Chuyện phố đổi sang địa chỉ mới "chuyenpho2.blogspot.com"

12/5/14

Vì sao người Mỹ thất bại?

Cẩm Giang - Phương Thảo

Martin Sheen trong phim Apocalypse
Ảnh chụp từ phim
“Tao yêu mùi bom napal vào buổi sáng… Chú mày biết không, cả mùi xăng trên ngọn đồi cứ như là mùi của chiến thắng… Một ngày nào đó cuộc chiến này sẽ tàn”. Lời tâm sự vừa ngang tàng vừa nhuốm mùi cay đắng của Trung tá Bill Kilgore (Robert Duvall) đúng là báo hiệu cho ngày tàn của cuộc chiến mà người Mỹ đã gây ra tại Việt Nam, chỉ khác là chiến thắng đã không đến với họ.


Họ là những con người ở thế giới văn minh nhưng đã trở nên man rợ đến nỗi đặc biệt yêu thích mùi bom đạn như Bill Kilgore, chém giết đến điên cuồng như Đại tá Walter E. Kurtz (Marlo Brando) và hoang mang như Benjanmin L. Willard (Martin Sheen)…

“Apocalypse Now” (1979) của đạo diễn Francis Coppola là lời giải thỏa đáng cho câu hỏi vì sao người Mỹ thất bại trên đất Việt? – trong một cuộc chiến mà chỉ có thể gói gọn vào hai chữ “kinh hoàng”, như lời của Đại tá Walter E. Kurtz nhắc đi nhắc lại ở cuối phim.

Những sỹ quan “phát điên”

Bộ phim có một cấu trúc khá phức tạp, dựa trên hai cái hành trình diễn ra song song. Hành trình thứ nhất, hiển hiện rõ (chính là cốt truyện) là cuộc tìm kiếm của Đại úy Benjanmin L. Willard để thực thi nhiệm vụ giết Đại tá Walter E. Kurtz. Đằng sau đó – hành trình thứ hai, ngầm ẩn – là sự thay đổi về nhận thức của viên Đại úy sau mỗi lần anh ta hiểu thêm về người mình săn đuổi cũng như về bản chất cuộc chiến. Chính vì là một phim hành trình, nên “Apocalypse Now” tuy phức tạp vẫn được chia làm các phần rõ rệt, dựa trên những nơi mà nhân vật chính đi đến, những biến cố anh ta trải qua. Mỗi biến cố tương ứng với một trường đoạn, cũng chính là một lời giải thích của tác giả về sự thất bại của quân đội Mỹ.

Bill Kilgore, viên trung tá yêu mùi bom napal
Ảnh chụp từ phim
 
Ban đầu, chúng ta được gặp một viên chỉ huy có vẻ mạnh mẽ, can trường trước khói lửa chiến tranh – Trung tá Bill Kilgore. Ông ta không hề sợ súng đạn, thậm chí còn thích ngửi mùi bom như “mùi chiến thắng”. Bill còn ra vẻ là một “tay chơi đẹp”, bởi khi có một người hấp hối được cho là Việt cộng đòi nước ông đã mắng lính của mình vì không cho người này uống và nói rằng “bất cứ ai dám chiến đấu đến lòi ruột cũng đều xứng đáng uống nước của ta”. Thế nhưng, thực sự con người này ra sao? Vừa có một phát ngôn đáng nể, ông ta đã quên ngay và quẳng bi-đông nước chỉ vì nhìn thấy Lance Johnson (người đi cùng tàu với Đại úy Willard) – một người lướt sóng nổi tiếng mà ông ta ngưỡng mộ. Nhiệm vụ của Willard là đi tìm Đại tá Kurtz – người được cho là đã “phát rồ” với những hành động kỳ cục, nhưng thực ra Bill trước mắt anh lúc đó cũng không hề bình thường. Ông ta bắt Lance và một số người khác lướt sóng ngay giữa trận chiến với mưa bom bão đạn do chính ông ta tạo ra; cũng ngay trận chiến đó, Bill cởi phăng áo, đưa cho một người lính bên cạnh để anh ta thay mình chỉ huy; rồi Bill còn mở nhạc thính phòng phát trên loa vang dậy, lấy đó làm thú vui khi âm nhạc đe dọa được những người dân quê mùa, bom dội như mưa, súng đạn dậy đất gây ra cảnh giết chóc man rợ được hòa quyện với loại nhạc được cho là biểu tượng của thế giới văn minh… Chúng khiến cho ta phải bật lên câu hỏi: Đó là những người nắm giữ quân đội Mỹ đấy ư, là những người hy vọng sẽ giành được mảnh đất Việt đấy ư – những người mà với họ việc tàn sát đồng loại là một thú tiêu khiển có đẳng cấp?

Walter E. Kurtz, viên đại tá lầm lạc hay là người
tiên đoán về sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam
Ảnh chụp từ phim
 
Đại tá Kurtz – người bị săn lùng, người chỉ hiện ra qua lời đánh giá, qua những xấp tài liệu và qua trí tưởng tượng của Willard – cuối cùng cũng xuất hiện, một cách sinh động nhất cho cái gọi là “kinh hoàng” và “phát điên”. Viên Đại tá này có một lý lịch tuyệt vời, ngồn ngộn chiến công. Ông dường như sinh ra là để dành cho quân đội, như lời của tự sự của Willard thì một ngày nào đó ông ta có là thống lĩnh hay cái gì đó cao hơn nữa cũng không phải là lạ. Thế nhưng đột nhiên Kurtz không hành động theo kỷ luật quân đội nữa, ông ta giết hàng trăm dân lành vô tội, tiến quân đến vùng biên giới Việt-Campuchia và xây dựng một đế chế cho riêng mình, nơi ông được những người Cam-bốt tôn vinh. Cùng với hành trình khám phá của Willard và hành động khác thường của Kurtz, chúng ta biết được rằng, ông ta đã đi vào ngõ cụt. Bởi sau những chiến công, sau ánh hào quang chói lọi, Kurtz nhận ra tất cả tuổi trẻ hăng say, tất cả lý tưởng của cuộc đời mình rốt cục chỉ phục vụ cho sự dối trá của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ, phục vụ cho cuộc chiến xấu xa và tàn bạo. Kurtz đứng trước sự lựa chọn giữa lương tri và lòng trung thành và rốt cục đã chọn rút khỏi quân đội. Thế nhưng, đi tiếp con đường nào thì ông bế tắc. Càng đi, Kurtz càng vào sâu trong rừng, đường về của ông càng mờ mịt và rồi trở nên bất khả. Làm sao ông có thể trở về khi đã mang danh kẻ phản bội? Nhưng trong thâm tâm, viên Đại tá vẫn muốn được chết như một người lính, bởi vậy ông chờ đợi một người như Willard, đến và kết liễu cuộc đời đau đớn, kinh hoàng của mình. Cái chết của ông được dựng song song với cái chết của con trâu đực trong lễ tế ngoài kia, để hiến dâng cho thần thánh, hay đơn giản chỉ là một sự giải thoát?

Sự hoang mang của người lính

Cùng với con tàu của Willard, người xem được lạc vào một cánh rừng nhiệt đới âm u, nơi chứng kiến những người lính Mỹ điên cuồng, náo loạn và khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng vì sự xuất hiện của một con hổ. Con hổ ở đây là biểu tượng của thiên nhiên rất đỗi bình thường của rừng núi Việt Nam, nó có thể đáng sợ, nhưng đáng sợ đến nỗi những người lính Mỹ phải đúc kết “tốt nhất không bao giờ xuống khỏi tàu”, thì nó lại mang một ý nghĩa khác. Toàn bộ sắc màu của trường đoạn này mang một gam xanh sậm, gợi lên cảm giác bí ẩn, lạnh lẽo và đầy đe dọa. Câu kết luận của người lính là một sự tự vệ tức thời nhưng nó quả là đúng với hiện trạng của họ, nếu không hiểu được thiên nhiên nơi đây, không thể nắm được vùng đất này, thì liệu họ có thể yên ổn ở đó được chăng?

Ánh mắt hoang mang của người lính
Ảnh chụp từ phim
 
Trong hành trình đi sâu hơn vào biên giới Việt – Campuchia – nơi họ cho rằng Kurtz ẩn náu, Willard cùng những người tháp tùng của mình gặp một sư đoàn gần như bị bỏ hoang, không có người chỉ huy, không còn ai có ý nghĩ chiến đấu, những người lính ở đó chạy đùa, lột quần nhau làm trò vui, họ thậm chí bán các cô gái mà họ có cho những người đi qua mua vui chỉ nhằm đổi lấy dầu. Ta bắt đầu cảm thấy nực cười, đó là việc mà chính phủ Mỹ phải kéo những cậu bé mới thành niên sang một xứ sở xa lạ để giao cho họ làm ư?

Những sỹ quan thì điên cuồng – dù là trong sự tàn bạo hay trong cuộc đấu tranh nội tâm của họ, còn những người lính thì rã rời, hoang mang, không định hướng. Đó là những khám phá qua hơn 2h phim được coi là đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật của đạo diễn Coppola. Đồng thời đây cũng là lời giải cho sự sa lầy của một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới tại một nước nhỏ yếu hơn. Nhưng trên hết, vị đạo diễn tài ba này cũng đem đến cho người xem những sự thật cay đắng về con người trong chiến tranh từ đó đưa ra thông điệp phản chiến mạnh mẽ cho nhân loại.


0 bình luận :