Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

4/6/14

Rượu


Theo truyền thuyết và ghi chép lịch sử của Trung Quốc, Đỗ Khang hay còn gọi Thiếu Khang, là quốc vương thứ năm của triều nhà Hạ.

Phù điêu mô tả người Cơ tu uống rượu cần
Ảnh: Dân trí
Tương truyền, vào khoảng vương triều thứ tư, triều nhà Hạ xảy ra chính biến, tranh giành chém giết lẫn nhau. Khi đó hoàng hậu của quốc vương đương triều đang mang thai đã phải trốn chạy về quê mẹ đẻ và sinh hạ được một cậu con trai. Vì mong muốn cậu bé giỏi giang như ông nội Trọng Khang, nên bà đã đặt tên cho con là Tiểu Khang.

Thuở nhỏ Tiểu Khang sống với nghề chăn thả gia súc, cơm mang theo thường treo lên cành cây, nhiều khi quên ăn. Một vài ngày sau, Tiểu Khang phát hiện túi cơm đã biến mùi, chảy ra những giọt nước trong vắt, ngọt ngào, thơm ngát. Điều đó đã gây hứng thú cho cậu bé. Qua nhiều lần tìm tòi nghiên cứu, cuối cùng cậu đã phát hiện ra nguyên lý lên men, sau đó từng bước mô phỏng, cải tiến để rồi tìm ra một công nghệ ủ và nấu rượu hoàn chỉnh. Từ đó Đỗ Khang được coi là ông tổ của nghề nấu rượu ở Trung Quốc.

Tuy nhiên dân gian cũng có một câu chuyện vui về việc tìm ra rượu và thưởng thức rượu như sau:

Thứ nước uống do Đỗ Khang mới đầu tìm ra chỉ là một loại nước giải khát thông thường, như Coca Cola hay 7Up của chúng ta hiện nay, không có chất cồn gây cảm giác lâng lâng hay say sưa sau khi uống. Đỗ Khang ngày đêm suy nghĩ, mong muốn cải tiến. Một hôm trong lúc ngủ, có một vị thần hiện về bảo với Đỗ Khang rằng, trong ba ngày tới, mỗi ngày vào giờ Dậu hãy ra cổng thành phía Tây xin một giọt máu của người gặp đầu tiên, sau đó về pha vào thứ nước uống kia sẽ được hiệu quả như ý. Đỗ Khang bèn làm theo. Ngày đầu tiên ngay đầu giờ Dậu ông đã gặp được một thi sĩ, xin được một giọt máu của ông ta. Ngày hôm sau ra chỗ cũ ngồi đợi, quá nửa giờ Dậu mới gặp một tráng sĩ và anh ta cũng vui vẻ cho Đỗ Khang một giọt máu. Ngày thứ ba, đợi mãi đợi mãi, gần hết giờ Dậu vẫn không thấy bóng dáng một ai. Mãi đến cuối giờ Dậu xuất hiện một tên lưu manh, không còn cách nào khác, Đỗ Khang phải xin hắn một giọt máu.

Đã có đủ ba giọt máu xin đúng giờ Dậu, Đỗ Khang pha vào món nước kia uống thử, hiệu quả thật tuyệt vời. Đó cũng chính là thứ rượu mà chúng ta uống hiện nay. Vì vậy trong tiếng Hán, chữ “tửu - rượu” () được cấu tạo gồm bộ chấm thuỷ (3 giọt máu) và chữ dậu (giờ Dậu) đứng sau.

Tửu - Trương Khắc Tư viết
Thú vị hơn là chuyện uống rượu. Khi mới uống, vài ba chén ban đầu chính là chúng ta uống giọt máu của thi sĩ, vậy nên ai cũng ăn nói rất hoa mỹ, bay bướm, giàu ý thơ. Tiếp theo chúng ta uống giọt máu của tráng sĩ, đến lúc này sức khoẻ dường như vô biên, ai mời cũng uống, liên tục “dzô dzô” rồi “trăm phần trăm”. Cuối cùng là giọt máu của kẻ lưu manh, uống xong say xỉn phá phách, làm những điều bậy bạ, vi phạm thuần phong mỹ tục hay phạm pháp cũng là do uống đến giọt máu của kẻ lưu manh này.

Đàn ông Hmoong và rượu ngô
Ảnh: Jeff Phạm
Vậy nên uống rượu ngày nay, không được giống như các thi sĩ ngày xưa “bầu rượu túi thơ, uống xong “xuất khẩu thành chương”, nhưng cũng cố gắng giữ mình chỉ uống hết “giọt máu thứ nhất”. Quá lắm mới uống đến “giọt máu thứ hai” là cũng đỡ tốn tiền hại sức khoẻ rồi. Đừng uống đến “giọt máu thứ ba” mà không giữ được chính mình.

Chuyện phố xin tặng quý vị danh mục các loại vang dùng với hải sản.



 Ngọc Khanh

0 bình luận :