1. Có hay không một vương quốc Champa thống nhất
Có lẽ
cũng đã đến lúc chúng ta dừng lại việc nhìn nhận vùng đất Trung bộ và nam Trung
bộ Việt Nam, như những loại "chiến lợi phẩm" trong cuộc đối đầu giữa
Đại Việt với một vương quốc Champa lân bang, nguyên vẹn và thống nhất trong
lịch sử.
Một
thời, việc nghiên cứu Champa với tư cách là một vương quốc tập quyền hình thành
vào năm 192 và trải dài trong suốt nhiều thế kỷ đầu Công nguyên của Trung Quốc,
như Thuỷ Kinh Chú, Lâm Ấp Ký, Tiền Hán Thư, Hậu Hán Thư, Đường Thư,... đã trở
thành những nguồn tài liệu quan trọng, dẫn dắt các nhà nghiên cứu nhiều nước
xích lại gần nhau trong quá trình biện dẫn sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp từ
cuộc nổi dậy của Khu Liên, nhân vật (nhóm người?) đã giành độc lập từ tay nhà
Hán ở vùng đất Nhật Nam xa xôi so với tầm tay quản lý của "thiên
triều".
Những
khuôn mặt Champa học lớn ở phương Tây như H.Maspéro, L. Aurousseau, E.Aymonier,
L.Finot, H.Parmentir, G.Coedès, J.Y. Clayes, R. Stein với những lập luận ít
nhiều có tính xác quyết tiến trình hình thành nhà nước Champa, đã ảnh hưởng
không nhỏ đến các học giả ở trong nước lẫn các nhà chuyên môn thuộc lớp hậu duệ
ở Bắc Mỹ, Đông Á và châu Âu sau này.
Sự hình dung ít có nghi vấn về một vương quốc có tên Lâm Ấp
(192-758) à Hoàn Vương (758-866) à Chiêm Thành (886-1471) à Champa,
thống nhất từ đèo Ngang đến hết vùng nam Trung bộ với tộc người Chăm chủ thể
thuộc ngữ hệ Malayo-Polynesie, đã trở thành đầu mối cho những lập luận có liên
quan đến nhiều công trình nghiên cứu về nhân học, lịch sử, chính trị, khảo cổ,
kiến trúc, nghệ thuật học về Champa.
Trong chừng một vài thập niên trở lại đây, với sự bổ sung
của nhiều nguồn tư liệu, nhất là sự mở rộng đối sánh theo dạng cấu trúc mô hình
xã hội trên phạm vi khu vực Đông Nam Á của các nhà khoa học, cùng với những
thông tin được giải mã một cách hợp lý giữa nội dung một số văn khắc cũng như
các hiện vật khảo cổ học mới phát hiện bổ sung..., một số tác giả như B.
Bronson, R. Hall, O.W. Wolter, R.Nakamura ....[1] và
gần đây nhất William Southworth trong luận án tiến sĩ (2001) với đề tài The
Origins of Champa in Central VietNam (Những nguồn gốc của Champa tại miền Trung
Việt Nam) hoặc Le Vietnam des Royaumes (Việt Nam những vương quốc)[2] đã
có những nhận định làm cho việc nghiên cứu Champa và dải đất Trung bộ- nam
Trung bộ và Tây Nguyên đương thời cần phải được nhìn nhận lại.
Có thể nói một cách không ngần ngại là chưa có một tài liệu
nào chứng minh được một cách thuyết phục sự hiện hữu của Champa trong lịch sử
với tư cách là vương quốc thống nhất, với sự quản lý tập quyền từ một kinh đô
duy nhất, mà ngược lại, người ta chỉ có thể nhận ra ở đây chân dung của sự sống
chung, phân ly, liên kết, thống trị, bị trị, cát cứ, độc lập tương đối... giữa
nhiều tiểu quốc, bao gồm không ít những tộc người có nguồn gốc và ngữ hệ khác
nhau. Mô hình Mandala (tiểu quốc) mà các tài liệu phương Tây thường gọi là
Circles of kings, là một tổ chức nhà nước dưới những cấp độ về quy mô và có cấu
trúc kinh tế-xã hội-chính trị- thần quyền khá phổ biến ở vùng sử liệu, kể cả
văn khắc bi ký của từng triều đại, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy thông tin
liên quan đến các thị tộc Cau-Dừa, dòng Núi-dòng Biển, Bắc Chăm, Nam Chăm, các
tên gọi chỉ cương vực địa lý chính trị như Amaravati, Indrapura, Vijaya,
Kauthara, Panduranga... với sự tôn vinh và ngợi ca các vị thần toả ảnh hưởng
trong lãnh địa của mình. Những dấu hỏi về Phù Nam, vương quốc Mạ ở thượng nguồn
sông Đồng Nai, hàng loạt di tích Án giáo ở Tây Nguyên, vương quốc Koom và nhóm
Katuic ở miền núi Trung bộ, đều tỏ ra, ít nhất, là trong những thông tin hiện
có, không hề biểu thị bất cứ tính liên kết hữu cơ máu thịt nào với một vương
quốc mẹ trong một thể thống nhất.
Với xu hướng mới trong việc tiếp cận nghiên cứu vùng đất
Champa xưa như đã nêu, ngày càng có nhiều công trình đề cập đến những lập luận
thuyết phục hơn về hình ảnh các tiểu quốc sống song song tồn tại bên nhau với
những thăng trầm và đầy biến động; có thời kỳ một tiểu quốc đủ sức mạnh bành
trướng thế lực, lại khống chế những tiểu quốc khác, và khu lịch sử sang trang,
hiện tượng ấy có thể bị đảo ngược. Chính vì vậy, các thuật ngữ như Raja,
Campadhipa, Haharaja, Rajadhiraja... trong bi ký Chăm nhằm chỉ thị uy quyền
được tôn vinh: vua, vua vĩ đại, vua của các vị vua như một cách xác định thế
lực của từng tiểu quốc trong những thời điểm cụ thể.
Chúng ta có thể xem triều đại Indrapura trong lịch sử là một
thí dụ dẫn chứng. Ảnh hưởng của Indravarman I, người đăng quang và khai sáng triều
đại Indrapura (875-972) đã toả ảnh hưởng của mình từ nam Quảng Nam đến tận
Quảng Bình với một tiểu quốc gồm nhiều tiểu quốc bị khống chế, tạo nên dấu ấn
Phật giáo khá đậm nét trong lịch sử.
2. Ô Lý trong cuộc chuyển dịch về phương Nam của người Việt
Trong lịch sử phong kiến luôn phản ánh chất đa sách lược của
Đại Việt trong bang giao với các nước lân bang, lẫn cả trong đối nội với những
khu tự trị ở các tộc người thiểu số: phủ dụ, trừng phạt, răn đe, liên kết hữu
nghị, bắt cầu su gia... Ô và Lý là món sính lễ có được giữa Sihavarman III (Chế
Mân) và Trần Anh Tôn qua chuyến viễn du công cán dài ngày trên vùng đất Chăm
của Trần Nhân Tôn, tất cả chỉ là hệ quả của thực tế không cưỡng lại được, đó là
sự đối trọng không cân xứng giữa một nhà nước quân chủ tập quyền, tồn tại trên
cơ sở nông nghiệp với những tiểu quốc lấy thương nghiệp trao đổi làm trụ cột.
Giáo sĩ và thương nhân ở các tiểu quốc là hai thế lực làm chủ những cửa sông
lẫn biển và phát huy uy lực bằng kinh tế hàng hoá, mỗi cửa cảng chịu sự quản lý
của một tiểu vương mà cương vực của ông ta được xác lập trên một trục theo dạng
cấu trúc cảng biển, sông thiêng, núi thiêng, đất thiêng với tính chất này, đã
làm sự gắn bó giữa họ, kẻ nắm quyền lực trong tay với đất đai không mặn mà như
người làm nông và những vương quốc lấy nông nghiệp làm trọng. Đất hứa của những
người có quyền lực ở những tiểu quốc Chăm là sản vật, hàng hoá, thị trường và
mãi lực... Cho nên, họ sẵn sàng ra đi với gia sản gọn nhẹ trên chiếc thuyền
buôn, để tìm một thị trường ổn định hơn khi tình hình chính trị, quân sự không
còn thuận lợi cho nghề nghiệp kinh doanh của họ. Kẻ ở lại là những người nông
dân, dễ dàng hoà nhập với người đến sau trong điều kiện đất rộng người thưa.
Những di tích Ấn Độ giáo, lễ vật tạ ơn từ những món lợi nhuận của giới thương
nhân quý tộc là những đền tháp và di tích tôn giáo khác cũng chóng trở thành
những điểm "kính nhi viễn chi" trong quan niệm của họ. Sự kế thừa
tiếp nối việc thờ cúng đã vì thế không xảy ra, mặc dù, cuộc bàn giao hữu nghị
vùng Ô, Lý cho Đại Việt đã không tạo nên sự xáo trộn dân cư lớn. Tài liệu Thỉ
Thiên Tự của Bùi Trành vào đầu thế kỷ XV ở vùng Trị Thiên mà chúng tôi có dịp
công bố đã cho chúng ta hình dung được hiện tượng này[3].
![]() |
Đền thờ Huyền Trân Công Chúa tại núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, TP Huế |
![]() |
Đôi rồng trong đền, được xem là lớn nhất Việt Nam |
Cuộc chuyến dịch dân cư về phía Nam của người Việt từ bối
cảnh này chẳng quá khó để giải thích tại sao lại nhanh chóng và yên ả đến thế.
Trong bài viết khá thuyết phục “Bước đầu xác định danh hiệu
các tiểu quốc miền Bắc vương quốc cổ Chiêm Thành khoảng giữa thế kỷ 11-15” của
Trần Kỳ Phương[4]
đã cho chúng ta thấy ít nhất có 6 tiểu quốc tồn tại ở Bắc miền Trung vào thời
kỳ này: Vijaya (Bình Định), Amaravati (Quảng Nam), Ulik (Trị Thiên), Jriy (Đồng
Hới) và Traik (Bố Trạch-Quảng Bình).
Ulick mà sau này sử Việt đổi là Ô Lý chính là một trong
những tiểu quốc nằm trong vùng khống chế của Simhavarman III đã được bàn giao
cho người Việt một cách nhẹ nhàng mà Huyền Trân công chúa, trong trường hợp
này, đã là hoặc chỉ để làm thi vị hoá, lãng mạn hoá một sự kiện chính trị và bang
giao không thể thay đổi của tình hình đương thời. Việc trở lại Thăng Long và
không lên dàn hoả thiêu cùng chồng đã tự nó giải thích ý nghĩa tình huống bi ai
này. Nhưng dù sao Huyền Trân vẫn là một nhân vật lịch sử làm cho vận mệnh đất
nước nói chung và xứ Huế có được một giai thoại đẹp đẽ, thi vị, thơ mộng như
chính cảnh sắc và con người nơi đây.
Nguyễn Hữu
Thông
(Trích trong 700 năm Thuận Hoá-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế)
- Bronson. B (1977), Exchange
at the Upstream and Downstream Ends: Note Toward a Funtional Model of the
Coastal State in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and
Ethnography [Huteerer, Karl L.ed]. Ann Anbor: Center for South and Southeast
Asia Studies. The University of Michigan. USA.
-Hall R.K (1999), Maritime
Trade and Early State Development in Southeast Asia, Honolulu: University
Washington: Departent of Anthropology.
-Nakamura Rie (1999), Cham in
Vietnam: Dynamics of Ethnicity (Ph.D dissertation) University Washington,
Department of Anthropology.
-Wolter O.W (1982), History,
Culture and Religion in Southeast Asia Perspective, Singapore: Istitute of
Southeast Asia Studies.
-Schweryer A.V (1999), La
vaisselle en argent de la dynastie d'Indrapura (Quang Nam-Vietnam), Bulletin de
I'Ecole Francaise d' Extreme-Orient.
-R.C. Majimdar (1985), Champa:
History and Culture of an Indian colonial kinhdom in the Far East 2sd-16th
century AD, Dehli: Gian Publisher House.
-"Champa", trong The Cambridge History of
Southeast Asia, vol. 1 [From Early time to C. 1800], Cambrdge: Cambrdge
University Press.
[2] Cercle d'Art (1995), Le Viet Nam des Royaumes, Paris: Cercle d'Art. và
William A.Southworth (2001), The Origins of Champa in Central Vietnam (A
preliminary Review), London: The School of Oriental & Africa Studies (SOAS).
[3] Nguyễn Hữu Thông (1996), "Bức tranh cư dân vùng Thuận Hoá đầu thế
kỷ XV qua văn bản Thi thiên tự", T/c Thông tin Khoa học Công nghệ& Môi
trường Thừa Thiên Huế, số 04.
[4] Trần
Kỳ Phương (2005), "Bước đầu xác định danh hiệu các tiểu quốc miền Bắc
vương quốc cổ Chiêm Thành khoảng giữa thế kỷ 11-15", T/c Nghiên cứu &
Phát triển, Huế: Sở Khoa học&Công Nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, số 1.
0 bình luận :
Đăng nhận xét