến thoắng những câu chuyện mới, những trải nghiệm thú vị mà cô thu thập được trong kỳ nghỉ. Mặt cô sáng bừng, linh hoạt. Cha cô lặng nghe, đôi khi thể hiện vài động tác hưởng ứng, mắt ông long lanh, đong đầy hạnh phúc.
Sau hôm đó, Diệu Thanh lao vào ôn thi, cô tạm gác kế hoạch trở thành nhà văn lớn. Nhưng họ không quên nghi thức mỗi sáng, khi hai người quắn lên chuẩn bị đi làm, đi học đồng thời lắng nghe những giấc mơ của Diệu Thanh đêm qua và những câu chuyện mà cô thêu dệt thêm. Hai người bọn họ vượt qua mùa đông giá lạnh bằng những câu chuyện đáng yêu và ấm áp.
Nhưng mùa đông không bao giờ đi qua, nó ở lại trên những cây hồng tiểu muội xác xơ, trơ thân gày guộc, nó mãi mãi ở lại ngôi nhà, khi người cha ra đi một chiều. Dù căn bệnh tàn phá cơ thể cường tráng của người cha nhanh chóng, ông đã kịp chuẩn bị mọi thứ cho con gái. Diệu Thanh sợ những giấc mơ hàng đêm, sợ một mình đối mặt với nghi thức thiết tha cô từng làm với cha mỗi sáng. Cô dọn dẹp đồ đạc đến thành phố biển với người dì duy nhất.
Trong chiếc hộp đựng chiếc nhẫn cưới của cha mẹ mà Diệu Thanh chắc chắn mang theo giờ đây có cả chiếc máy ghi âm màu hồng. Cô ngạc nhiên tưởng nó đã thất lạc đâu mất. Nhét tai nghe, bật file có tên "Gửi nhà văn nổi tiếng", Diệu Thanh run run. Giọng cha cô vang lên gần hơn bao giờ hết: "Con gái yêu, con thực sự là nhà văn lớn của bố, những câu chuyện của con đã giúp bố sống nhiều, sống hạnh phúc hơn tất cả mọi nỗ lực của bác sỹ và các loại thuốc. Nhưng sẽ thật không công bằng nếu con không trở thành nhà văn nổi tiếng, để nhiều người có được niềm vui như bố đã từng. May thay, tuổi già cẩn thận đã giúp ta lặng thầm ghi âm lại những câu chuyện thú vị từ giấc mơ của con, tất cả ở trong này. Hãy viết ra nhé, hãy khiến thế giới đáng yêu và đáng sống hơn. Bố sẽ luôn nhớ giọng nói ngọt ngào của con".

Nước mắt lăn dài trên má khi Diệu Thanh nghe lại những câu chuyện cô kể cha nghe, xen kẽ là những lời nhận xét, trêu chọc của ông, như thể ông vẫn còn ở đây, bên cô. Diệu Thanh bật máy tính, bàn tay cô múa trên bàn phím, gõ những câu chuyện, viết lên giấc mơ.
Hết
Cẩm Giang

0 bình luận :