Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

6/5/13

Nguyễn Trãi bị giam ở đâu

Hàn Giang

Đọc lại bài Thủ vĩ ngâm của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập, mình rất thắc mắc về chữ "Nam" trong câu đầu và câu cuối được viết hoa. Nguyên bài này Nguyễn tiên sinh viết bằng chữ Nôm, hậu thế chuyển thành chữ quốc ngữ.

/ Thủ vĩ ngâm

/ Góc thành Nam lều một gian
/ No nước uống thiếu cơm ăn
/ Con đòi trốn dường ai quyến
/ Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn
/ Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
/ Nhà quen thú thứa ngại nuôi vằn
/ Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải
/ Góc thành Nam lều một gian

Giả sử việc viết hoa chữ "Nam" là đúng thì nảy sinh chút nghi hoặc. Hầu hết sách vở bằng chữ quốc ngữ sau này đều cho rằng Nguyễn tiên sinh viết bài này khi bị giặc Minh giam ở thành Đông Quan (tên của thành Thăng Long lúc bấy giờ), cụ thể là bị giam lỏng ở góc phía nam thành.

Nếu "nam" là chỉ phương vị, thì sao lại viết hoa?? Theo ngữ pháp tiếng Việt, danh từ chỉ phương vị trong trường hợp này đương nhiên viết thường. Vậy, kết luận 1: nếu viết hoa thì “Nam” ắt hẳn là chữ chỉ địa danh.

Bên cạnh đó, toàn bộ bài thơ được kết cấu theo ngữ pháp tiếng Việt. Tính từ, bổ ngữ đều đứng sau danh từ. Ví dụ: “No nước uống” hoặc “Bà ngựa gầy” (Bà = Con, tiếng Việt cổ). Tại sao riêng câu đầu, câu cuối lại viết theo ngữ pháp tiếng Hán “Góc thành Nam”. Nếu ở góc nam của ngôi thành thì phải là “Góc nam thành” mới đúng. Nếu cụm từ này đã được viết đúng ngữ pháp tiếng Việt và chữ "Nam" viết hoa như kết luận 1 trên đây thì kết cấu của cụm này phải là “Góc / thành Nam”; trong đó “thành Nam” là cụm từ định danh một ngôi thành nào đó có tên đầy đủ hoặc tên tắt là “Nam”. Tạm gọi đây là kết luận 2.

Trong thời gian giặc Minh đô hộ, nước ta có hai ngôi thành lớn là Thăng Long tức Đông Đô hoặc Đông Quan và Tây Đô hay Tây Kinh. Cả hai ngôi thành này không có yếu tố “nam” trong tên. Xét trong suốt lịch sử Việt Nam, Thăng Long cũng chưa bao giờ mang tên có chứa yếu tố phương vị “Nam” trong tên.

Tên của Thăng Long qua các thời kỳ:
- Đại La: dưới thời Phùng Hưng, họ Khúc, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn
- Thăng Long (昇龍): Triều Lý, Triều Trần, Hậu Lê
- Đông Đô: Trần Thiếu Đế
- Đông Quan: Thời kỳ thuộc Minh
- Đông Kinh: Lê Thái Tổ
- Thăng Long (昇隆): Gia Long
- Hà Nội: Từ Minh Mạng trở về sau

Căn cứ kết luận 2 và sự thật về tên của Thăng Long trong thời kỳ này, phải chăng, Nguyễn Trãi KHÔNG bị giam ở Đông Quan?! Thậm chí, ông KHÔNG bị giam ở Đại Việt?!

Lưu ý: Nguyễn Trãi bị giam ở đâu rất quan trọng vì điều này liên quan đến việc ông tham gia Nghĩa quân Lam Sơn vào lúc nào và đóng góp đến đâu.

0 bình luận :